✴️ Người bị rối loạn tiền đình nên ăn gì và kiêng gì?

1. Tìm hiểu về bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là một hội chứng gây ra bởi sự rối loạn quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của hệ thống tiền đình hoặc do tắc nghẽn dây thần kinh số 8. Bộ phận tiền đình bị rối loạn khiến các bộ phận cử động như mắt, tay, chân, thân mình… 3không thể phối hợp nhịp nhàng. Hậu quả là tình trạng mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, giảm thị lực,…

Người bị rối loạn tiền đình thường cảm thấy đau đầu, căng thẳng và có nguy cơ bị đột qụy cao. 

Hiện nay, nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu để điều trị căn bệnh này. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng thích hợp cũng góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Rối loạn tiền đình là một hiện tượng phổ biến mà rất nhiều người gặp phải, đặc trưng bởi tình trạng mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, giảm thị lực,…

 

2. Bị rối loạn tiền đình nên ăn gì để cải thiện bệnh?

Các vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng đối với sự vững chãi của hệ thống tiền đình. Các dưỡng chất có thể đươc bổ sung qua các thực phẩm tự nhiên dưới đây.

 

2.1 Vitamin B6

Vitamin B6 có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hệ thống thần kinh khỏe mạnh. Thiếu vitamin B6 chính là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ tiền đình, gây ra các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Vì vậy, việc bổ sung vitamin này sẽ giúp những người mắc bệnh rối loạn tiền đình cải thiện nhanh chóng các triệu chứng trên.

Các thực phẩm giàu vitamin B6 thường được lựa chọn gồm:

– Cá, thịt gà (lưu ý bỏ da khi sử dụng)…

– Các loại quả: táo, chuối, cam, đu đủ, bơ, óc chó, hạnh nhân,…

– Các loại ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, đậu, các loại hạt, cà chua, bí ngô, rau bina,…

 

2.2 Vitamin C

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu sử dụng 600mg vitamin C mỗi ngày, kết hợp với một số hợp chất khác trong 8 tuần có thể giúp kiểm soát bệnh rối loạn tiền đình. Vitamin C cũng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình gây nên. 

Vitamin C có nhiều trong các rau như súp lơ xanh, rau cải xoăn và trái cây có múi như cam, chanh, bưởi,…, kiwi, dứa, dâu tây, đu đủ, ổi…, ớt đỏ, cà chua,…

 

2.3 Vitamin D

Vitamin D có tác dụng cải thiện tình trạng xơ cứng tai – một triệu chứng của những người bị rối loạn tiền đình. Bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể không chỉ giúp tăng khả năng hấp thu can-xi mà còn rất có ý nghĩa đối với những người đang điều trị bệnh tiền đình.

Bạn có thể bổ sung vitamin D bằng cách tăng cường các loại thực phẩm như cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc. Ngoài ra, các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành,… cũng rất giàu loại vitamin này. Nước cam ép, nấm,…cũng là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào cho cơ thể. 

Vitamin B6 có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tiền đình cần bổ sung cho những người mắc bệnh rối loạn tiền đình

 

2.4 Acid folic

Acid folic có tác dụng rất lớn trong việc sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống tiền đình. Bởi vậy, bổ sung chất này giúp giảm bớt các vấn đề về thăng bằng cho người bệnh,  đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Acid folic được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm sau:

– Rau màu xanh đậm, có thể kể tới như bông cải xanh, măng tây, đậu bắp, súp lơ,…

– Các loại hạt hạnh nhân, đậu phộng, hướng dương,…

– Các loại đậu xanh, đậu đen, đậu lăng,…

– Các loại quả quen thuộc họ cam, quýt

 

3. Bị rối loạn tiền đình nên kiêng các thực phẩm vào?

Ngoài tích cực bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết, người bệnh cũng nên tránh các loại thực phẩm không tốt. 

 

3.1 Các loại thực phẩm quá ngọt hoặc quá mặn

Người bị rối loạn tiền đình nên chú ý ăn nhạt, tránh các thực phẩm nhiều đường và muối vì chúng có thể làm tăng huyết áp, làm tổn thương thành mạch và hệ thông thần kinh, gây ảnh hưởng không tốt cho hệ tiền đình.

 

3.2 Chất béo

Nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể sẽ khiến chỉ số cholesterol trong máu tăng cao. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo no, dễ làm tắc tĩnh mạch. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến bệnh tiền đình. Do vậy, quá trình điều trị bệnh này, người bệnh nên kiêng chất béo. 

Các thực phẩm giàu chất béo bao gồm: mỡ động vật, da của các loại gia cầm, kem sữa bò,… Nếu vẫn muốn sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa thì nên chọn loại tách béo hoặc làm từ sữa gầy.

Ngoài ra, nên hạn chế dùng các loại dầu cọ, dầu dừa, bánh kem, chocolate,…

 

3.3 Các loại đồ uống chứa cafein

Đồ uống có chứa chất kích thích như cafein sẽ làm triệu chứng ù tai ở người bị rối loạn tiền đình tăng lên. Những người bị rối loạn tiền đình tốt nhất không nên dùng các loại đồ uống này.

Ngoài ra, không nên sử dụng rượu, bia vì chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh. Hậu quả là làm khởi phát hoặc tăng nặng các cơn đau đầu, ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị bệnh.

 

3.4 Các loại thuốc 

Các loại thuốc kháng axit có thể chứa nhiều natri gây tăng huyết áp. Thuốc kháng viêm như Ibuprofen có thể gây ứ nước và mất cân bằng điện giải. Nicotine trong thuốc lá làm giảm lượng máu được cung cấp đến tai. Đây là những loai thuốc không tốt cho hệ tiền đình mà những người mắc bệnh này nên tránh. 

Như vậy, có rất nhiều loại thực phẩm nên cân nhắc sử dụng khi điều trị bệnh tiền đình. Tuy nhiên, chúng chỉ mang tính tham khảo và có tác động khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Tốt nhất, bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn rối loạn tiền đình ăn gì, kiêng gì là tốt nhất cho qua trình điều trị cũng như phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top