✴️ Mối liên hệ giữa Dopamine và bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một rối loạn vận động phức tạp có thể gây ra các cử động không chủ ý hoặc không kiểm soát được. Bệnh thường xảy ra do nồng độ dopamine ở trong não thấp. Dopamine là một chất có vai trò quan trọng trong việc vận động và phối hợp.

Bệnh Parkinson là một bệnh lý tiến triển dần dần, xuất hiện do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh ở trong phần não điều khiển cử động. Thông thường dopamine và các chất dẫn truyền thần kinh khác làm việc cùng nhau để tạo ra các cử động. Nhưng nếu như nồng độ dopamine không đủ thì việc đó không thể xảy ra.

Bài viết này sẽ thảo luận về vai trò của dopamine trong bệnh Parkinson, cũng như các triệu chứng, chẩn đoán và các biện pháp điều trị của bệnh.

Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thoái hóa thần kinh gây ảnh hưởng đến vận động và sẽ tiến triển xấu dần theo thời gian.

Bệnh xảy ra do có sự tổn thương hoặc chết đi của các tế bào thần kinh, còn gọi là neuron, ở trong chất đen của não. Vùng não này có vai trò quan trọng trong việc điều khiển vận động.

Các neuron trong chất đen có nhiệm vụ tạo ra dopamine. Nếu như các tế bào này không thể sản sinh ra dopamine thì bệnh nhân sẽ có thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng liên quan đến vận động như run rẩy, cứng cơ, cử động chậm và giảm khả năng thăng bằng, tất cả đều là triệu chứng của bệnh Parkinson.

Vai trò của Dopamine trong bệnh Parkinson

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò rất thiết yếu trong một số chức năng của cơ thể ví dụ cử động và phối hợp. Do đó, nồng độ dopamin thấp có thể gây ra các vấn đề về cử động.

Dopamine là chất dẫn truyền các tín hiệu thần kinh giữa chất đen và thể vân. Chất đen và thể vân tạo nên một phần của hạch nền - một nhóm các cấu trong nằm trong não có chức năng hỗ trợ vận động.

Nồng độ dopamine thấp có thể làm gián đoạn đường dẫn truyền chất đen - thể vân, và gây ra các vấn đề về vận động. Một số bằng chứng gợi ý rằng hầu hết các bệnh nhân Parkinson mất khoảng 60-80% hoặc nhiều hơn số lượng các tế bào sản sinh ra dopamine vào lúc các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Triệu chứng

Có bốn triệu chứng chính của bệnh, bao gồm:

  • Run rẩy: Thường bắt đầu tại bàn tay nhưng cũng có thể tại bàn chân hoặc xương hàm. Dấu hiệu đặc trưng của triệu chứng này là có tính rung động qua lại theo nhịp điệu và thể hiện rõ ràng nhất khi ở trạng thái nghỉ ngơi hoặc khi bị áp lực. Triệu chứng này có thể sẽ biến mất trong lúc ngủ.
  • Cứng cơ: Cơ bị cứng và gây khó khăn trong việc cử động. Thường thì các cơ này sẽ giữ nguyên tình trạng căng cứng khiến cho bệnh nhân cảm thấy cứng hoặc đau người.
  • Cử động chậm chạp: Triệu chứng này có thể khiến cho các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động phức tạp, ví dụ như việc tắm rửa hay mặc quần áo phải tốn thời gian nhiều hơn.
  • Mất ổn định tư thế: Tư thế bị thay đổi và khả năng giữ thăng bằng kém có thể làm tăng nguy cơ bị té ngã và chấn thương.

Không phải bệnh nhân Parkinson nào cũng gặp triệu chứng giống nhau và sự tiến triển của bệnh cũng khác nhau giữa từng người.

Các triệu chứng sớm có thể rất thoáng qua và xảy ra tăng dần. Bệnh nhân có thể gặp phải các cơn rung nhẹ, bắt đầu gặp khó khăn khi di chuyển hoặc nhận thấy rằng các hoạt động thường ngày làm mất thời gian nhiều hơn. Một số bệnh nhân có thể gặp triệu chứng ban đầu ở một bên cơ thể nhưng dần dần tiến triển ra cả hai bên. Các triệu chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở một bên của cơ thể so với bên còn lại.

Khi bệnh tiến triển dần thì các triệu chứng có thể bắt đầu gây gián đoạn trong sinh hoạt hàng ngày. Các bệnh nhân có thể có các triệu chứng như run rẩy khiến cho việc ăn gặp khó khăn, ngồi dậy khỏi ghế cũng không còn dễ dàng hay nói chuyện không còn to rõ và mạch lạc nữa.

Nguyên nhân

Các nhà nghiên cứu vẫn còn không chắc chắn về nguyên nhân chính xác gây ra Parkinson. Hiện nay, các bằng chứng gợi ý rằng có thể nguyên nhân bắt nguồn tự sự kết hợp của gien di truyền và sự tiếp xúc với các nhân tố ngoài môi trường làm khởi phát bệnh.

Các nhà khoa học đã xác định được bệnh Parkinson xảy ra khi các neuron trong não bị lỗi hoặc chết làm sự sản sinh dopamine bị giảm. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Dưới đây là các nguyên nhân có thể góp phần gây ra tình trạng này:

  • Gen di truyền: Nhiều đột biến gen có liên quan đến bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không xem bệnh này có thể di truyền được. Các nghiên cứu gợi ý rằng các yếu tố di truyền có thể chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% các trường hợp.
  • Môi trường: Sự tiếp xúc với một số chất độc như MPTP hay mangan có thể gây ra Parkinson. Ngoài ra có có nhiều yếu tố môi trường khác có thể góp phần gây ra bệnh ở những người thể trạng nhạy cảm bẩm sinh.
  • Thể Lewy: Bệnh nhân Parkinson có thể có các cặn của protein alpha-synuclein ở trong não. Các chuyên gia gọi các cục protein này là thể Lewy. Sự tích tụ của các protein này có thể gây ra sự thoái hóa của các neuron và dẫn đến Parkinson.
  • Ti thể: Nhiều người biết đến ti thể như là nhà máy năng lượng của tế bào. Một số nghiên cứu cho rằng sự hư hỏng của ti thể có thể gây ra thoái hóa neuron trong bệnh Parkinson.

Chẩn đoán

Hiện tại không có xét nghiệm nào dành riêng cho bệnh Parkinson. Chẩn đoán bệnh dựa vào:

  • Thăm khám thần kinh và tiền căn bệnh lý
  • Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác
  • Chụp cắt lớp não.

Một số xét nghiệm chẩn đoán có thể thực hiện:

  • DaTscan: Kỹ thuật hình ảnh học dùng để xác định nồng độ dopamine trong não. 
  • MRI hoặc CT-scan: Các kỹ thuật hình ảnh này dùng để lại trừ khối u trong não hay đột quỵ do các tình trạng này cũng cho triệu chứng tương tự.
  • Xét nghiệm máu: Dùng để lại trừ các chẩn đoán khác, ví dụ như tổn thương gan hoặc bất thường nồng độ hormone giáp.
  • Nghiệm phát Levodopa: Levodopa là tiền thân của dopamine và cũng là thuốc có thể làm tăng nồng độ dopamine. Nếu như bệnh nhân cải thiện triệu chứng sau khi dùng thuốc này thì gợi ý đến chẩn đoán Parkinson.

Các yếu tố nguy cơ:

Các yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson bao gồm :

  • Tuổi: Tỉ lệ mắc bệnh tăng cao theo tuổi.
  • Môi trường: Tiếp xúc với một số thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Di truyền: Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu như có người thân cũng mắc căn bệnh này.
  • Giới tính: Bệnh gây ảnh hưởng ở nam nhiều hơn nữ.

Điều trị

Hiện tại vẫn chưa có biện pháp điều trị dành cho bệnh Parkinson, tuy nhiên có một số biện pháp có thể làm cải thiện các triệu chứng.

  • Thuốc: Một số thuốc có thể làm tăng nồng độ dopamin, gây tác động lên có chất dẫn truyền thần kinh khác như acetylcholine, hoặc giúp cải thiện các triệu chứng không liên quan đến vận động khác như là trầm cảm. Ví dụ như thuốc levodopa hoặc carbidopa.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể là lựa chọn khác khi thuốc không còn tác dụng. Một phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện là kích thích não từ sâu. Phương pháp này sử dụng các điện cực gắn vào bên trong nào và tạo ra các kích thích không gây đau để giúp làm giảm các triệu chứng vận động của bệnh.
  • Các biện pháp hỗ trợ khác: Nhiều biện pháp khác cũng có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh. Ví dụ như chế độ ăn khỏe mạnh, tập thể dục, khí công, yoga và massage.

Tóm tắt

Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh gây ảnh hưởng đến vận động. Bệnh xảy ra do nồng độ dopamine trong các vùng não điều khiển vận động quá thấp. Khi không có đủ lượng dopamine thì não sẽ không thể truyền tải các tín hiệu thần kinh cho việc thực hiện chính xác các cử động.

Các chuyên gia vẫn không biết được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nhưng nghi ngờ rằng các nguyên nhân di truyền và môi trường có góp phần gây ra bệnh. Các liệu pháp chữa trị hiện nay bao gồm thuốc, phẫu thuật và các biện pháp hỗ trợ khác.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top