✴️ Những dấu hiệu tiềm ẩn của rối loạn trầm cảm

Trong bài viết này sẽ đề cập tới những dấu hiệu tiềm ẩn của rối loạn trầm cảm. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác.

Thèm ăn và thay đổi cân nặng

Ăn quá nhiều hoặc quá ít có thể là biểu hiện của trầm cảm. Một số người cảm thấy thỏa mãn khi ăn uống, trong khi những người khác có thể thấy chán ăn hoặc ăn rất ít vì tụt cảm xúc. Hơn nữa, những thay đổi lớn của cân nặng lại làm nặng thêm các triệu chứng trầm cảm do làm ảnh hưởng tới ngoại hình - một trong những yếu tố liên quan chính tới rối loạn trầm cảm.

Ngoài ra thay đổi cân nặng còn mang yếu tố sinh lý của cơ thể. Ví dụ như bạn tăng cân nhiều, lượng mỡ thừa gia tăng là tăng nguy cơ viêm của cơ thể, yếu tố đóng vai trò chính làm nặng hơn triệu chứng trầm cảm.

Thay đổi thói quen đi ngủ

Có mối liên hệ rất rõ ràng giữa cảm xúc và giấc ngủ. Thiếu ngủ có thể góp phần gây nên trầm cảm và trầm cảm lại làm cho chúng ta khó ngủ hơn nữa.

Theo các tổ chức tại Hoa Kỳ, mất ngủ là yếu tố làm tăng 10 lần nguy cơ rối loạn trầm cảm. Ngược lại, ngủ quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn trầm cảm.

Sử dụng rượu bia và chất kích thích

Một số người có rối loạn về cảm xúc có xu hướng sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khi họ thấy buồn, cô đơn hoặc tuyệt vọng. Hiệp hội Trầm cảm Hoa Kỳ đưa ra các báo cáo rằng có tới 1 trong 5 người rối loạn về cảm xúc chẳng hạn như trầm cảm đi kèm theo rối loạn sử dụng chất kích thích, rượu bia. Ngược lại, con số tương tự 1 trong 5 người có vấn đề trong sử dụng rượu bia và chất kích thích có rối loạn về cảm xúc.

Mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi, dường như không có chút sức lực nào là triệu chứng rất thường gặp của trầm cảm. Những nghiên cứu cho thấy 90% người rối loạn trầm cảm có biểu hiện mệt mỏi.

Mặc dù hầu như tất cả chúng ta đều từng có cảm giác mệt mỏi, tuy nhiên ở những ai có triệu chứng này kéo dài kèm theo một số triệu chứng khác có thể là biểu hiện của rối loạn trầm cảm.

Không cảm thấy “hạnh phúc”

Thỉnh thoảng, những người có rối loạn trầm cảm thường có biểu hiện của “nụ cười trầm cảm”, nôm na là nụ cười họ cố gắng thể hiện khi đối mặt với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên rất khó để cố gắng che đậy cảm xúc này kéo dài, khi không thể cố gắng được nữa họ sẽ rơi vào rối loạn trầm cảm nặng nề hơn.

Cảm thấy không hứng thú với mọi thứ xung quanh

Có một giả thuyết rằng người mắc rối loạn trầm cảm có thể kèm theo “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm”, có nghĩa là họ tin rằng những quyết định hay hoạt động của họ thường sẽ chính xác, hợp lí hơn so với những người xung quanh.

Những người mắc trầm cảm có thể dễ cảm thấy bi quan hơn. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân rối loạn trầm cảm chủ yếu thường có cái nhìn tiêu cực hơn về tương lai.

Thực tế hơn hoặc bi quan hơn có thể là một trong những dấu hiệu của rối loạn trầm cảm, đặc biệt nếu người đó có thêm các dấu hiệu khác kèm theo.

Không thể tập trung

Khi một người chệch hướng, không theo kịp trong cuộc trò chuyện hoặc mất khả năng suy nghĩ, đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về trí nhớ và sự tập trung, một triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những khó khăn khi tập trung có thể làm xấu hơn rối loạn trầm cảm thông qua việc làm cho cuộc sống, công việc và các mối quan hệ cá nhân càng trở nên khó khăn hơn.

các dấu hiệu của rối loạn trầm cảm

 

Không còn quan tâm tới các sở thích thường ngày

 

Các tổ chức sức khỏe đã liệt kê biểu hiện “không còn thấy hứng thú hay hài lòng trong các hoạt động hay sở thích thường ngày” là một trong những biểu hiện chính của rối loạn trầm cảm.

Mất hứng thú với các hoạt động mà trước đó họ thường yêu thích có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà bạn có thể nhận ra từ người thân của bạn, người có nguy cơ rối loạn trầm cảm.

Cảm thấy đau nhức và các bất thường về sức khỏe

Trầm cảm là một bệnh lý về tâm thần kinh, tuy nhiên nó vẫn có các biểu hiện về thể chất. Cùng với thay đổi cân nặng hay mệt mỏi, những biểu hiện khác của rối loạn trầm cảm có thể nhận thấy bao gồm:

  • Đau lưng;
  • Đau mạn tính;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Đau đầu.

Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng rối loạn trầm cảm chủ yếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý sau:

  • Viêm khớp
  • Rối loạn tự miễn;
  • Ung thư;
  • Bệnh tim;
  • Đái tháo đường type 2.

Cảm thấy giận dữ hoặc dễ bị kích động

Đôi khi ở một số trường hợp thay vì biểu hiện buồn bã họ lại thể hiện sự giận dữ, dễ bị kích động. Đây hoàn toàn có thể là những dấu hiệu của rối loạn trầm cảm.

Giảm ham muốn tình dục

Theo các chuyên gia bệnh viện Johns Hopkins thì thay đổi trong ham muốn tính dục có thể được xem là một chỉ số chính trong chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu.

Có vài nguyên nhân khiến giảm ham muốn tình dục khi mắc rối loạn trầm cảm bao gồm:

  • Giảm hứng thú với các hoạt động thường ngày trong đó có quan hệ tình dục;
  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng;
  • Sự tự tin thấp.

Các nguyên nhân chủ yếu của trầm cảm

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng những yếu tố sau đóng vai trò chủ chốt trong rối loạn này:

  • Yếu tố về di truyền: trầm cảm có thể mang tính gia đình, có người thân mắc rối loạn trầm cảm làm tăng nguy cơ của bản thân lên.
  • Những sự khác biệt về sinh hóa: nhưng thay đổi về mặt sinh lý và các trao đổi chất trong não bộ có thể góp phần hình thành trầm cảm.
  • Hormone: những thay đổi bất thường hoặc mất cân bằng của hormon trong cơ thể có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố khởi phát trầm cảm. Chẳng hạn như tình trạng trầm cảm sau sinh khá thường gặp ở phụ nữ.
  • Chấn thương hoặc stress: chịu stress cường độ cao, các chấn thương hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể là yếu tố khởi phát trầm cảm ở đa số trường hợp.
  • Đặc điểm về tính cách: những người có sự tự tin thấp hoặc dễ bi quan làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
  • Những bệnh lí khác: có những vấn đề khác về tâm thần hoặc bệnh lý hoặc sử dụng thuốc kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn trầm cảm.

Cần làm gì nếu bạn nghĩ rằng mình đang có các dấu hiệu của rối loạn trầm cảm?

Nếu cảm thấy rằng mình đang có những biểu hiện của bệnh bạn nên khám bác sĩ sớm nhất có thể. Những chuyên gia sẽ giúp bạn chẩn đoán ra bệnh cũng như đưa ra những giải pháp điều trị phù hợp nhất. Các nội dung của điều trị rối loạn trầm cảm bao gồm:

  • Làm giảm các yếu tố gây stress bằng thiền, các bài tập thở sau hay là tập yoga;
  • Cải thiện sự tin của bản thân;
  • Cố gắng giao lưu với những người khác (có thể đây là vấn đề khá khó khăn với bệnh nhân trầm cảm);
  • Cố gắng tham gia những hoạt động trước đây tạo nhiều hứng thú cho mình hoặc tham gia những hoạt động mới nếu bạn thấy thích;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Giữ chế độ ăn cân bằng;
  • Nhờ sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.

Bạn cần làm gì nếu người thân của bạn có biểu hiện trầm cảm

Nếu người thân của bạn có các dấu hiệu rối loạn trầm cảm, cố gắng nói chuyện với họ về các dấu hiệu này cũng như là đưa ra những lời khuyên, đặc biệt không được mang tính phán xét. Những hoạt động bạn nên làm bao gồm:

  • Khuyến khích người thân tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp;
  • Chủ động hẹn lịch và đi chung với họ đến gặp bác sĩ;
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị;
  • Tập thể dục cùng nhau;
  • Khuyến khích người thân giao tiếp với những người xung quanh;

Bạn cũng đừng quên rằng mình cũng cần phải luyện tập để giữ cho sức khỏe tinh thần luôn luôn tốt.

Tóm lại

Không phải tất cả mọi trường hợp rối loạn trầm cảm đều biểu hiện các triệu chứng điển hình như buồn bã hoặc tuyệt vọng. Thỉnh thoảng, người bệnh chỉ biểu hiện một triệu chứng duy nhất về thể chất chẳng hạn như thay đổi cân nặng, mệt mỏi, mất ngủ.

Những dấu hiệu tiềm ẩn khác của rối loạn trầm cảm gồm rối loạn sử dụng rượu bia và chất kích thích, dễ nóng nảy tức giận, giảm hứng thú hoặc hài lòng với các hoạt động thường ngày.

Nếu bạn nhận thấy người thân của bạn có các biểu hiện của trầm cảm, bạn nên nói chuyện cũng như hỗ trợ người thân của mình được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nếu bạn có các dấu hiệu này bạn cũng nên tìm tới nhân viên y tế để được hỗ trợ tốt nhất.

Xem thêm: Rối loạn lưỡng cực

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu