Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là tổn thương nguy hiểm nhất của não bộ, tình trạng não bị mất một phần hoặc toàn bộ chức năng do bị ngưng cung cấp máu đột ngột.
Tình trạng này có thể xảy ra do 2 nguyên nhân chủ yếu sau:
– Nhồi máu não: Mạch máu não bị hẹp nặng hoặc đột ngột xuất hiện cục máu đông gây tắc nghẽn cục bộ, chặn con đường đưa máu giàu dinh dưỡng và oxy đến các tế bào não.
– Xuất huyết não: Tình trạng vỡ các mạch máu não bên trong não (nội sọ) hoặc mạch máu trên bề mặt não (dưới nhện) đột nhiên bị vỡ, khiến máu chảy vào trong nhu mô não, gây phù và tổn thương não một cách nặng nề.
Tai biến mạch máu não do nhồi máu não phổ biến hơn khi chiếm tới 80-85% các trường hợp tai biến. Trong khi đó, xuất huyết não chỉ xảy ra với khoảng 15-20% tổng số ca bệnh nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tuổi (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền… Chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố này. Tuy nhiên, biết được các nguyên nhân gây tai biến, những đối tượng nguy cơ có thể dự phòng hiệu quả hơn.
Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Tăng huyết áp là tác nhân quan trọng gây ra cả 2 dạng đột quỵ. Cụ thể, huyết áp tăng cao thường xuyên gây tổn thương, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu này tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một thời điểm nào đó có thể vỡ ra, gây đột quỵ chảy máu não.
Mặt khác, việc thành mạch bị tổn thương cũng thúc đẩy quá trình hình và phát triển các mảng vữa xơ ở động mạch vành tim, động mạch cảnh, động mạch não, gây chít hẹp lòng mạch, cản trở sự lưu thông của dòng máu, gây đột quỵ nhồi máu não.
Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không có ý thức quan tâm đến vấn đề này, dẫn đến huyết áp tăng cao trong một thời gian dài mà không điều trị, gây ra biến chứng đột quỵ não.
Đái tháo đường cũng là một nguyên nhân thường gặp gây tai biến mạch máu não. Bởi khi lượng đường trong máu quá cao sẽ gây tổn thương có hệ thống toàn bộ hệ thống động mạch, trong đó có động mạch ở não. Theo các nghiên cứu, những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ não cao hơn 2 – 6,5 lần, tỉ lệ tử vong gấp 2 lần so với người bình thường.
Một người được chẩn đoán đái tháo đường nếu có 1 trong các chỉ số sau:
+ Glucose máu ngẫu nhiên >11mmol/l
+ Glucose máu khi đói > 7mmol/l
+ Glucose máu > 11mmol/l sau 2 giờ sau dùng nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường bao gồm: người trên 40 tuổi; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; thừa cân, béo phì; trẻ sinh non, quá nhẹ cân hoặc thừa cân; huyết áp cao; người thường xuyên hút thuốc lá. Nếu thuộc 1 trong các đối tượng này bạn cần đi khám thường xuyên để dự phòng nguy cơ mắc bệnh. Nếu đã mắc bệnh, cần điều trị và kiểm soát sớm để tránh biến chứng đột quỵ.
Lipid là thành phần rất quan trọng đối với tồn tại và phát triển của các tế bào, mô trong cơ thể . Tuy nhiên, nếu hàm lượng lipid trong máu quá cao sẽ là điều kiện thuận lợi để lipid “ngấm” vào và lắng đọng ở thành mạch máu, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch.
Lipid trong cơ thể gồm 2 nhóm là lipid ngoại sinh (do thức ăn cung cấp) và nội sinh (do cơ thể sinh ra).
Lipid gồm rất nhiều loại khác nhau. Khi làm các xét nghiệm lipid cần đánh giá tối thiểu phức bộ 4 thành phần: cholesterol, triglycerid, LDL-C và HDL-C. Trong đó LDL-C và triglycerid tăng cao là tín hiệu cảnh báo nguy cơ vữa xơ động mạch và biến cố tim mạch cần hết sức lưu ý.
Béo phì là tình trạng chỉ số khối (BMI) của cơ thể vượt mức bình thường. Béo phì là yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu, các yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
Hút thuốc lá gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, trong đó nguy hiểm nhất là làm gia tăng tình trạng cao huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn nhịp tim, đột quỵ não.
Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích cũng là tác nhân gây tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Những người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não với mức độ rất nặng nề.
Phình động mạch não là yếu tố gây đột quỵ chảy máu não tương đối phổ biến ở những người trẻ tuổi. Đây là hiện tượng trên thành mạch máu một số người các túi phình. Các túi phình này dễ vỡ gây ra chảy máu não.
Phình động mạch não chỉ gặp ở 1-2% dân số, nhưng có tới 10% bệnh nhân bị vỡ phình động mạch não tử vong trước khi đến viện. Đáng nói, phình động mạch thường diễn biến âm thầm, không triệu chứng. Một nửa bệnh nhân xuất hiện các cơn đau đầu đột ngột, rất dữ dội nhưng sau đó các triệu chứng tự thoái lui dần khiến người bệnh chủ quan không đi khám. Hậu quả là khi vỡ mạch, bệnh nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng rất nặng nề.
Bình thường, các động mạch và tĩnh mạch được nối với nhau bằng hệ thống mao mạch rất nhỏ. Tuy nhiên, do các bất thường bẩm sinh, một đám rối mạch máu bất thường có thể hình thành trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não. Mạch máu ở vị trí dị dạng thường có hình dạng và cấu trúc bất thường, rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu não. Một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân có dị tật này bị đau đầu kéo dài, co giật động kinh…, trong khi đa số diễn biến âm thầm, không có biểu hiện.
Tất cả các yếu tố nguy cơ kể trên đều dẫn đến làm tăng khả năng hình thành xơ vữa và các cục máu đông, gây bít tắc lòng mạch, cản trở máu nuôi dưỡng não, gây ra đột quỵ. Việc xác định được nguyên nhân tai biến mạch máu não được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh giúp cho quá trình điều trị tai biến mạch máu não thuận lợi hơn. Đồng thời, hiểu rõ nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy tai biến mạch máu não cũng giúp bạn phòng ngừa tai biến mạch máu não một cách hiệu quả. Vì thế, đừng bỏ qua bất cứ yếu tố nào nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh