Bạn có thể cho rằng, việc ngủ ngáy chỉ đơn thuần là một phản ứng phụ khi ngủ, đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ và quấy rầy người ngủ cùng. Nhưng bạn chớ có coi thường chứng ngủ ngáy vì những người ngủ ngáy có nguyên nhân là chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ chết sớm cao hơn 40% so với những người cùng tuổi. Đó là bởi vì rối loạn khi ngủ này có liên quan đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe, từ các bệnh tim mạch đến trầm cảm.
Nếu bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc nếu bạn ngủ ngáy, dưới đây là 11 tình trạng có liên quan đến ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ bạn nên biết.
Đột quỵ
Một phân tích từ các dữ liệu về sức khỏe của một nghiên cứu về giấc ngủ đã chỉ ra rằng, cường độ ngáy có thể liên quan tới nguy cơ xơ vữa động mạch cảnh – tình trạng hẹp động mạch ở cổ do các mảng bám mỡ, và hậu quả là đột quỵ. Nói cách khác, bạn càng ngáy to và thời gian ngáy trong đêm càng lâu, thì nguy cơ lâu dài bạn bị đột quỵ càng tăng. Hãy bảo vệ bản thân mình bằng việc tìm kiếm các giải pháp giảm ngủ ngáy, đặc biệt là khi bạn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, nếu người ngủ cùng nói rằng ngoài ngáy, đôi khi bạn còn ngưng thở khi ngủ hoặc nếu bạn có các vấn đề sức khỏe khác, như bị tăng huyết áp.
Bệnh tim mạch
Chúng ta đều biết rằng, chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến các vấn đề về tim mạch, ví dụ như tăng huyết áp và bệnh mạch vành, thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nhưng trên thực tế, các dữ liệu cho thấy, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc những bệnh tim mạch nguy hiểm và không nguy hiểm cao gấp 2 lần. Điều trị cho rối loạn khi ngủ này rất hiệu quả: các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng, điều trị chứng ngưng thở khi ngủ với máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch xuống còn tương đương với nhưng người không mắc rối loạn này.
Loạn nhịp tim
Những người ngủ ngáy trong thời gian dài hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể sẽ bị loạn nhịp tim. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có những kỳ rung nhĩ nhiều hơn so với những người không mắc những rối loạn này hoặc đã được điều trị bằng CPAP. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền của tim hoặc có thể làm phì đại tâm nhĩ trái theo thời gian.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng rất thường gặp ở những người mắc chứng ngưng thở khi khủ. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ bị trào ngược là vì sự mất trật tự trong cách đóng cổ họng khi không khí đi qua trong khi ngủ, làm thay đổi áp lực khiến những thứ có trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Cả chứng trào ngược dạ dày thực quản và chứng ngưng thở khi ngủ đều có liên quan đến tình trạng thừa cân và sẽ đều giảm đi khi mọi người giảm cân, trở về mức cân nặng bình thường.
Chấn thương
Đây là một trong số những mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất của việc mất ngủ do ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ đem lại. Bạn có thể sẽ rất buồn ngủ vào ban ngày, và tình trạng này sẽ đặt cả bạn và những người xung quanh vào nguy cơ chấn thương cao hơn. Nếu ngủ ngáy hoặc chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn kiệt sức, bạn sẽ có nguy cơ ngủ gật nhiều hơn, và rất có thể chuyện này sẽ xảy ra khi bạn đang tham gia giao thông. Một phân tích dựa trên dữ liệu của 618 người trưởng thành trong vòng 10 năm chỉ ra rằng, những người buồn ngủ hơn vào ban ngày sẽ có nguy cơ gặp tai nan ô tô cao hơn. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu họ lái xe một mình.
Các vấn đề về sức khỏe tinh thần
Chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tinh thần của bạn, dẫn đến các vấn đề như cáu kỉnh vì thiếu ngủ hoặc trầm cảm nghiêm trọng. Trên thực tế, mối liên quan giữa chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy và trầm cảm đã được chứng minh. Một nghiên cứu mới đây trên 74 người ngủ ngáy chỉ ra rằng, thời gian ban ngày họ càng buồn ngủ thì nguy cơ bị trầm cảm nhẹ hoặc xuất hiện các triệu chứng lo âu càng tăng. Các nhà nghiên cứu vấn chưa rõ cơ chế của vấn đề này, nhưng điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm giảm bệnh trầm cảm.
Đau đầu
Bạn có thường thức giấc và cảm thấy đau đầu không? Theo một nghiên cứu mới được xuất bản gần đây trên 278 người có thói quen ngủ ngáy, các nhà nghiên cúu thấy rằng có mối quan hệ giữa việc thường xuyên đau đầu vào buổi sáng và các rối loạn khi ngủ, bao gồm mất ngủ và chứng ngưng thở khi ngủ. Do vậy, không có gì ngạc nhiên nếu những người ngủ ngáy thường xuyên thức dậy trong tình trạng đau đầu, làm giảm chất lượng cuộc sống so với những người không bị đau đầu khi thức dậy.
Tiểu đêm
Thức dậy để đi tiểu nhiều hơn 2 lần một đêm được gọi là chứng tiểu đêm. Với một số người, nguyên nhân là do mất kiểm soát bàng quang. Nhưng tiểu đêm cũng có liên quan đến ngủ ngáy ở cả nam giới và phụ nữ. Các nghiên cứu cho thấy, nam giới trên 55 tuổi mắc chứng tiểu đêm thường sẽ mắc cả chứng ngưng thở khi ngủ và phì đại tiền liệt tuyến lành tính. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra mối quan hệ rất mật thiết giữa 2 tình trạng trên.
Giảm thỏa mãn tình dục
Một nghiên cứu trên 827 nam giới lớn tuổi chỉ ra rằng, họ càng ngủ ngáy to và nhiều, thì sẽ càng làm giảm thỏa mãn tình dục, kể cả khi bệnh án không cho thấy bất cứ một rối loạn nào về việc suy giảm khả năng tình dục. Rất nhiều người cũng bị ảnh hưởng bởi chứng ngủ ngáy và không còn ham muốn tình dục với bạn tình. Điều trị những rối loạn khi ngủ này có thể sẽ giúp bạn lấy lại được cảm xúc.
Biến chứng thai kỳ
Ngủ ngáy trong 3 tháng cuối thai kỳ thường là do việc tăng cân. Nhưng mối quan tâm lớn hơn là việc ngủ ngáy này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Mối liên quan này chưa được rõ ràng nhưng việc giấc ngủ bị gián đoạn có thể có ảnh hưởng không tốt đến mọi mặt về sức khỏe. Do vậy, phụ nữ ngáy to khi mang thai nên trao đổi với bác sỹ để đưa ra cách giải quyết tình trạng này.
Thừa cân
Một nửa số người bị thừa cân cũng sẽ mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Một phần là bởi lượng mỡ thừa quanh cổ sẽ làm họ khó thở hơn khi ngủ. Giảm cân sẽ giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến những rối loạn khi ngủ. Nếu bạn thừa cân và người ngủ cùng bạn nói rằng bạn ngủ ngáy, hãy trao đổi với bác sỹ. Kể cả khi chứng ngủ ngáy của bạn rất nhẹ và không ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhưng việc điều trị có thể giúp bạn và những người xung quanh có một giấc ngủ ngon hơn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh