Dùng thuốc Đông y cho giấc ngủ

Nội dung

Từ xa xưa, y học cổ truyền phương Đông rất coi trọng vấn đề giấc ngủ, coi giấc ngủ là bạn đồng hành của sức khỏe, là một trong hai nhiệm vụ lớn nhất của phép dưỡng sinh cùng với chuyện ăn uống.

Sách Dưỡng sinh tam yếu, một trong những trước tác nổi tiếng về dưỡng sinh đã viết: “Giấc ngủ là niềm vui lớn nhất của đời người”, “giấc ngủ là liều thuốc bổ của tự nhiên”.

Giấc ngủ là gì?

Trước hết, Đông y cho rằng: sự thay đổi giấc ngủ của con người lấy sự vận hành của doanh khí và vệ khí làm cơ sở, nhất là vệ khí. Đây là hai thứ vật chất cùng nguồn mà khác dòng. Dinh khí là là tinh khí của đồ ăn thức uống, bắt nguồn ở tỳ vị mà ra, thuộc âm, tính nhu nhuận nên đi trong lòng mạch. Vệ khí là thứ khí mạnh trong trong đồ ăn thức uống, thuộc dương, tính cương cường lưu lợi nên đi ở ngoài lòng mạch. Nghiên cứu quy luật vận hành của vệ khí người ta thấy nó có quan hệ mật thiết với việc ngủ thức đúng giờ của con người. Sách Nội kinh linh khu thiên Vệ khí hành viết : “Dương chủ ngày, âm chủ đêm. Sự vận hành của vệ khí một ngày một đêm là 50 vòng, ban ngày vận hành 25 vòng ở dương, ban đêm vận hành 25 vòng ở âm. Cho nên, hết âm thì dương xuất hiện ở mắt, mắt mở thì khí chạy lên đầu, từ cổ xuống đường kinh Túc thái dương, vì vậy người ta ngủ thức có lúc sớm lúc muộn vậy”. Hai chữ “mở mắt” nghĩa là thức dậy. Sách Linh khu thiên Dinh vệ sinh hội cũng viết: “Vệ khí vận hành 25 lần ở âm, 25 lần ở dương, phân chia đêm ngày, khí dương vận hành thì thức, khí âm vận hành thì ngủ”. Sách Linh khu đại hoặc luận viết: “Người bị bệnh không ngủ được vì vệ khí thường ở dương nên khí dương thịnh, vệ khí không thường ở âm nên âm hư, vì vậy mà không ngủ được”, điều này nói rõ nguyên nhân mất ngủ là do vệ khí không vào âm được.

Thứ đến, Đông y cho rằng, giấc ngủ là kết quả của sự giao hòa âm dương. Sách Nội kinh linh khu, thiên Khẩu vấn viết: “Âm khí hết mà dương khí thịnh thì thức, dương khí hết mà âm khí đầy thì ngủ vậy”. Điều đó có nghĩa là, con người sau một ngày hoạt động, khí dương suy yếu, cần phải được nghỉ ngơi.

 

Thời gian ngủ bao nhiêu là đủ?

Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như độ tuổi, thể chất, nghề nghiệp... Ví như, trẻ sơ sinh có thời gian ngủ dài nhất, cần khoảng 20 giờ trong một ngày, trẻ từ 1 - 2 tuổi khoảng 16 giờ, từ 3 - 4 tuổi khoảng 14 giờ, 5 - 7 tuổi khoảng 12 giờ, 8 - 12 tuổi: 9 - 11 giờ, 16 - 20 tuổi: 8 - 9 giờ, người lớn 7 - 8 giờ là đủ; người trên 60 tuổi cần kéo dài thời gian ngủ, người 60 - 70 tuổi cần ngủ mỗi ngày 9 giờ, từ 70 - 90 tuổi cần 10 giờ, trên 90 tuổi: 10 - 12 giờ...

Hay như, thể chất khác nhau thì thời gian ngủ cũng không giống nhau. Sách Hoàng đế nội kinh viết: “Hoàng đế hỏi Du Chi Bá rằng: người ngủ nhiều khí của họ ra sao? Chi Bá đáp: người có dạ dày to mà da khô ráp, dạ dày to thì vệ khí lưu lại lâu, da khô ráp thì cơ bắp không lỏng, vệ khí vận hành chậm, ở âm lâu, vệ khí không tinh thì buồn ngủ, nên thường ngủ nhiều vậy. Nếu dạ dày nhỏ, da mềm nhẵn thì vệ khí lưu lại ở dương lâu, nên ngủ ít vậy”. “Dạ dày to” mà Chi Bá nói là chỉ người béo, “dạ dày nhỏ” là chỉ người gầy. Trên thực tế, người béo thường ngủ nhanh và nhiều hơn người gầy.

Có nhiều người nghĩ rằng, ngủ nhiều thì hẳn có lợi cho sức khỏe, nhưng thực chất không phải như vậy. Đông y cho rằng: ngủ lâu thương tổn đến khí, vì ngủ lâu khí huyết khó lưu thông, công năng hoạt động của các tạng phủ bị suy giảm, khiến cho sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ phát sinh bệnh tật.

 

Khi ngủ dùng gối như thế nào cho hợp lý?

Nhiều người cho rằng, ngủ gối đầu cao là tốt như phương ngôn có câu “gối cao hết buồn”, nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi lẽ, khi ngủ gối đầu quá cao sẽ làm cho đầu và thân người có góc gập lớn, ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây co cứng cơ ở cổ và gáy tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thoái hóa cột sống cổ phát triển nhanh và nặng hơn. Song, gối quá thấp cũng không phải là tốt vì dễ gây nên tình trạng huyết ứ, mắt và mặt dễ bị sưng phù, giấc ngủ nhiều mộng mị. Sách Lão lão hằng ngôn đã viết: “Độ cao thấp khi gối đầu, khi nằm ngửa cần gối cao bằng một nắm tay, khi nằm nghiêng cần gối cao một nắm tay rưỡi, độ cao cụ thể còn phải dựa vào hình thể cá nhân mà quyết định”.

Về độ cứng của gối, sách Lão lão hằng ngôn cũng khuyên: “Chớ dùng gối cứng”, vì khi dùng gối cứng, diện tích tiếp xúc với đầu nhỏ, áp lực tăng lên khiến da đầu dễ bị tổn thương, nhưng nếu gối quá mềm sẽ khó giữ được độ cao nhất định, cơ cổ dễ mỏi, ảnh hưởng đến hô hấp, rất bất lợi cho giấc ngủ. Hơn nữa, gối ngủ cần dài hơn một chút, sách Lão lão hằng ngôn viết: “Người già khi ngủ cũng cần gối dài”, vì gối dài sẽ tự do thoải mái trở mình mà không lo đầu rơi khởi gối, tư thế nằm luôn được thoải mái.

Về ruột gối, Đông y cho rằng cùng là một nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Từ xa xưa, cổ nhân đã chú ý tới việc nhồi ruột gối bằng các lá cỏ, bông vải để có được độ mềm thích hợp và phát huy tác dụng phòng chống bệnh tật của các dược liệu, phương pháp này được gọi là “Dược chẩm liệu pháp” (gối thuốc). Ví như, dùng cỏ thơm, hoa cúc dại hoặc bã trà phơi khô làm ruột gối rất có lợi cho giấc ngủ. Ruột gối bằng vỏ kiều mạch có độ cứng thích hợp, tính đàn hồi vừa phải, đông ấm hè mát. Ruột gối bằng bông thì giữ nhiệt, mùa đông thì ấm áp nhưng mùa hè thì những người bị cao huyết áp, can hỏa vượng chớ nên dùng. Ruột gối bằng vỏ đậu xanh dùng vào mùa hè thì rất thích hợp vì có tác dụng tỏa nhiệt, vừa trị đau đầu lại làm sáng mắt. Nhà dược học trứ danh Lý Thời Trân có ghi lại cách làm “gối sáng mắt” trong Bản thảo cương mục: “Vỏ khổ kiều, vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, quyết minh tử, hoa cúc làm ruột gối có tác dụng làm sáng mắt”. Tương tự như vậy, sách Diên niên bí lục có ghi chép về “gối hoa cúc”, sách Tuân sinh bát tiên viết về “gối từ thạch” đều có tác dụng làm sáng mắt và an thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top