Nguy hiểm đến từ việc rung lắc trẻ em

“Chấn thương đầu kiểu ngược đãi” (abusive head trauma - AHT) và “hội chứng rung lắc trẻ em” (shaken baby syndrome - SBS) là những tên gọi khác nhau của cùng một hội chứng. Trong đó thói quen rung lắc trẻ khi chơi đùa là dạng phổ biến nhất của AHT. Hội chứng này thường xảy ra đối với trẻ dưới 1 tuổi – chủ yếu với mục đích chơi đùa với trẻ hoặc dỗ cho trẻ nín khóc.

“Chấn thương đầu kiểu ngược đãi” cũng là một thuật ngữ mà các bác sỹ sử dụng để miêu tả tình trạng tổn thương nghiêm trọng của não gây ra do rung lắc mạnh với cường độ cao và dừng hay va chạm đột ngột. Những tác động vào phần đầu và việc bế trẻ tung lên cao rồi rơi xuống cũng gây những chấn thương tương tự việc rung lắc mạnh đứa trẻ, do vậy các bác sỹ đều xếp chúng vào “chấn thương đầu kiểu ngược đãi”.

Khi đầu của trẻ không được giữ cố định và cổ bị di chuyển tự do theo hướng trước sau, phần não sẽ bị va đập vào hộp sọ và dẫn đến bầm tím, sưng đau và gây xuất huyết trong và xung quanh não. Lực tác động này cũng gây xuất huyết võng mạc là cơ quan nhận cảm ánh sáng của mắt có chức năng truyền hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy tới não bộ.

Trong trường hợp nặng trẻ với hội chứng AHT còn có thể bị tổn thương cột sống, cổ và thậm chí gãy xương. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian và cường độ trẻ bị rung lắc. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng cho thấy những tổn thương nghiêm trọng, tổn thương vĩnh viễn hay thậm chí tử vong có thể xảy chỉ trong vài giây rung lắc mạnh.

AHT có thể xảy ra bất ngờ khi bạn đang chơi đùa với trẻ hay không?

Việc cha mẹ chơi đùa bình thường với con cái sẽ không gây ra hội chứng AHT. AHT chủ yếu xảy ra từ một lực tác động đến trẻ gây chuyển động trước sau có cường độ mạnh và bất ngờ.

 

Hội chứng rung lắc trẻ chỉ xảy ra với trẻ nhỏ có phải không?

Hầu hết những ca “chấn thương đầu kiểu ngược đãi” xảy ra đối với trẻ dưới 1 tuổi (chiếm đa số là trẻ sơ sinh dưới 4 tháng). Nhưng đôi khi một số trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể gặp phải hội chứng này.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương từ những hành động tưởng như vô hại của người lớn bởi phần đầu của trẻ nhỏ thường có tỷ lệ lớn hơn so với những phần còn lại của cơ thể, phần cơ cổ của trẻ cũng tương đối yếu nên cũng khó nâng đỡ tốt cho đầu.

Phần hộp sọ của trẻ sơ sinh khá mỏng và những mạch máu cũng mỏng manh và dễ rách hơn nhiều so với trẻ lớn và người trưởng thành. Cấu tạo hộp sọ phẳng hơn ở trẻ sơ sinh cũng khiến phần đầu phải chịu những lực tác động lớn hơn khi trẻ bị rung lắc.

 

Tần suất của hội chứng rung lắc trẻ em

Theo ước tính tại Mỹ, hàng năm cứ 10,000 trẻ dưới 5 tuổi thì có 2-3 trẻ là nạn nhân của hội chứng “chấn thương đầu kiểu ngược đãi”. Cứ 5 trẻ bị chấn thương này sẽ có 1 trẻ tử vong và chỉ khoảng 1/3 số trẻ gặp phải hội chứng này là sống sót mà không để lại di chứng gì.

Trẻ em trai có xu hướng bị rung lắc nhiều hơn trẻ em gái và thủ phạm thường là cha hoặc mẹ của trẻ.

Một nghiên cứu vào năm 2011 đã xem xét những số liệu cung cấp từ một bệnh viện nhi đồng ở 4 bang của Mỹ và nhận thấy một sự gia tăng đáng lo ngại những ca chấn thương não do AHT trong giai đoạn suy thoái kinh tế bắt đầu vào cuối năm 2007. Nghèo đói và những căng thẳng trong cuộc sống là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm dụng, ngược đãi trẻ em. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top