Đối phó với bệnh sương mù não

Sương mù não mô tả tình trạng tinh thần uể oải, mờ mịt, thiếu minh mẫn. Tình trạng này có thể khiến bạn gặp phải các vấn đề như:

  • Rắc rối khi sắp xếp các suy nghĩ lại với nhau
  • Khó tập trung hoặc nhớ những gì bạn đang làm
  • Mệt mỏi, uể oải cả về thể chất và tinh thần
  • Thiếu động lực và hứng thú với những việc bạn thường làm
  • Những suy nghĩ có vẻ mơ hồ hoặc khó nắm bắt

Tình trạng sương mù não khá phổ biến nhưng bản thân nó không phải là một bệnh mà có thể là triệu chứng báo hiệu một số vấn đề sức khỏe như lo lắng và căng thẳng. Nếu bộ não của bạn là một chiếc máy tính, thì sự lo lắng và căng thẳng liên tục là những chương trình chạy ngầm và sử dụng rất nhiều bộ nhớ cũng như khiến mọi thứ khác chạy chậm.

Ngay cả khi bạn không chủ động tập trung vào những suy nghĩ lo lắng, chúng vẫn thường chạy trong não bạn và có thể góp phần gây ra các triệu chứng thực thể như: khó chịu, đau bụng hoặc mệt mỏi.Tình trạng sương mù não liên quan đến lo âu không chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc mà còn có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, đặc biệt nếu nó đã xảy ra được một thời gian. Dưới đây là một số mẹo để cải thiện tình trạng sương mù não.

Xác định nguyên nhân

Xác định nguyên nhân gây ra sương mù não có thể giúp bạn tìm ra cách giải quyết hiệu quả hơn. Những nguồn căng thẳng tạm thời như một dự án lớn ở nơi làm việc có thể góp phần khiến tinh thần của bạn mệt mỏi.

Những nguyên nhân đó thường khá dễ xác định. Nhưng nếu đã phải đối mặt với sự lo lắng hoặc căng thẳng trong một thời gian thì bạn có thể khó nhận ra điều gì đang ảnh hưởng đến mình. Nếu bạn không thể xác định chính xác điều gì đang tạo ra tất cả những tiếng ồn xung quanh tâm trí mình thì bạn có thể tìm đến các bác sĩ tâm lý, nhà trị liệu để được tư vấn.

 

Ngủ nhiều hơn

Thiếu ngủ có thể khiến bạn khó suy nghĩ rõ ràng trong ngày, bất kể bạn có đang phải đối mặt với chứng lo âu hay không. Mất ngủ một hoặc hai đêm có thể sẽ không có tác động lâu dài nếu phần lớn thời gian bạn vẫn có những đêm ngon giấc.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên không ngủ đủ giấc, bạn có thể sẽ bắt đầu nhận thấy một số hậu quả tiêu cực như khó chịu, buồn ngủ ban ngày và hậu quả là bạn khó tập trung trong công việc học tập. Caffeine có thể giúp bạn tạm thời tỉnh táo hơn nhưng đó không phải là giải pháp tốt lâu dài. Bạn nên đặt mục tiêu ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm và tăng dần lên. 9 tiếng là thời gian tối ưu cho một giấc ngủ ban đêm.

 

Dành thời gian làm những việc bạn thích

Căng thẳng thường xảy ra khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn bình thường. Nếu bạn có quá nhiều việc mà không biết cách quản lý tất cả thì việc dành thời gian để thư giãn hoặc tận hưởng có vẻ là một điều xa xỉ - nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, nếu bạn không dành thời gian để chăm sóc bản thân và thư giãn thì bạn sẽ tiếp tục gây thêm căng thẳng cho mình. Hãy thử dành ra 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày cho một hoạt động thư giãn, thú vị, như:

  • Làm vườn
  • Vhơi một trò chơi điện tử
  • Tập yoga
  • Dành thời gian bên những người thân yêu
  • Đọc một cuốn sách

Ngay cả khi bạn chỉ có 15 phút rảnh rỗi trong ngày, hãy dành thời gian đó để làm điều gì đó bạn yêu thích. Điều này có thể giúp bộ não của bạn nạp lại năng lượng.

 

Thiền định

Khi bạn cảm thấy quá tải và không thể tập trung thì việc ngồi suy nghĩ có vẻ không phải là điều tốt. Khi đó, thiền có thể giúp bạn nâng cao nhận thức về những trải nghiệm thể chất và cảm xúc, đồng thời giúp điều chỉnh những cảm xúc không mong muốn.

Để bắt đầu với thiền bạn cần:

  • Chọn một nơi yên tĩnh, thoải mái để ngồi.
  • Hãy thoải mái, cho dù đó là đứng, ngồi hay nằm.
  • Hãy dũng cảm đối diện với những suy nghĩ của bạn kể cả tích cực hay tiêu cực 
  • Khi những suy nghĩ xuất hiện, hãy cố gắng đừng phán xét, bám víu vào chúng hoặc đẩy chúng đi. Đơn giản chỉ cần thừa nhận chúng.
  • Bắt đầu bằng cách thực hiện động tác thiền định  trong 5 phút và dần dần tăng thời gian thiền định

 

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý

Ăn không đủ hoặc không nhận đủ chất dinh dưỡng có thể khiến bạn khó tập trung. Khi căng thẳng hay bận rộn, bạn sẽ cảm thấy quá mệt mỏi để chuẩn bị các bữa ăn cân bằng và thay vào đó chuyển sang ăn đồ ăn nhanh nghèo dinh dưỡng.

Những thực phẩm này thường không cung cấp được dinh dưỡng tăng cường năng lượng. Trên thực tế, chúng có thể gây tác dụng ngược, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Bên cạnh đó, lo lắng cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về dạ dày khiến bạn khó ăn uống như bình thường. Nếu bạn bỏ một vài bữa, bạn có thể cảm thấy buồn nôn khi nghĩ đến thức ăn và điều này càng khiến bạn kiệt sức hơn.

Thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp cải thiện nhận thức:

  • Thực phẩm tươi sống (đặc biệt là quả mọng và rau xanh)
  • Cc loại ngũ cốc
  • Protein nạc như cá và gia cầm
  • Quả hạch

Uống đủ nước cũng có thể giúp cải thiện tình trạng sương mù não. Tình trạng mất nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đến mức năng lượng, sự tập trung và trí nhớ của bạn.

 

Tập luyện

Hoạt động thể chất có rất nhiều lợi ích, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi vận động giúp cải thiện nhận thức. Tập thể dục có thể giúp:

  • Cải thiện giấc ngủ
  • Tăng lưu lượng máu đến não
  • Cải thiện trí nhớ và thời gian phản ứng

Bạn không cần phải đến phòng tập thể dục để tập luyện cường độ cao và chỉ cần 15 phút đi bộ nhanh quanh khu phố cũng có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho bạn.

 

Dành thời gian nghỉ ngơi

Cố gắng tiếp tục vượt qua tình trạng sương mù não nói chung không phải là giải pháp tốt nhất, đặc biệt nếu bạn cảm thấy lo lắng về kết quả của việc mình đang cố gắng làm. Hãy nghĩ đến việc bạn phải lái xe trong một trận mưa lớn: Nếu bạn không thể nhìn thấy đường hoặc không tập trung vào tiếng mưa đập vào kính chắn gió, bạn nên tấp vào lề cho đến khi mọi thứ dịu xuống. Điều tương tự cũng xảy ra với việc cố gắng hoàn thành công việc khi đầu óc bạn cảm thấy thiếu minh mẫn.

Bạn chỉ cần dành 15 phút để rời khỏi công việc bằng cách đọc truyện, thư giãn, nhìn ra không trung hoặc bất cứ điều gì bạn cảm thấy phù hợp. Điều này có thể giúp bạn lấy lại tinh thần và đầu óc thông suốt để quay trở lại với năng suất được cải thiện.

 

Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng xảy ra với tất cả mọi người, vì vậy việc xác định một số cách để đối phó phù hợp là một sự đầu tư thông minh. Bạn có thể thử một số cách sau để kiểm soát những căng thẳng có thể gặp phải

  • Dành thời gian cho bản thân được nghỉ ngơi
  • Cảm thấy thoải mái khi nói “không” với những yêu cầu giúp đỡ khi bạn đang bận.
  • Nghĩ ra ba cách để giải quyết những tình huống căng thẳng ở bất cứ đâu. Các bài tập thở có thể là một trong những phương pháp hiệu quả để bắt đầu.
  • Viết nhật ký về tâm trạng và cảm xúc của bạn.

 

Loại trừ nguyên nhân bệnh lý

Ngay cả khi bạn tin rằng tình trạng sương mù não của mình có liên quan đến sự lo lắng, bạn vẫn nên đi khám để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra tình trạng sương mù não. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang thực hiện các bước để giải quyết sự lo lắng của mình nhưng vẫn nhận thấy sự mệt mỏi về tinh thần và các vấn đề về khả năng tập trung. Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sương mù não bao gồm:

  • Bệnh lupus
  • Thiếu máu
  • Thiếu vitamin
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Sự mất cân bằng nội tiết tố

 

Đi khám và tìm sự tư vấn

Mặc dù tất cả các biện pháp kể trên có thể giúp bạn quản lý tình trạng sương mù não tốt hơn nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài để kiểm soát sự lo lắng. Lo lắng không có cách chữa trị, nhưng nói chuyện với bác sĩ trị liệu có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các tác nhân gây ra để bạn có thể học cách quản lý chúng một cách hiệu quả.

Nhiều người không nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với chứng lo âu vì họ không cảm thấy lo lắng quá mức về bất cứ điều gì cụ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng lo âu có thể rất khác nhau và thường liên quan đến vấn đề thể chất cũng như cảm xúc. Chuyên gia tâm lý, trị liệu có thể giúp bạn xác định và khám phá nguyên nhân của bất kỳ triệu chứng cảm xúc không giải thích được nào. Vì vậy đi khám luôn là một sự lựa chọn tốt cho bạn.

Đặc biệt, sương mù não cũng có thể là một triệu chứng của trầm cảm, vì vậy nếu bạn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng hoặc có ý nghĩ tự tử, tốt nhất bạn nên nói chuyện với chuyên gia tâm lý, trị liệu hoặc cố vấn khủng hoảng, càng sớm càng tốt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top