Khi dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc bị áp lực quá lớn sẽ gây ra đau ở vùng lưng dưới, và có thể lan ra hông, mông và chân. Khoảng 90% người bệnh hồi phục sau khi bị đau thần kinh tọa mà không cần phẫu thuật.
Triệu chứng phổ biến nhất của đau thần kinh tọa là đau vùng lưng dưới rồi lan ra hông, mông và chạy xuống chân. Cơn đau thường chỉ ảnh hưởng đến một chân và có thể sẽ đau hơn khi ngồi, ho hoặc hắt hơi. Khi đó, chân bị ảnh hưởng cũng có thể sẽ cảm thấy tê buốt hoặc yếu. Triệu chứng của đau thần kinh tọa có thể sẽ xuất hiện bất ngờ và kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Hơn 85% dân số Mỹ đã từng bị ít nhất một loại đau lưng trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng những loại đau lưng này không nhất thiết bao gồm đau thần kinh tọa. Trong nhiều trường hợp, đau lưng là hậu quả của viêc căng cơ ở lưng dưới. Đau thần kinh tọa được đặc trưng bởi việc cơn đau lan xuống chân và bàn chân. Bạn có thể cảm thấy như một cơn chuột rút chân rất tồi tệ kéo dài vài ngày.
Đa số những người bị đau thần kinh tọa thường nằm trong độ tuổi từ 30 đến 50. Phụ nữ thường bị đau thần kinh tọa trong khi mang thai bởi áp lực đặt lên dây thần kinh tọa của bào thai. Các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa khác bao gồm nguy cơ thoát vị đĩa đệm và viêm khớp thoái hóa cột sống.
Thoát vị đĩa đệm: là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa. Đĩa đệm đóng vai trò như những chiếc gối nằm giữa các đốt sống. Đĩa đệm sẽ trở nên yếu hơn và dễ tổn thương hơn khi bạn lớn tuổi. Đôi khi, phần trung tâm đĩa đệm (có dạng giống như gel) sẽ bị đẩy ra khỏi lớp màng bên ngoài và ép vào rễ của dây thần kinh tọa. Cứ 50 người thì sẽ có 1 người bị thoát vị đĩa đệm vào một thời điểm nào đó trong đời. Trong số đó, có khoảng ¼ số người sẽ có các triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần.
Hẹp ống sống: Sự mài mòn một cách tự nhiên của các đốt sống có thể làm hẹp ống sống. Việc hẹp ống sống sẽ đặt một áp lực lên rễ của dây thần kinh tọa. Hẹp ống sống thường gặp ở những người trên 60 tuổi hơn.
Các khối u trong cột sống: Trong những trường hợp hiếm gặp, đau thần kinh tọa là hậu quả của một khối u phát triển bên trong hoặc phát triển dọc theo cột sống hoặc thần kinh tọa. Vì khối u phát triển, nó sẽ chèn ép cũng như gia tăng áp lực lên các dây thần kinh có nhánh chạy ra từ cột sống.
Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp): Cơ hình lê là một cơ dẹt, hình lê (hay hình tháp) nằm xiên ở mông, cạnh bờ trên của khớp háng. Nếu cơ tháp bị co cứng, nó sẽ đặt áp lực lên thần kinh tọa, gây ra các triệu chứng của đau thần kinh tọa. Hội chứng cơ hình lê thường gặp ở phụ nữ hơn.
Ví dày có thể là nguyên nhân của hội chứng cơ tháp: Bạn có thể không nghĩ là quá nhiều tiền sẽ gây đau đớn, nhưng một chiếc ví quá dày có thể là nguyên nhân của hội chứng cơ tháp. Hội chứng này sẽ ảnh hưởng đến những nam giới thường xuyên đút ví tiền ở túi sau quần. Việc này làm cho cơ tháp luôn phải chịu áp lực và có thể làm cho cơn đau thần kinh tọa trở nên nặng hơn. Bạn có thể tránh việc này bằng cách đút ví ở túi quần trước hoặc đút ví trong túi áo jacket.
Viêm khớp cùng chậu: là tình trạng viêm của một hoặc cả hai bên khớp cùng chậu – khớp cùng chậu gồm hai khớp nối giữa đoạn thấp nhất của cột sống là khối xương cùng cụt và phần sau của xương chậu. Viêm khớp cùng chậu có thể gây ra các cơn đau ở mông, lưng dưới và có thể lan xuống một hoặc cả hai bên chân. Cơn đau sẽ trở nên tệ hơn nếu bạn đứng lâu hoặc leo cầu thang trong thời gian dài. Viêm khớp cùng chậu có thể có nguyên nhân là do viêm khớp, chấn thương, mang thai hoặc nhiễm trùng.
Chấn thương hoặc nhiễm trùng: Các nguyên nhân khác của đau thần kinh tọa bao gồm viêm cơ, nhiễm trùng, hoặc chấn thương (như gãy xương). Thông thường, bất kỳ tình trạng nào gây kích thích hoặc chèn ép thần kinh tọa cũng có thể là nguyên nhân. Trong một số trường hợp, không có nguyên nhân cụ thể cho tình trạng đau thần kinh tọa.
Khám: Để xác định xem bạn có bị đau thần kinh tọa hay không, bác sỹ sẽ hỏi về vị trí cơn đau khởi phát. Bạn có thể sẽ được yêu cầu đứng lên ngồi xuống, đi bộ bằng gót chân hoặc đầu ngón chân, hoặc cũng có thể là giơ chân mà không gập đầu gối. Những bài kiểm tra cơ như vậy có thể giúp bác sỹ chẩn đoán xem dây thần kinh tọa có bị kích thích hay không.
Chẩn đoán hình ảnh: Bác sỹ cũng có thể sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) để có thêm thông tin về vị trí và nguyên nhân của việc dây thần kinh bị kích thích. Chụp cộng hưởng từ có thể cho thấy sự liên kết của các đĩa đốt sống, dây chằng và cơ. Chụp CT Scanner có dùng chất cản quang có thể cho thấy những hình ảnh hữu ích của cột sống và dây thần kinh. Xác định nguyên nhân của đau thần kinh tọa giúp định hướng điều trị. Chụp X quang có thể nhận ra các bất thường về xương nhưng không thể phát hiện được các vấn đề của dây thần kinh.
Nếu bạn bị mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, hãy liên lạc với bác sỹ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng cấp cứu sẽ cần phải phẫu thuật ngay để tránh những tổn thương vĩnh viễn. Nhưng rất may mắn, loại biến chứng này thường rất hiếm gặp. Đa số trường hợp đau thần kinh tọa sẽ biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần mà không để lại hậu quả lâu dài.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng
Đây là những cách bạn có thể làm tại nhà để làm giảm cơn đau thần kinh tọa. Miếng dán ấm hoặc chườm lạnh có thể đặc biệt hữu dụng. Đặt túi chườm khoảng 20 phút/lần, thực hiện 2 tiếng đặt một lần. Thử nghiệm trước để xem chườm đá hay chườm nóng hiệu quả hơn hoặc thay đổi luân phiên giữa hai cách.
Dùng thuốc
Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể làm giảm đau thần kinh tọa trong một thời gian ngắn. Acetaminophen và thuốc không viêm phi steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen và naproxen là những lựa chọn khác. Bác sỹ cũng có thể sẽ tiêm steroid cho bạn để làm giảm viêm.
Kéo giãn
Trong khi đang điều trị đau thần kinh tọa, cố gắng sống năng động. Việc chuyển động sẽ làm giảm viêm và đau. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách kéo giãn lưng dưới và gân khoeo một cách nhẹ nhàng. Tập thái cực quyền hoặc yoga cũng có thể giúp giữ ổn định vùng bị tổn thương và tăng cường sức mạnh. Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, một vài bài tập có thể sẽ không thích hợp với bạn. Bác sỹ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên đi bộ nhẹ nhàng trong thời gian ngắn.
Tiêm
Trong những trường hợp nặng, bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn nên tiêm steroid vào cột sống để giảm viêm. Việc tiêm sẽ đưa thuốc thẳng tới vùng bao quanh dây thần kinh tọa.
Phẫu thuật
Nếu chứng đau thần kinh tọa của bạn là do thoát vị đĩa đệm và không gây ra những cơn đau nặng sau 4-6 tuần, phẫu thuật cũng có thể là một lựa chọn. Bác sỹ sẽ loại bỏ một phần đĩa đệm bị thoát vị để giảm bớt áp lực cho dây thần kinh tọa. Khoảng 90% bệnh nhân sẽ đỡ đau sau phẫu thuật. Các phẫu thuật loại khác có thể làm giảm đau thần kinh tọa gây ra bởi hẹp ống sống.
Sau khi phẫu thuật lưng, bạn có thể sẽ phải tránh lái xe, tránh nâng vật nặng hoặc tránh cúi xuống trong khoảng một tháng. Bác sỹ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên tập vật lý trị liệu để làm khỏe cơ ở lưng. Khi bạn đã hồi phục hoàn toàn, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để quay về với các hoạt động thường ngày.
Có những bằng chứng chứng minh rằng châm cứu, mát xa, tập yoga và nắn khớp xương có thể làm giảm một vài loại đau lưng dưới. Nhưng cần có thêm các bằng chứng khoa học để xác định rằng những liệu pháp này có thể giúp giảm đau thần kinh tọa hay không.
Nếu bạn đã từng bị đau thần kinh tọa một lần, bạn sẽ có nguy cơ tái phát. Nhưng dưới đây là các bước bạn có thể làm để dự phòng việc này:
- Thường xuyên tập hoạt động thể chất với cường độ và thời gian phù hợp
- Duy trì các tư thế đúng
- Gập đầu gối khi nhấc vật nặng
Những bước này có thể giúp bạn tránh những chấn thương ở lưng giảm nguy cơ dẫn đến đau thần kinh tọa
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh