Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, thường đi kèm với một vài bệnh lý như thiếu máu não, tiểu đường, huyết áp cao… Vậy nguyên nhân rối loạn tiền đình là do đâu và cách giải quyết ra sao? Cùng tìm hiểu ngay nhé.
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương dây thần kinh số 8 bởi nhiều nguyên nhân khác nhau khiến việc dẫn truyền thông tin bị sai lệch, làm cơ thể mất đi khả năng giữ thăng bằng, gây hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn…
Không chỉ vậy, tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi não, thiếu máu cơ thể cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận thông tin của tiền đình, làm chậm hoặc sai lệch gây rối loạn tiền đình.
Để điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả, người bệnh cần phải xác định rõ nguyên nhân rối loạn tiền đình là do đâu. Theo đó, một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng rối loạn tiền đình bao gồm:
– Do huyết áp cao hoặc thấp, tai biến, thiếu máu, các bệnh lý về tim mạch vành… Gây tắc nghẽn mạch máu, làm giảm lượng oxy và máu lên não.
– Do áp lực, căng thẳng, mất ngủ dẫn đến tổn thương hệ thống thần kinh. Đặc biệt là dây thần kinh số 8 khi bị tổn thương sẽ gây ra rối loạn tiền đình.
– Hậu quả từ các bệnh lý trong não như u não, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa…
– Người cao tuổi bị suy giảm một số chức năng cũng sẽ dễ dẫn đến rối loạn thần kinh.
– Do lối sống ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ quá lâu.
– Môi trường sống ồn ào, có nhiều tiếng ồn.
Khi hệ thống tiền đình bị tổn thương do bệnh lý, lão hóa hay chấn thương, các triệu chứng có thể được phát hiện bao gồm:
– Chóng mặt, đầu óc quay cuồng, choáng váng
– Di chuyển khó khăn, dễ ngã do mất thăng bằng
– Rối loạn thị giác như mắt nhìn mờ, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng
– Rối loạn thính giác như ù tai, khó nghe
– Khó tập trung, dễ bị kích động, cáu gắt, giảm khả năng chú ý…
Tùy vào mỗi người mà mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ khác nhau. Một số trường hợp cao về tuổi cao thì mức độ càng tăng nặng và xuất hiện thường xuyên hơn.
Những người bị rối loạn tiền đình thường sẽ bị ảnh hưởng đến công việc, học tập và chất lượng cuộc sống hàng ngày, điển hình như giảm sự chú ý, lo lắng quá mức, dễ bị trầm cảm. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả những hoạt động đơn giản thường xuyên hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt, thậm chí là ra khỏi giường vào buổi sáng.
Rối loạn tiền đình là bệnh lý khá phổ biến, có thể chỉ xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày rồi hết, nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc của người bệnh mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi đang trong cơn bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương, trầy xước da thậm chí gãy tay, chân hoặc nặng nhất là chấn thương sọ não…Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình chính là tai biến mạch máu não. Chính vì thế, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu của bệnh thì người bệnh nên thăm khám ngay với chuyên gia để được tư vấn và điều trị bệnh từ sớm.
Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi, tránh tái phát, biến chứng nếu người bệnh thực hiện đúng và tích cực điều trị theo phác đồ. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc để điều trị vì rất nhiều loại thuốc sẽ có các tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Chính vì vậy, người bệnh cần nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ khi điều trị rối loạn tiền đình. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tham khảo một số phương pháp như sau:
– Tập các bài tập phục hồi chức năng tiền đình: Các bài tập này sẽ giúp tăng cường hoạt động phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giúp não nhận biết tín hiệu xử lý từ tiền đình trở nên thông suốt và nhịp nhàng hơn.
– Tập luyện các bài tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết, cải thiện khả năng tuần hoàn máu tốt hơn.
– Thiết lập giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi cân bằng, tránh làm việc quá nhiều, gây căng thẳng, stress kéo dài.
– Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều các nhóm chất, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Hạn chế các đồ ăn chiên xào, đồ ăn sẵn và các loại thức uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
– Thư giãn tinh thần với các biện pháp đơn giản như nghe nhạc, ngồi thiền, nên lựa chọn những khu vực hạn chế tiếng ồn. Trong 1 năm có thể đi du lịch 1 – 2 lần để cải thiện sức khỏe tinh thần và thư giãn tốt hơn.
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân rối loạn tiền đình và cách điều trị. Đừng quên thăm khám ngay tại các chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh