✴️ Mất ngủ tuổi 50: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục

Nội dung

Tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hiện nay, rất nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ sau tuổi 50. Các nhà nghiên cứu cho biết 71% người trong độ tuổi 55 – 64 gặp các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi hoặc ngáy ngủ. Vậy mất ngủ tuổi 50 biểu hiện như thế nào, có đáng lo không? Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này cũng sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

 

1. Nguyên nhân của tình trạng mất ngủ ở tuổi 50

Mất ngủ là tình trạng rất phổ biến ở những người bước sang tuổi 50 (tuổi trung niên) với các biểu hiện: khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc không ngủ được, giật mình giữa đêm, mệt mỏi khó chịu khi tỉnh dậy

Quá trình lão hóa kèm theo sự thay đổi nội tiết tố, các bệnh lý, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất ngủ ở tuổi này. Cụ thể:

1.1 Mất ngủ tuổi 50 do thay đổi nội tiết

Các nghiên cứu chỉ ra, sự suy giảm nội tiết tố, đặc biệt hormone sinh dục là nguyên nhân chủ yếu gây mất ngủ tuổi trung niên ở cả nam và nữ.

– Ở nữ giới: Estrogen và progesterone là 2 hormone quan trọng ở phụ nữ. Sự suy giảm hormone estrogen khiến cơ thể giảm khả năng hấp thụ cũng như sản xuất magie – một khoáng chất quan trọng có tác dụng giúp giãn cơ. Việc thiếu hụt chất này khiến cơ thể rơi vào tình trạng căng cứng cơ, kèm theo đó là chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm của tuổi tiền mãn kinh. Đây được coi là “thủ phạm” gây nên chứng mất ngủ của phụ nữ ở tuổi này. Sự suy giảm progesterone gây rối loạn giấc ngủ và khiến chị em ngủ không sâu giấc.

– Ở nam giới: Quá trình mãn dục nam với đặc trưng là sự suy giảm lượng testosterone trong máu thường diễn ra từ sau tuổi 30. Việc thiếu hụt nội tiết tố này khiến đồng hồ sinh học của nam giới trật nhịp, dẫn đến bộ não ghi nhận thời gian một đêm chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ. Hậu quả là các đấng mày râu ở tuổi này dễ bị tỉnh giấc và khó có thể ngủ lại.

Thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ tuổi 50.

1.2 Quá trình lão hóa

Chuyên gia về giấc ngủ người Mỹ Michael J. Breus cho biết, để đạt được giấc ngủ sâu, sóng não phải đạt được biên độ nhất định. Tuy nhiên khi con người già đi, biên độ sóng não bị thay đổi và sau độ tuổi 50, không dễ gì để một người đạt được biên độ cần thiết cho việc duy trì một giấc ngủ sâu. Vì vậy, những người ngoài 50 tuổi dễ bị đánh thức vì những tác động xung quanh như tiếng ngáy của bạn đời, tiếng kêu cót két của cánh cửa, tiếng kêu của động vật… đều có thể khiến giấc ngủ của họ bị gián đoạn. 

Bên cạnh đó, các bệnh lý bắt đầu “tấn công” cơ thể nhiều hơn, gây khó chịu cho người bệnh, khiến họ không thể ngủ ngon giấc. Phổ biến nhất là các bệnh về xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh thận…

1.3 Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh

Cũng như tình trạng mất ngủ nói chung, mất ngủ ở tuổi 50 có thể xảy ra do một số thói quen xấu như:

– Ngủ trưa quá nhiều hoặc quá ít khiến giấc ngủ tối bị ảnh hưởng.

– Sử dụng chất kích thích gây căng thẳng hệ thần kinh.

– Ăn quá nhiều trước khi ngủ hoặc tiêu thụ các loại thức ăn khó tiêu.

– Sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác sát giờ ngủ.

1.4 Áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, công việc – Nguyên nhân gây mất ngủ tuổi 50

Hệ thần kinh nếu thường xuyên bị căng thẳng sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm người bệnh khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ ngon. Tình trạng này thường nặng nề hơn khi phụ nữ bước vào tuổi trung niên.

Tiêu biểu là bệnh trầm cảm, một trong những bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tuổi 50. Hơn nữa bệnh này gây tình trạng rối loạn giấc ngủ ở bất cứ lứa tuổi nào. Bên cạnh đó, những mối lo lắng về công việc, gia đình, xã hội có thể khiến đàn ông trung niên dễ stress và rơi vào trạng thái khó ngủ.

1.5 Một số yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số yếu tố khác có thể khiến người bệnh dễ bị mất ngủ như:

– Không gian ngủ chật chội, không được yên tĩnh, quá sáng, quá ồn ào.

– Quần áo ngủ hoặc chăn ga không có khả năng thông thoáng và thấm mồ hôi tốt.

Căng thẳng, lo lắng thường xuyên khiến những người từ 50 tuổi trở lên dễ bị mất ngủ.

 

2. Khắc phục chứng mất ngủ tuổi 50 như thế nào?

Có rất nhiều biện pháp để quản lý chứng mất ngủ ở độ tuổi từ 50. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về cách tạo và duy trì giấc ngủ lành mạnh, bao gồm:

2.1 Vệ sinh giấc ngủ

– Giữ cho phòng ngủ tối và yên tĩnh, nhiệt độ phù hợp.

– Giường chỉ nên được sử dụng để ngủ.

– Sử dụng điều hòa không khí (nếu có) vào những thời điểm nóng hơn trong năm.

– Thường xuyên thể dục và cân bằng các bữa ăn trong ngày.

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như caffeine và thuốc lá.

Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp điều trị không dùng thuốc khác để giảm bớt các triệu chứng mất ngủ ở người trung niên bao gồm: kiểm soát kích thích liên quan đến giấc ngủ, hạn chế giấc ngủ, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp ánh sáng…

2.2 Sử dụng thuốc ngủ

Trong trường hợp các biện pháp can thiệp này không hiệu quả, thì bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân dùng thuốc ngủ. Lưu ý, việc lựa chọn thuốc chữa mất ngủ cho người bệnh ở tuổi này cần rất thận trọng. Bởi một số loại thuốc, chẳng hạn như benzodiazepine (BZDs) và non – benzodiazepine (Z-drug) có thể tạo ra hiệu ứng thôi miên, làm tăng nguy cơ ngã cho người lớn tuổi. Một số loại thuốc nếu sử dụng quá nhiều hoặc trong thời dài sẽ gây “nhờn” thuốc cùng các tác dụng phụ không mong muốn. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc trước khi sử dụng, uống thuốc theo đơn được bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh kê để đem lại hiệu của cao nhất. 

Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng giúp phòng tránh và cải thiện tình trạng mất ngủ hiệu quả.

Trên đây là những nguyên nhân và cách khắc phục chứng mất ngủ tuổi 50. Để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bạn nên chủ động thăm khám chuyên khoa khi có các dấu hiệu bất thường về giấc ngủ. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top