Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có nỗi sợ riêng, đơn giản như sợ bóng tối, sợ cô đơn, sợ côn trùng, động vật cắn... và giờ đây có thêm nỗi sợ mang thai, sinh và nuôi con. Đây không phải là tật xấu mà là bệnh, chuyên môn gọi là hội chứng Tokophobia. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Obstetrical & Gynecological Survey, thuật ngữ Tokophobia chính thức được đề cập trong các tài liệu y văn thế giới năm 2000. Nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp tokos, có nghĩa, sinh con và phobos, nghĩa là sợ, ghép lại với nhau.
Năm 2000, một bài báo được xuất bản trên tạp chí Tâm thần học Anh cho biết, Tokophobia là hội chứng rối loạn tâm lý khiến phụ nữ chán nản, sợ hãi mang thai và sinh con. Y học chia Tokophobia thành hai nhóm: Nhóm đầu xảy ra với những người chưa từng mang thai, thậm chí cả ở tuổi vị thành niên và nhóm sau là những người từng mang thai, sinh con.
Giống như những chứng ám ảnh sợ hãi khác, Tokophobia có những triệu chứng điển hình, đặc biệt là ác mộng, khó tập trung vào công việc, hoảng loạn, sợ hãi mỗi khi nhắc đến chuyện sinh con. Do sợ nên nhiều phụ nữ bị Tokophobia thích sinh mổ, thậm chí có trường hợp quá sợ nên từ chối mang thai, tránh xa tình dục, triệt sản ép buộc như thắt ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ tử cung.
Là nhóm bệnh rối loạn tâm lý nên hội chứng này dễ bị bỏ qua và chưa có thuốc đặc trị, mặc dù nhiều trường hợp căng thẳng nghiêm trọng. Đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, thuốc chẹn beta có thể làm giảm lo lắng, nhưng Tokophobia lại không có tác dụng. Giới chuyên môn khuyến cáo những người mắc hội chứng này cần được tư vấn, điều trị tâm lý, dùng liệu pháp thôi miên, chăm sóc thích hợp. Hãy chia sẻ tâm trạng với người thân, tham gia các buổi tư vấn phụ khoa, sinh sản và kinh nghiệm của những người đi trước sẽ giảm bệnh. Đối với truyền thông, cần tuyên truyền để phụ nữ hiểu được chức năng, vai trò, niềm vui của việc mang thai sinh con. Không nên khai thác quá sâu về nỗi đau thể chất khi vượt cạn. Chia sẻ những câu chuyện đầy thử thách và thành công của các ca sinh khó khăn, tư vấn giới thiệu những cách làm hay nhằm giảm thiểu nỗi lo khi sinh cũng như khắc phục căn bệnh trầm cảm sau sinh hiện đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.
Muốn có em bé nhưng lại ngại mang thai
Những người mắc hội chứng Tokophobia rất muốn có con nhưng lại ngại mang thai, đơn giản là họ sợ đau đớn thể xác. Cảm giác sợ hãi này không giống như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Nhiều trường hợp Tokophobia là do bị trầm cảm trong khi mang thai.
Tokophobia làm tăng trầm cảm sau sinh
Sau khi vượt cạn, phần lớn phụ nữ tràn đầy niềm vui và thở phào nhẹ nhõm, song có trường hợp lại phát sinh trầm cảm khiến niềm vui không được trọn vẹn, thậm chí còn trở thành họa nếu nghiêm trọng, không được can thiệp kịp thời. Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện khi mang thai, sinh con ngoài kế hoạch, mang thai ép buộc, từng trải qua tổn thương tinh thần, bị gia đình bạn bè xa lánh... và nếu mắc Tokophobia cũng như các rối loạn tâm thần khác thì bệnh càng có cơ hội phát triển, trầm cảm sau sinh tăng cao hơn so nhóm mẹ bầu khỏe mạnh.
Thôi miên tốt cho Tokophobia
Mặc dù chưa có thuốc đặc trị nhưng theo kinh nghiệm điều trị thì thôi miên (hypnotherapy) rất tốt cho nhóm người này. Nó có thể giúp người trong cuộc giảm nỗi lo sợ hãi hoặc loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực để mang thai, sinh con. So với việc dùng thuốc và sinh mổ đẻ thì thôi miên được xem là tối ưu hơn. Những người mắc bệnh cần được tư vấn để hiểu về thôi miên, sau đó sẽ được các chuyên gia thôi miên điều trị theo từng giai đoạn nhất định, kết hợp với điều trị tâm lý, chăm sóc thích hợp, ăn uống đủ chất và duy trì cuộc sống vận động sẽ mang lại kết quả tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh