Những lời đồn đại về “Đại dịch Alzheimer”

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, các nhà khoa học cho rằng sự sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, trong đó Alzheimer là một bệnh phổ biến do sự lão hóa. Dân số càng già đi, càng nhiều người mắc Alzheimer! Trước tuổi 60, bệnh Alzeimer tương đối hiếm gặp, lứa tuổi 60 - 70 tỷ lệ mắc bệnh trong dân là khoảng 1% và nguy cơ sẽ tăng lên 5% đối với lứa tuổi 70 - 80 và trên 80 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn.

Người ta cũng tiên lượng là số người trên thế giới mắc Alzeimer sẽ tăng gấp ba lần từ nay đến năm 2050 và để lại gánh nặng bệnh tật cho nhân loại! Đó là thử thách đáng lo ngại không chỉ cho xã hội, chính sách y tế quốc gia mà còn cho bản thân người bệnh và những người thân, gia đình của người bệnh...

Người bệnh tuổi càng cao sẽ càng mất dần mọi kỷ niệm, ký ức, thay đổi nhân cách và suy sụp trí tuệ trong những năm cuối đời! Người ta tính rằng, chi phí trung bình hàng năm cho một bệnh nhân Alzeimer vượt quá thu nhập trung bình hàng năm của một viên chức!

Tuy nhiên, đó chỉ là “tầm nhìn truyền thống” của y học những năm trước đây! Và thật may là “đại dịch Alzeimer” đã không xảy ra. Theo những dự báo từ năm 1994, nước Anh sẽ có 900.000 người bị sa sút trí tuệ vào năm 2013.

Nhưng thực tế, sự thật đã không xảy ra. Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Cambridge đăng tải trên tạp chí The Lancet đã chứng minh, số lượng bệnh nhân có tăng nhưng không đáng kể, bất kể vẫn có sự già hóa dân số ở quốc gia này! Vậy đâu là lý do khiến thế hệ sau chống lại các bệnh thần kinh tốt hơn là những người thế hệ trước? Và những bí mật này đã dần được khoa khọc lý giải, đó là:

Não bộ được kích thích nhiều hơn

Ngày nay, mặc dù không phải tất cả mọi người đều luôn bận rộn với máy tính hay áp tai vào điện thoại thông minh hoặc các dụng cụ điện tử khác, nhưng có một điều chắc chắn đó là tất cả chúng ta đều chịu tác động của các phương tiện truyền thông, làm não bị kích thích nhiều hơn 50 năm trước đây. Ngoài ra, trong khoảng 25 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã nhận thấy những người làm việc cần vận động trí óc nhiều ít mắc Alzheimer hơn những người lao động cơ chân tay phổ thông.

Và những người có đời sống xã hội tích cực, kích thích trí não nhiều sẽ giữ được trí tuệ minh mẫn hơn những người ít hoạt động. Từ đó, các nhà khoa học đã đi đến nhận định và đưa ra lời khuyên: Nên duy trì sự hoạt động thường xuyên của trí não, não càng hoạt động nhiều thì cũng sẽ hoạt động được lâu hơn. Đối với người cao tuổi, những trò chơi “tập luyện trí não” trên các dụng cụ điện tử hoặc chăm đọc tin tức hay, khám phá những sự việc mới lạ trên báo, truyền hình, mạng internet... là những hoạt động bổ ích chống lại hiện tượng sa sút trí tuệ, chống lại Alzeimer.

 

Duy trì tốt hệ mạch máu qua chế độ dinh dưỡng

Ngày nay, con người có điều kiện hơn, đã chú ý đến lối sống, chế độ dinh dưỡng, lựa chọn khẩu phần ăn hợp lý hơn. Muốn duy trì một hệ mạch tốt, cần có một lối sống lành mạnh, không hút thuốc, ăn nhiều hoa quả tươi, sử dụng nhiều loại chất béo có chứa omega-3 (có nhiều trong cá, hạt bồ đào, cây cải dầu...) và giảm lượng omega-6 (có nhiều trong dầu ngô, dầu hướng dương...).

Chế độ dinh dưỡng này cũng đồng thời giảm các bệnh tim mạch do hệ mạch máu được bảo vệ tốt hơn: Thức ăn nào tốt cho tim mạch cũng tốt cho não. Não bộ được tưới máu tốt là điều kiện cơ bản để duy trì tốt các chức năng của não và trí tuệ.

Trước kia, chế độ ăn được chú ý nhiều về lượng hơn về chất. Chế độ ăn thừa glucid là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ đường trong máu. Khi tỷ lệ đường trong máu quá cao, các mao mạch sẽ bị tổn thương. Dưới tác động của đường, các mao mạch hẹp lại, tắc nghẽn và để dịch tiết ra ngoài thành mạch giảm chức năng nuôi dưỡng não.

Do đó, bệnh Alzheimer được một số nhà khoa học gọi là “đái tháo đường týp III”. Chính việc không kiểm soát được lượng đường máu làm giảm sự nuôi dưỡng não, dẫn đến sự sa sút các chức năng của não. Bởi vậy, đối với con người thời nay cần một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý và đa dạng để không chỉ giúp kiểm soát tốt đường huyết mà còn có lợi cho hoạt động của não bộ, giúp duy trì hoạt động của trí nhớ.

 

Những vi chất đồng hóa trực tiếp thiết yếu

Để cải thiện hoạt động và chức năng của não, những chất dinh dưỡng đồng hóa trực tiếp tốt nhất là vitamin C, vitamin E, vitamin B (chủ yếu là vitamin B9) và những axit béo omega-3... Những chất dinh dưỡng đồng hóa trực tiếp này có thể thấy nhiều trong các loại thực phẩm như rau tươi, các loại củ quả, cá, dầu ôliu. Những loại thịt đỏ, thực phẩm đóng hộp... rất ít những vi chất này.

Cho nên có thể giải thích vì sao thế hệ những người cao tuổi hiện nay ít mắc các bệnh tâm thần hơn các thế hệ đàn anh trước đây do những thế hệ trước đã thiếu những chất dinh dưỡng đồng hóa trực tiếp vì họ đã phải trải qua thời kỳ chiến tranh, thiên tai, đời sống kinh tế khó khăn, thiếu thốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top