1. Nhức đầu mạn tính là gì?
Nhức đầu mạn tính là tình trạng đau nhức đầu liên tục trong ít nhất 4 giờ và tình trạng này kéo dài từ 15 ngày trở lên.
Nếu không được điều trị, bệnh sẽ không thuyên giảm. Trường hợp điều trị từ sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị, tình trạng đau nhức đầu sẽ được cải thiện về cả tần suất và mức độ đau.
2. Nguyên nhân gây đau đầu mạn tính
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra những cơn đau đầu mạn tính như các bệnh lý về thần kinh hay căng thẳng. Nhưng có những trường hợp không thể tìm ra được nguyên nhân gây đau đầu. Về cơ bản, bệnh không có nguyên nhân đặc trưng giúp nhận dạng.
2.1. Các nguyên nhân liên quan đến bệnh lý
– Các vấn đề liên quan đến mạch máu trong hay xung quanh não như đột qụy
– Các bệnh viêm nhiễm ở não như viêm màng não
– Thay đổi áp lực nội sọ
– U não
– Chấn thương sọ não
2.2. Các nguyên nhân khác
– Do lạm dụng thuốc giảm đau hay đau đầu hồi ứng
– Do căng thẳng
3. Phân loại đau đầu mạn tính
3.1. Nhức đầu mạn tính do căng thẳng
Bệnh nhân thường bị đau cả hai bên đầu. Bệnh khởi phát khi bệnh nhân gặp căng thẳng và stress trong cuộc sống. Vì vậy, phương pháp điều trị tích cực nhất là giảm căng thẳng cho bệnh nhân và giúp họ thư giãn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm một thuốc chống trầm cảm để cải thiện triệu chứng và đồng thời giúp bệnh nhân giảm stress.
3.2. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là một dạng đau đầu mạn tính, đặc trưng với những triệu chứng như:
– Đau ở một bên đầu
– Cảm giác đau nhói ở đầu
– Nhạy cảm với ánh sáng, mùi và âm thanh có cường độ lớn
– Buồn nôn và nôn
– Thị lực bị ảnh hưởng, bệnh nhân nhìn mọi thứ mờ đi hoặc thấy các đốm nhỏ hay các đường ngoằn ngoèo
Cơn đau nửa đầu mạn tính có thể kéo dài từ 30 phút đến vài ngày. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau nửa đầu mà bác sĩ sẽ sử dụng những liệu pháp khác nhau để chữa và phòng bệnh như:
– Sử dguyên nhân đau nửa đầu liên quan đến chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ: sử dụng liệu pháp hormon.
– Đau nửa đầu do căng thẳng: thực hiện các biện pháp tránh căng thẳng, tập thể dục, thư giãn.
– Chứng đau nửa đầu do lạm dụng thuốc (MOH) hay đau đầu hồi ứng: thường bệnh nhân sẽ giảm dần lượng thuốc giảm đau đang sử dụng và dùng thuốc phòng ngừa được bác sĩ kê đơn.
3.3. Hemiarana Continua – một loại nhức đầu mạn tính hiếm gặp
Loại đau đầu hiếm gặp này thường gây đau ở đầu và một bên mặt. Cơn đau thường diễn ra trong ít nhất 3 tháng. Các triệu chứng khác đặc trưng cho hemiarania continua bao gồm:
– Mắt đỏ
– Nghẹt mũi, chảy nước mũi
– Mí mắt rủ xuống
– Con ngươi thu nhỏ
Căn bệnh này có thể được điều trị bởi các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như indomethacin hay celecoxib… Các thuốc NSAIDs thường có tác dụng phụ trên dạ dày. Vì vậy, bệnh nhân thường dùng kèm các thuốc làm giảm và trung hòa acid dạ dày.
Lưu ý, các loại thuốc kể trên chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không được tự ý sử dụng, tránh gây những tác dụng phụ không mong muốn. Muốn hiểu rõ về các loại thuốc và cách sử dụng trong từng trường hợp, bạn vui lòng liên hệ hoặc thăm khám với chuyên gia nội thần kinh để được tư vấn chi tiết và kê đơn chính xác.
4. Đau đầu mạn tính nguy hiểm như thế nào?
Những cơn đau đầu mạn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả làm việc của người bệnh. Bệnh nhân có thể bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ. Cảm giác lo lắng, sợ hãi cơn đau đầu có thể đến bất cứ lúc nào và tồn tại dai dẳng có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tâm thần và thể chất.
Đau đầu mạn tính cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như đột quỵ, chấn thương sọ não hay u não… Việc khám và kiểm tra bệnh từ sớm có thể giúp phát hiện ra những bệnh lý liên quan đến cơn đau đầu và điều trị kịp thời.
5. Các yếu tố nguy cơ của bệnh nhức đầu mạn tính
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh thường gặp là:
– Căng thẳng, lo âu
– Trầm cảm
– Rối loạn giấc ngủ
– Tình trạng béo phì
– Ngáy
– Lạm dụng caffeine
– Hoạt động thường xuyên ở các tư thế gây căng và mỏi cơ ở đầu và cổ
6. Cách chẩn đoán bệnh đau đầu mạn tính
Khi có các triệu chứng đau đầu kéo dài, bạn cần đến các chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh. Đầu tiên, các sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu liên quan đến bệnh lý thần kinh như chấn thương não hay đột quỵ… Sau đó, bệnh nhân sẽ làm những xét nghiệm cơ bản để xác định các vấn đề liên quan như xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp X-quang, CT hay MRI để làm rõ các bệnh lý liên quan.
7. Các cách phòng ngừa bệnh đau nhức đầu
– Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đảm bảo vệ độ dài là giấc ngủ trong khoảng từ 7 – 8 tiếng đồng hồ. Nếu bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, cần nói với bác sĩ điều trị để có biện pháp chữa trị.
– Tập thể dục thường xuyên
Những hoạt động thể dục thể thao có thể giúp cải thiện sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần cũng như giảm căng thẳng. Thời gian lý tưởng để tập thể dục mỗi ngày là từ nửa tiếng đến một tiếng, vào buổi sáng sớm hoặc chiều.
– Giảm căng thẳng
Stress là một nguyên nhân phổ biến gây đau đầu. Vì vậy, bệnh nhân nên giảm lo âu, căng thẳng thông qua các phương pháp như tập yoga, thiền định hoặc chánh niệm.
– Hạn chế sử dụng đồ uống có chứa caffeine
Caffeine có thể gây tăng mức độ cơn đau đầu. Vì vậy, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng các đồ uống chứa nhiều caffeine như cà phê,…
Nhức đầu mạn tính vừa gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, vừa là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng khác như đột quỵ, u não… Vậy nên, bạn cần đi khám và kiểm tra từ sớm, ngay khi mới gặp phải các cơn đau đầu. Không nên tự điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau vì lạm dụng các loại thuốc này có thể làm cơn đau đầu thêm trầm trọng hay gây đau đầu hồi ứng. Ngoài ra, cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ và có một lối sống lành mạnh, ít căng thẳng là hướng đi tốt nhất để giảm thiểu và phòng ngừa các cơn đau đầu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh