✴️ Những điều cần biết về loạn cảm đau

Loạn cảm đau là gì?

Loạn cảm đau có thể là triệu chứng của một số bệnh lý thần kinh hoặc có thể xuất hiện đơn độc. Loạn cảm đau không phải là tăng đáp ứng với kích thích gây đau.a

Có một số người cảm thấy đau dữ dội từ tổn thương rất nhỏ, như bị giấy cứa vào tay. Cảm giác đau tăng lên hay tăng nhạy cảm với kích thích đau nhẹ được gọi là tăng cảm đau (hyperalgesia).

Trong khi đó, người bị loạn cảm đau lại cảm thấy đau ngay với những va chạm mà thực tế điều đó không hề gây đau.

Triệu chứng

Đau là một trong những cơ chế bảo vệ của cơ thể, báo hiệu cho con người điều gì đó có hại. Ví dụ, cơn đau xuất hiện khiến một người bỏ tay ra khỏi cái lò nướng đang nóng, giúp họ tránh bị bỏng nặng. Tuy nhiên, đối với người bị loạn cảm, họ cảm thấy đau dù cho không có gì gây ra đau cả. Một số người bị loạn cảm đau có thể thấy đau dữ dội khi dùng vài sợi lông vuốt lên da họ.

Triệu chứng chính của loạn cảm đau là cảm giác đau đến từ những kích thích không gây đau. Triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến trầm trọng. Có người cảm thấy đau bỏng rát, trong khi người khác cảm thấy nhức hay đau như bị siết chặt.

Loạn cảm đau có thể làm giới hạn hoạt động và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biến chứng thường gặp của loạn cảm đau bao gồm:

  • Trầm cảm
  • Lo lắng
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi

Phân loại loạn cảm đau

Loạn cảm đau chia làm 3 nhóm chính, được phân loại dựa trên nguyên nhân gây đau. Trong cả 3 nhóm loạn cảm đau này, đau vẫn là triệu chứng chính. Một người có thể có 1 loại hay có cả 3 loại loạn cảm đau. Các nhóm loạn cảm đau đó là:

  • Loạn cảm đau do nhiệt: gây ra các cơn đau liên quan đến nhiệt độ. Cảm giác đau xuất hiện do sự thay đổi nhiệt độ một ít trên da, như khi nhỏ vài giọt nước lạnh lên da.
  • Loạn cảm đau cơ học: Chuyển động trên da gây ra loạn cảm đau cơ học, ví dụ như khi kéo ga trải giường qua da.
  • Loạn cảm đau xúc giác: Xảy ra khi chạm hay ấn nhẹ lên da, ví dụ như một cú vỗ vai từ ai đó.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây loạn cảm đau vẫn chưa được biết rõ. Loạn cảm đau có thể xảy ra do sự tăng đáp ứng hay vấn đề nằm ở thụ thể nhận cảm đau. Một số tình trạng bệnh lý sau có thể làm tăng nguy cơ gây ra loạn cảm đau.

  • Đau nửa đầu: Đau đầu thường không phải là triệu chứng duy nhất trong đau nửa đầu, mà có thể có các triệu chứng kèm theo như buồn nôn hay nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Theo Tổ chức Đau nửa đầu Hoa Kỳ, có tới 80% người có dấu hiệu loạn cảm đau khi bị đau nửa đầu.
  • Đau thần kinh sau zona: là một biến chứng của bệnh zona do mắc cùng loại virus gây bệnh thủy đậu. Bệnh zona có thể làm tổn thương các sợi thần kinh, dẫn đến đau thần kinh dai dẳng và liên quan đến loạn cảm đau.
  • Đau cơ xơ hóa: là bệnh lý gây ra đau toàn thân. Nguyên nhân vẫn chưa được rõ, nhưng có thể liên quan đến di truyền trong một số trường hợp. Dường như có mối liên hệ giữa loạn cảm đau và bệnh đau cơ xơ hóa.
  • Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường lâu ngày có thể gây tổn thương dây thần kinh, làm tăng khả năng người bệnh bị loạn cảm đau. Yếu tố tăng trưởng thần kinh (Nerve growth factor - NGF) rất cần thiết cho hệ thần kinh, và một số chuyên gia cho rằng đái tháo đường có thể làm giảm NGF. Một nghiên cứu gần đây trên động vật gặm nhấm cho thấy mức NGF thấp có thể dẫn đến cả tăng cảm đau và loạn cảm đau.
  • Hội chứng đau vùng phức hợp (complex regional pain syndrome – CRPS): là tình trạng đau kéo dài có xu hướng ảnh hưởng đến một chi, điển hình khi người bệnh từng bị chấn thương ở vùng này.

Chẩn đoán

Không có một xét nghiệm chuyên biệt nào để chẩn đoán loạn cảm đau. Thay vào đó, nó được chẩn đoán qua hỏi bệnh sử, khám và đánh giá các triệu chứng của người bệnh. Nhiều bệnh lý thông thường có thể gây đau mãn tính, vì vậy bác sĩ cần loại trừ một số bệnh lý khác trước khi chẩn đoán loạn cảm đau.

Nhiều xét nghiệm về độ nhạy của dây thần kinh cũng có thể được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán. Nếu bạn bị đau từ các kích thích không gây đau, chẳng hạn như chạm nhẹ, thì nên đến gặp bác sĩ.

Những cơn đau mãn tính xảy ra ngay cả sau những va chạm nhẹ gây nên cảm xúc bực bội và khó chịu. Chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp người bệnh có kế hoạch quản lý và điều trị thích hợp.

           chứng loạn cảm đau

Điều trị

Hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh loạn cảm đau. Mục tiêu điều trị là giảm đau bằng cách dùng thuốc hay thay đổi lối sống.

Pregabalin là thuốc dùng để điều trị đau thần kinh liên quan đến các tình trạng như chấn thương cột sống, đái tháo đường, đau cơ xơ hóa và bệnh zona. Nó cũng giúp giảm đau trong bệnh loạn cảm đau.

Thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như kem và thuốc mỡ có chứa lidocaine, có thể có ích trong một số trường hợp. Thuốc giảm đau không chứa steroid, không cần kê đơn cũng có thể có hiệu quả.

Một số phương pháp khác giúp kiểm soát cơn đau, như châm cứu và xoa bóp, có thể không sử dụng được vì quá trình thực hiện phải đụng chạm và có thể dẫn đến sự khó chịu với người bị loạn cảm đau.

Điều trị bệnh lý gây ra loạn cảm đau cũng có thể giúp ích trong việc kiểm soát triệu chứng. Ví dụ, ngăn ngừa hoặc điều trị chứng đau nửa đầu ngay lập tức có thể giúp giảm nguy cơ bị loạn cảm đau, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường cũng rất hữu ích.

Đối với một số người, thay đổi lối sống như tập thể dục nhẹ, chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc tỏ ra hiệu quả.

Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá bị đau mãn tính nhiều hơn những người không hút thuốc. Bỏ hút thuốc có lợi ở nhiều mức độ, từ cải thiện tuần hoàn đến giảm viêm.

Mặc dù sống một lối sống lành mạnh sẽ không chữa được bệnh loạn cảm đau, nhưng nó giúp tăng cường sức khỏe và giúp những người mắc bệnh này điều trị hiệu quả hơn.

Xác định và hạn chế các tác nhân gây đau càng nhiều càng tốt cũng có thể làm giảm các triệu chứng. Dù không thể giới hạn tất cả những điều gây ra khó chịu, nhưng một số thay đổi có thể giúp ích.

Ví dụ, có thế không hợp lý khi người bệnh phải cạo đầu vì đau do chải tóc. Thay vì vậy, có thể chuyển sang một loại lược khác hoặc ít chải tóc hơn.

Tương tự, nếu một số loại vải làm tổn thương da, người bệnh có thể đổi sang quần áo làm từ chất liệu khác, ít gây kích ứng hơn.

Căng thẳng có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn ở một số người. Tuy nhiên, giảm căng thẳng có thể không cải thiện loạn cảm đau trong tất cả mọi trường hợp.

Tiên lượng

Loạn cảm đau không đe dọa đến tình mạng, nhưng nó khiến cuộc sống hàng ngày của người bệnh gặp nhiều khó khăn và bực bội. Nó cũng có thể dẫn đến lo lắng và nhiều bệnh lý tâm thần khác. 

Tiên lượng đối với những người bị loạn cảm đau thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Kết hợp các kỹ thuật quản lý đau cùng với thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng của loạn cảm đau.

Một cách tiếp cận toàn diện để điều trị có thể cải thiện tiên lượng, giúp người bệnh cảm thấy kiểm soát được tình trạng của họ tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Xem thêm: Những điều cần biết về hội chứng mệt mỏi mãn tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top