1. Bệnh Alzheimer có phải là sa sút trí tuệ không?
Alzheimer là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sút trí tuệ (chiếm đến 80% các trường hợp sa sút trí tuệ). Ngoài ra, sa sút trí tuệ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác.
Cũng đừng nhầm lẫn alzheimer với sự lão hóa suy giảm trí nhớ thông thường ở người già.
2. Bệnh Alzheimer là gì?
Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh, thường khởi phát từ từ và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hiểu đơn giản thì đây là một chứng bệnh khiến nhiều phần não dần dần bị teo đi, đặc biệt là hồi hải mã – nơi lưu giữ và tạo ký ức. Khi kiểm tra não bộ của bệnh nhân bị Alzheimer các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều khối bất thường – được gọi là mảng vón amyloid, các đám rối sợi thần kinh (đám rối “tau”).
3. Các triệu chứng nào nhận biết bệnh Alzheimer?
Người bệnh Alzheimer thường có các triệu chứng điển hình bao gồm: mất trí nhớ (đặc biệt là các trí nhớ ngắn hạn), gặp vấn đề về ngôn ngữ (khó diễn đạt), hành vi không kiểm soát (thay đổi hành vi, tâm trạng, tính cách), nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm, đặt đồ vật sai vị trí và không thể nhớ lại mình đã từng làm gì,..
4. Nguyên nhân nào gây ra bệnh Alzheimer?
Hiện nay chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây bệnh Alzheimer. Nhưng theo các nhà khoa học, Alzheimer có thể hình thành do các mảng vón amyloid và đám rối “tau” hình thành và gây cản trở, ách tắc việc dẫn chuyển tín hiệu của các tế bào, lâu ngày không nhận được thông tin và trở nên bất hoạt (thông tin mới không nhận được, thông tin cũ không thể truy cập) dẫn đến hiện tượng quên.
Sau cùng các đám rối và mảng vón lan rộng khắp não và mô não co lại, khiến người bệnh không thể giao tiếp và các hoạt động chủ yếu phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Đến cuối đời, người bệnh hầu như dành toàn bộ thời gian nằm trên giường.
5. Đối tượng nào dễ mắc bệnh Alzheimer?
Theo thống kê dựa trên số ca bệnh thực tế thì bệnh Alzheimer chủ yếu tấn công những người cao tuổi, thường từ 65 tuổi trở lên.
Mặc dù chưa có kết luận chính xác về đối tượng có nguy cơ mắc bệnh alzheimer nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy rằng các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển:
– Bệnh tiểu đường
– Stress, căng thẳng, phiền muộn kéo dài
– Hút thuốc
– Cholesterol (LDL cholesterol – mỡ máu) cao
– Ít giao tiếp xã hội
6. Bệnh Alzheimer gây nguy hiểm gì?
Ngoài việc mất trí nhớ (nhớ nhớ, quên quên), giảm khả năng ngôn ngữ và phán đoán, thay đổi nhận thức. Đến giai đoạn cuối, người bệnh Alzheimer còn có thể gặp phải một số nuốt khó, mất kiểm soát hành vi,…
Thông thường người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối không tử vong do chính bệnh mà là do các bệnh kèm theo như:
– Viêm phổi
– Nhiễm trùng
– Bị ngã và gặp chấn thương
7. Người bệnh Alzheimer sống được bao lâu?
Thông thường người bệnh Alzheimer sẽ sống được từ 3 đến 10 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh, nhưng vẫn có người có thể sống lâu hơn mức thời gian này điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi người.
Vấn đề thời gian người bệnh còn lâu được bao lâu không quan trọng bằng việc chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi được chẩn đoán mắc bệnh như thế nào. Nhiều người tuy thời gian sống có ít hơn một chút nhưng chất lượng cuộc sống của người bệnh tốt, người bệnh sẽ thoải mái và tinh thần cũng tốt hơn, người nhà chăm sóc cũng đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó có không ít người bệnh phải chịu sự hành hạ của những triệu chứng mà bệnh gây ra trong một thời gian dài.
8. Bệnh Alzheimer có di truyền không?
Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh alzheimer. Thông thường bệnh khởi phát muộn và rõ ràng vào những năm 60 tuổi, những trường hợp khởi phát sớm rất hiếm (dưới 10%).
Qua nghiên cứu người ta nhận thấy một số trường hợp người bệnh alzheimer có sự thay đổi di truyền ở một trong ba gen.
Ba đột biến gen đơn liên quan đến bệnh Alzheimer khởi phát sớm đó là:
– Protein tiền thân amyloid
– Presenilin 1
– Presenilin 2
Nếu một đứa trẻ có cha hoặc mẹ ruột mang đột biến gen với một trong 3 gen này thì chúng có 50/50 cơ hội thừa hưởng đột biến đó. Nếu đột biến là do di truyền thì đứa trẻ mang gen đột biến sẽ có khả năng cao mắc bệnh alzheimer khởi phát sớm.
9. Giới trẻ có dễ bị bệnh alzheimer?
Theo nghiên cứu thì đa số bệnh nhân alzheimer là người lớn tuổi, bệnh khởi phát sớm thường rất hiếm (chỉ chiếm khoảng 10%) và thường xảy ra ở độ tuổi 30-60 tuổi.
Nhưng không vì thế mà người trẻ chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu của bệnh cũng như buông lỏng chế độ kiểm soát ăn uống, tập luyện sức khỏe. Bởi nếu bạn lạm dụng bia, rượu, chất kích thích hay chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động trí não và vận động thể chất.
Bệnh alzheimer có thể âm thầm tấn công khiến bệnh nhân không thể nhận thức được những thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của mình.
10. Phòng tránh bệnh alzheimer bằng cách nào?
Bệnh alzheimer có thể đến sớm hoặc muộn, múc độ trầm trọng hoặc giảm nhẹ tùy thuộc vào lối sống và sinh hoạt của chúng ta. Hiện nay chưa có cách để ngăn ngừa bệnh alzheimer, tuy nhiên vẫn có một số biện pháp để phòng ngừa bệnh đến sớm và kiểm soát biến chứng nguy hiểm là:
– Phòng ngừa và kiểm soát tốt các bệnh tim mạch
– Thường xuyên tập thể dục
– Tránh các chấn thường vùng đầu
– Ăn uống khoa học và lành mạnh
– Ngủ đúng giờ, đủ giấc, giấc ngủ chất lượng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh