Ăn gì để mau lành vết thương?

Tất cả chúng ta đều đã từng bị những vết thương ngoài da như vết cắt, vết cào xước hay thậm chí là vết thương hở trên da. Đối với những người khỏe mạnh, phần lớn những vết thương này sẽ nhanh chóng hồi phục nếu được giữ sạch sẽ và tránh nhiễm trùng, tuy nhiên ở một số người và một số loại vết thương sẽ nghiêm trọng hơn và thường cần những can thiệp y tế.

Những tổn thương này bao gồm những vết loét do nằm lâu ( có tên khác là vết loét do áp lực hoặc loét lở giường), xuất hiện ở những nơi xương nằm quá gần so với phần da – như mắt cá chân, lưng, khuỷu tay, gót chân và hông - ở những đối tượng phải nằm liệt giường, ngồi xe lăn hay không thể thay đổi vị trí, tư thế. Bệnh nhân tiểu đường là những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng loét bàn chân mà cần tới hàng tuần hay hàng tháng để lành lại.

Lựa chọn thực phẩm và tình trạng dinh dưỡng có ảnh hưởng đến khả năng lành vết thương vì những tổn thương trên da càng nghiêm trọng sẽ càng cần nhiều năng lượng, các loại vitamin, khoáng chất và protein cần thiết để thúc đẩy quá trình liền da và vết thương. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng cũng sẽ bị mất đi từ các dịch thể chảy ra từ vết thương.

Hãy tham khảo các hướng dẫn về dinh dưỡng dưới đây giúp vết thương mau lành hơn:

1. Ưu tiên hàng đầu là phải ăn đủ calorie từ một chế độ dinh dưỡng cân bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng. Lên danh sách những thực đơn và đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe bao gồm nhiều loại thực phẩm thuộc nhóm MyPlate (nhóm những thực phẩm được khuyến cáo bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ): protein, hoa quả, rau xanh, các sản phẩm từ bơ sữa và các loại hạt.

2. Tiêu thụ một lượng protein tối ưu: mục tiêu vào khoảng 20 -30 gram protein mỗi bữa ăn chính và từ 10 -15 gram protein mỗi bữa ăn nhẹ.

  • 1 miếng gà, thịt nạc hay cá được nấu chín với cỡ khoảng 85 gram có chứa từ 20 - 25 gram protein.

  • 1 quả trứng, 1 thìa canh bơ lạc và khoảng 30 gram pho mát chứa từ 6 -7 gram protein.

  • 1 cốc sữa ít béo hoặc sữa chua chứa khoảng 8 gram protein.

3. Luôn cung cấp đủ nước và các đồ uống không chứa đường khác cho cơ thể như trà, cà phê, nước quả nguyên chất 100% và sữa cũng có chứa protein.

4. Một số vết thương có thể cần phải nạp một lượng nhất định vitamin và khoáng chất. Hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp với từng cá nhân với tỷ lệ tối ưu năng lượng, protein, nước, vitamin và khoáng chất cần thiết cho nhu cầu cụ thể của bạn

5. Đối với bệnh nhân tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng và điều trị các tổn thương. Hãy trao đổi với bác sỹ chuyên khoa nội tiết và chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch kiểm soát đường huyết từ chế độ dinh dưỡng của bạn. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top