Ngộ độc botulism là gì?

Nội dung

Ngộ độc botulism được gây ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum). Đây là loại vi khuẩn kị khí và sản sinh ra các chất độc thần kinh, tấn công hệ thần kinh của cơ thể người.

Ngộ độc botulism thường có liên quan đến những loại rau quả ngâm hoặc muối, thường là tự làm tại nhà. Tuy các loại thực phẩm đóng hộp công nghiệp cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn gây ngộ độc botulism, nhưng ngày nay điều này gần như rất hiếm. Ngoài ra, cũng còn nhiều con đường khác có thể gây ngộ độc botulism ngoài con đường thực phẩm.

Các loại ngộ độc botulism

Một cách để đưa chất độc vào cơ thể chính là qua thực phẩm bị nhiễm độc. Nhưng cũng có những con đường khác có thể dẫn đến ngộ độc botulism.

  • Ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh: Nếu trẻ sơ sinh từ 6 tháng trở xuống nuốt phái bào tử vi khuẩn C. botulism, các bào tử đó có thể nở thành vi khuẩn và sinh sôi trong cơ thể trẻ. Ví dụ, trẻ có thể lỡ nuốt phải bào từ có trong bụi bẩn hoặc từ mật ong. Sau khi đã sinh sôi, các vi khuẩn sản sinh ra chất độc thần kinh, tấn công cơ thể. Khi trẻ lớn hơn, cơ thể đã có thể dưng lên một “hệ thống phòng thủ” ở ruột ngăn không cho các bào tử làm tổ.
  • Ngộ độc botulism từ vết thương: Các bào tử của vi khuẩn C. botulinum có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, sinh sôi và tiết ra chất độc. Loại ngộ độc này thường có mối liên quan với những người sử dụng chất gây nghiện bằng cách tiêm chích.
  • Ngộ độc botulism do hít phải: Việc hít phải bào tử vi khuẩn dẫn đến ngộ độc rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đây chính là một trong những vũ khí sinh học nguy hiểm khi phát tán các bào tử vào không khí.
  • Nhiễm độc đường ruột ở người lớn: Loại này rất hiếm gặp và tương tự như ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh. Các bào tử vi khuẩn xâm nhập vào đường ruôt, sinh sôi và lây lan. Những người có bệnh đường ruột thường là những người có nguy cơ cao mắc nhiễm độc botulism đường ruột.
  • Ngộ độc botulism do điều trị y khoa: Tình trạng này có thể xảy ra khi tiêm quá nhiều Botox trong các quá trình thẩm mỹ hoặc y tế. Đã có tình trạng này xảy ra khi người tiêm Botox bị tiêm phải Botox giả hoặc kém chất lượng.

 

Các triệu chứng ngộ độc botulism

Cho dù bị nhiễm độc botulism qua con đường nào thì các triệu chứng hầu như đầu như nhau. Triệu chứng đặc trưng nhất chính là cảm giác yếu cơ bắt đầu từ mặt và lan dần xuống cổ, rồi toàn bộ cơ thể. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nhìn đôi hoặc nhìn mờ
  • Sụp mí mắt
  • Khó nuốt
  • Nói lắp bắp
  • Khó thở

Theo sau các triệu chứng này có thể bao gồm các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó, người bị ngộ độc có thể gặp khó khăn trong việc đi tiểu tiện cũng như bị táo bón nghiêm trọng.

Các triệu chứng của ngộ độc botulism thông thường không bao gồm sốt.

Nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng có thể tiến triển này liệt các chi, thậm chí liệt cơ hô hấp.

Các triệu chứng ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Mệt mỏi kiệt sức
  • Trương lực cơ yếu bắt đầu từ đầu xuống cổ và lan xuống toàn thân
  • Ăn kém
  • Chảy dãi
  • Khóc yếu

Triệu chứng ngộ độc botulism từ vết thương gần giống với ngộ độc botulism thông thường như có thể mất đến 2 tuần để các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Da sưng tấy, đỏ, và các dấu hiệu nhiễm trùng khác

Triệu chứng ngộ độc botulism do hít phải cũng giống với các triệu chứng nêu trên. Tuy nhiên các triệu chứng này tiến triển rất nhanh và có thể xảy ra suy hô hấp.

Triệu chứng nhiễm độc đường ruột ở người lớn khá tương tự như ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh nhưng có thể có thêm các triệu chứng như:

  • Táo bón
  • Ăn kém
  • Kiệt sức

Triệu chứng ngộ độc botulism do điều trị y khoa cũng tương tự với ngộ độc botulism thông thường. Bên cạnh triệu chứng yếu cơ còn có thể có thêm các triệu chứng như:

  • Yếu cơ mắt
  • Nói khó
  • Liệt cơ mặt
  • Lưỡi dày, yếu
  • Giảm phản xạ

 

Khi nào nên gọi cấp cứu?

Các triệu chứng ngộ độc botulism do thực phẩm có thể xuất hiện từ 18-36 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn, tuy nhiên các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sớm chỉ trong vòng 6 giờ.

Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng chỉ xuất hiện sau 1 tuần – 10 ngày sau khi ăn phải thục phẩm nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể không xuất hiện cho đến 14 ngày. Trẻ bị ngộ độc botulism có thể biểu hiện rất mệt mỏi, có thể tiếp tục bị táo bón và không chịu ăn.

 

Các biến chứng của ngộ độc botulism

Ngộ độc botulism có thể gây ra các triệu chứng vô cùng nghiêm trọng, nhưng không thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, nếu không may bạn bị ngộ độc botulism, khả năng cao bạn sẽ phải nhập viện để theo dõi và điều trị.

Những trường hợp nhiễm độc nặng có thể để lại các vấn đề về hô hấp dài hạn, bao gồm khó thở và nhanh mệt.

Các trường hợp ngộ độc botulism vẫn có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngộ đôc. Những trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần đến vài tháng. Nhưng những trường hợp nặng có thể mất đến vài tháng hoặc vài năm để bình phục hoàn toàn.

Nếu không được điều trị, ngộ độc botulism có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

 

Điều trị ngộ độc botulism

Người bị ngộ độc sẽ phải nhập viện để theo dõi và điều trị. Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể bao gồm:

  • Chất kháng độc: Đây là phương pháp điều trị chính cho ngộ độc botulism. Chất này tác động lên các độc tố trong máu, giúp ngăn các triệu chứng trở nên tệ hơn.
  • Kháng sinh: Đôi khi kháng sinh có thể có tác dụng nếu là ngộ độc qua vết thương hở. Tuy nhiên phương pháp này thường không được dùng cho các loại ngộ độc botulism khác.
  • Dụng cụ trợ thở: Nếu độc tố từ vi khuẩn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ hô hấp thì người bệnh có thể phải thở máy. Nếu tình trạng ngộ độc nghiêm trọng, người bênh có thể phải thở máy trong nhiều tháng trời.
  • Phương pháp trị liệu: Người bệnh có thể cần đến các phương pháp trị liệu để phục hồi lại các kỹ năng nói, nuốt và các chức năng khác của cơ thể.

 

Phòng ngừa ngộ độc botulism

Nếu bạn thường tự muối các loại rau quả và đóng lọ, hãy chắc chắn rằng tay bạn, lọ đựng và các dụng cụ phải sạch nhất có thể. Rửa sạch và cất các nguyên liệu một cách cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn trước khi đóng hộp.

Chất độc botulism có thể bị triệt tiêu ở nhiệt độ cao, do vậy, nếu có thể, hãy đun nóng thực phẩm đóng hộp trong vòng 10 phút để diệt khuẩn. Làm lạnh đúng cách cũng là một trong những phương pháp phòng ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn C. botulinum.

Một vài điều cần nhớ:

  • Hãy cất dầu ngâm với các loại thảo mộc hoặc tỏi trong tủ lạnh
  • Khoai tây khi nấu và bọc trong giấy bạc có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn C. Botulism sinh sôi. Do vậy, hãy giữ cho món khoai tây nóng, hoặc cất trong tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu.
  • Đun sôi thực phẩm trong ít nhất 5 phút cũng có thể triệt tiêu độc tố.
  • Không cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn mật ong hoặc siro ngô.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top