Đột quỵ não là hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự mất cấp tính chức năng của não, tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ.
Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, không do nguyên nhân chấn thương. Đột quỵ não còn được biết đến với tên gọi khác là tai biến mạch máu não.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một bệnh lý gây ra do tổn thương mạch máu tại não. Theo phân loại quốc tế, bệnh mạch máu não gồm hai thể chính là nhồi máu não và chảy máu não.
– Nhồi máu não hay thiếu máu não cục bộ là do lòng mạch máu não bị nghẽn, bít tắc hoặc thắt hẹp (chiếm tỷ lệ đa số là 87%). Chảy máu não là do mạch máu não bị vỡ, thường nơi vỡ là các phình động mạch (3%), mạch máu dị dạng hoặc do rối loạn yếu tố đông cầm máu.
– Nguyên nhân của sự nghẽn mạch hay huyết khối thường do lòng mạch bị vữa xơ hoặc viêm, hình thành các mảng vữa xơ và cục máu đông làm hẹp dần lòng mạch.
Nếu lòng mạch bị hẹp nhiều (khi hẹp ≥ 75%) sẽ có biểu hiện thiếu máu vùng não phía sau do mạch máu đó cung cấp, khi lưu lượng máu não dưới 10ml/100g não/phút sẽ gây ra nhồi máu (bình thường lưu lượng tuần hoàn não trung bình ở người lớn là 49,8ml ± 5,4ml/100g não/phút).
– Tắc mạch máu não là do cục tắc từ vị trí khác của lòng mạch di chuyển đến. Cục tắc có thể từ tim hoặc ở lòng mạch đoạn từ quai động mạch chủ đến động mạch cảnh được trôi lên mạch máu não, cục tắc sẽ dừng lại ở lòng mạch có kích thước nhỏ hơn và gây mất cấp máu cho vùng não do mạch đó chi phối, từ đó gây nhồi máu não.
Cục tắc hình thành ở tim thường do máu bị quẩn trong tim do bệnh hẹp van hai lá, rung nhĩ, loạn nhịp tim. Cục tắc hình thành ở mạch thường là mảng vữa xơ bị bung ra và trôi lên phía trên theo dòng chảy của tuần hoàn não.
– Lòng mạch bị thắt hẹp do co thắt mạch máu não, thường gặp trong chảy máu dưới nhện, sau đau nửa đầu, tăng huyết áp cấp tính, can thiệp mạch.
– Chảy máu não có thể do tăng huyết áp, do vỡ các phình động mạch não hoặc vỡ ổ dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh (AVM), vỡ thông động tĩnh mạch màng cứng hoặc các bệnh lý rối loạn đông cầm máu.
Phình mạch máu não có thể do bẩm sinh, có thể mắc phải do bị tổn thương thành mạch và tăng huyết áp.
Để biết trước điều này không còn cách nào khác là phải biết hệ mạch não, hệ mạch từ tim lên não cũng như các yếu tố đông cầm máu trong cơ thể.
Đối với nhóm người trẻ tuổi, khả năng bị đột quỵ là do có bệnh lý dị dạng động tĩnh mạch não bẩm sinh, phồng động mạch não bẩm sinh; tắc mạch não do biến chứng hẹp van hai lá gây rung nhĩ, tạo thành máu quẩn ở tim trôi lên não hoặc các bệnh về máu như xuất huyết giảm tiểu cầu, sốt xuất huyết.
Vậy trước tiên cần làm là khám sức khỏe định kỳ xem có các bệnh về máu không, kiểm tra tim mạch xem có bị bệnh lý van tim không?
Với trẻ hay đau đầu, co giật động kinh, chậm nhận thức, nên kiểm tra mạch máu não bằng chụp cộng hưởng từ mạch máu não hoặc chụp cắt lớp vi tính nhiều lớp cắt dựng mạch. Khi có nghi ngờ thì chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để xác định rõ tổn thương.
Đối với người có yếu tố nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh lý tim mạch, vữa xơ động mạch, cơn thiếu máu não thoảng qua, nghiện rượu, nghiện thuốc lá… thì việc quan trọng là khảo sát hệ mạch máu não, hệ mạch cảnh, động mạch chủ và tim.
Xác định xem mạch máu não có bị phình, bị dị dạng, bị chít hẹp hoặc có cục máu quẩn trong tim không? Người bệnh cần làm điện tim, siêu âm tim, siêu âm hệ động mạch chủ và hệ động mạch cảnh và tốt nhất là chụp được hệ mạch máu não bằng cộng hưởng từ hoặc CT scanner đa lớp cắt mạch máu.
Đối với người trên 55 tuổi, đây là nhóm có khả năng bị đột quỵ cao, chủ yếu do nhồi máu não huyết khối hoặc chảy máu não do vỡ các phình mạch, tăng huyết áp. Cần khảo sát kỹ hệ động mạch cảnh, hệ động mạch não bằng siêu âm và cộng hưởng từ mạch, CT đa lớp cắt dựng mạch hoặc chụp mạch máu máu não DSA.
Ðột quỵ não không loại trừ lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên đột quỵ tăng theo tuổi, đối với mỗi thập niên sau 55 tuổi, nguy cơ đột quỵ tăng gấp hai lần.
Yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm tăng huyết áp (60-75%), vữa xơ động mạch (35%), bệnh lý van tim (12-15%), đái tháo đường (15-25%), rối loạn lipid máu (40-57%), nghiện thuốc lá (30-35%), nghiện rượu (25-30%), béo phì, thiếu máu não thoảng qua (15%)…
Tỷ lệ tử vong do đột quỵ đứng thứ hai (9%) sau ung thư trên toàn thế giới, đứng thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch ở Mỹ. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ não ở Việt Nam chiếm 10-12% so với tổng số tử vong nói chung.
Đột quỵ não xảy ra rất đột ngột và cấp tính, đôi khi cướp đi tính mạng của người bệnh chỉ vài chục phút. Chỉ có 12-15% người bệnh có triệu chứng thiếu máu não thoảng qua, được coi là dấu hiệu cảnh báo bị đột quỵ, còn đa phần không có biểu hiện gì trước khi đột quỵ xảy ra.
Các nguyên nhân gây đột quỵ vì thế được coi như là bom nổ chậm, khi chúng phát nổ thì để lại hậu quả khôn lường. Việc phát hiện và điều trị dự phòng trước khi đột quỵ xảy ra là cực kỳ cần thiết và quan trọng, giúp người bệnh có thể tránh được đột quỵ.
Đối với bệnh nhân có rung nhĩ, hình thành cục máu từ tim, đây là nguyên nhân đột quỵ thể tắc mạch do cục tắc ở tim chảy lên não. Việc điều trị bao gồm thuốc chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu để làm tan cục máu quẩn và điều trị chống loạn nhịp tim.
Khi bị hẹp lòng mạch, nếu động mạch não bị hẹp dưới 75% mà chưa có triệu chứng lâm sàng thì uống thuốc chống kết tập tiểu cầu, hạ lipid máu, hạ huyết áp, kiểm soát đường máu có thể ngăn chặn sự phát triển mảng vữa xơ, làm lòng mạch được thông suốt hơn, ngăn chặn hình thành cục máu đông, từ đó ngăn chặn được đột quỵ thiếu máu não.
Khi hẹp trên 75% chưa có triệu chứng lâm sàng hoặc trên 50% mà có triệu chứng thiếu máu não thì tiến hành đặt stent lòng mạch, người ta đặt các vòng lò xo kim loại có tác dụng mở rộng lòng mạch, tránh hẹp tắc.
Nếu phát hiện có phình mạch hoặc các ổ dị dạng động tĩnh mạch thì tiến hành nút coils túi phình hoặc nút ổ dị dạng bằng chất keo sinh học. Đây là các kỹ thuật tiên tiến, không phải mở sọ não và thu được kết quả rất tốt, giúp tránh bị đột quỵ chảy máu não.
Ngoài ra phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn nhiều chất béo, béo phì. Kiểm soát thật tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, rối loạn nhịp tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh