Một số điều phụ huynh nên biết về bệnh viêm màng não ở trẻ

Dịch viêm màng não thường bùng phát vào giai đoạn Hè - Thu, tức là khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, từ tháng 4 năm nay, nhiều địa phương như ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã thấy có sự gia tăng đột biến các ca bệnh.

Bệnh viêm màng não có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ nhỏ, do đó, cha mẹ nên chú ý tới các triệu chứng, cách điều trị, cách phòng ngừa viêm màng não để bảo vệ sức khỏe cho con.

Viêm màng não là gì?

Viêm màng não là tình trạng lớp màng mỏng bao phủ bên ngoài, bảo vệ não và tủy sống bị nhiễm trùng. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm màng não. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng thường gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

 

Những nguyên nhân gây viêm màng não

Viêm màng não có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, có thể lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, tiếp xúc với người khỏe.

Viêm màng não do vi khuẩn

Viêm màng não do vi khuẩn khá hiếm gặp, nhưng thường nghiêm trọng và có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể lây lan tới màng não do chấn thương nặng ở vùng đầu, hoặc do nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm xoang.

Nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây viêm màng não do vi khuẩn. Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân phổ biến nhất là do liên cầu khuẩn nhóm B, E. coli; Ít phổ biến hơn có thể do vi khuẩn Listeria monocytogenes. Với trẻ lớn hơn, phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis thường là nguyên nhân.

Viêm màng não do vi khuẩn hiếm gặp nhưng nguy hiểm hơn.

Viêm màng não do virus

Viêm màng não do virus (hay còn gọi là viêm màng não vô trùng) là dạng phổ biến hơn viêm màng não do vi khuẩn và thường ít nghiêm trọng hơn.

Nhiều loại virus có thể gây viêm màng não, ví dụ như virus gây cảm lạnh, tiêu chảy, mụn rộp và cúm.

 

Dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo viêm màng não

Các triệu chứng cảnh báo viêm màng não có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện nhanh chóng, bắt đầu vài ngày sau khi trẻ bị cảm lạnh, tiêu chảy, nôn mửa hoặc biểu hiện các dấu hiệu nhiễm trùng khác.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Sốt, thiếu năng lượng, trẻ hay tỏ ra cáu gắt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, cổ cứng, nổi phát ban trên da…

Triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh có thể hơi khác, bao gồm: Trẻ cáu kỉnh, bú kém, tỏ ra buồn ngủ hoặc khó đánh thức. Cha mẹ sẽ khó dỗ dành bé hơn (ngay cả khi bé được bế ẵm, vỗ về). Trẻ cũng có thể bị sốt, thóp phồng.

Ngoài ra, triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh còn có thể bao gồm: Vàng da, cơ thể và cổ cứng, thân nhiệt thấp hơn bình thường, trẻ hay khóc gào lên…

Nếu thấy con có các triệu chứng trên, hoặc nghi ngờ con bị viêm màng não, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

 

Viêm màng não được điều trị thế nào?

Hầu hết các trường hợp viêm màng não do virus có thể tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Nếu tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng, bác sỹ có thể hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giúp bé phục hồi tại nhà. Các biện pháp điều trị sẽ tập trung vào việc giảm triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, truyền nước hoặc dùng thuốc giảm đau.

Trong trường hợp viêm màng não nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ cần phải nhập viện. Nếu trẻ được chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn, các bác sỹ sẽ cho bé dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Trẻ cũng sẽ được bù nước nếu bị mất nước do sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa, ăn kém.

 

Phòng ngừa viêm màng não cho trẻ

Tiêm vaccine

Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh viêm màng não về lâu dài. Theo đó, tiêm vaccine ngừa viêm màng não do Hib, sởi, quai bị, bại liệt, phế cầu khuẩn… có thể bảo vệ trẻ khỏi viêm màng não do các nguyên nhân đó gây ra.

Trẻ em cũng nên tiêm chủng phòng ngừa viêm màng não cầu khuẩn khi lên 11 hoặc 12 tuổi, với một mũi nhắc lại vào năm 16 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh (ví dụ như trẻ mắc một số rối loạn miễn dịch, có đợt dịch bùng phát…) trẻ có thể cần tiêm vaccine sớm hơn, trong khoảng thời gian từ 2 tháng - 11 tuổi.

Tránh mầm bệnh

Cha mẹ nên khuyên con rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh cho con dùng chung dụng cụ ăn uống, ăn/uống chung với người khác; Hạn chế tiếp xúc với những người đang ốm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top