✴️ Những người bị mất ngủ thường xuyên cần lưu ý gì?

1. Mất ngủ thường xuyên cảnh báo những vấn đề gì?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, khiến người bệnh luôn cảm thấy khó ngủ, giấc ngủ không ngon giấc, hay bị tỉnh giấc và khó ngủ lại được. Nguyên nhân gây mất ngủ rất đa dạng, sau đây là các dạng chủ yếu:

1.1 Các vấn đề sinh lý

Tình trạng mất ngủ có thể chỉ là xảy ra do nguyên nhân sinh lý như môi trường sống quá nhiều tiếng ồn, ánh sáng mạnh, thay đổi múi giờ (đi du lịch, công tác hoặc mới ra nước ngoài sinh sống), do những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến nhịp thức – ngủ (như thức quá khuya, ăn nhiều, uống nhiều, hoạt động mạnh, sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ)… 

Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thường xuyên bị mất ngủ hơn so với người bình thường do những thay đổi về nội tiết tố. 

1.2 Các vấn đề bệnh lý

Trong nhiều trường hợp, mất ngủ có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Do các bệnh lý thường liên quan đến sự suy giảm chức năng của các cơ quan, gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh nên có thể ảnh hưởng đến việc duy trì giấc ngủ ngon. 

Các bệnh lý ảnh hưởng đến giấc ngủ chủ yếu là:

– Bệnh dị ứng

– Bệnh viêm khớp

– Bệnh tiểu đường

– Bệnh tim mạch 

– Trào ngược dạ dày thực quản

– Ung thư

1.3 Các vấn đề tâm lý

Thường xuyên lo âu, chịu nhiều áp lực cũng có thể khiến hệ thần kinh bị căng thẳng và tổn thương, từ đó gây ra tình trạng mất ngủ. Mất ngủ kéo dài kèm theo lo lắng càng khiến vấn đề trầm trọng hơn. 

Ngoài ra, một số rối loạn tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu,… cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hay duy trì giấc ngủ ngon. 

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ bao gồm yếu tố tâm lý, bệnh lý,…

 

2. Tác hại của việc mất ngủ đối với người bệnh 

Tình trạng mất ngủ khiến cho cơ thể không được nghỉ ngơi và phục hồi một cách trọn vẹn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chất lượng công việc và sức khỏe của người bệnh. Cụ thể:

– Gây mất tập trung: Giấc ngủ không chất lượng, thời gian ngủ ngắn khiến cho người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, làm gì cũng chậm chạp và khó khăn hơn, giảm khả năng ghi nhớ. 

– Tăng nguy cơ thừa cân, béo phì: Việc mất ngủ thường xuyên khiến lượng calo không được tiêu hao hết, đồng thời kích thích sự thèm ăn đêm. Điều này khiến bệnh nhân nhanh chóng bị tăng cân.

– Có vấn đề ở hệ tim mạch: Những người bị mất ngủ thường xuyên có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, suy giảm chức năng tim. Đồng thời, mất ngủ cũng làm gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì…

– Tâm lý bị rối loạn: Khi mất ngủ, não dễ bị phản ứng tiêu cực, sinh ra mệt mỏi, dễ lo lắng, cáu gắt,… thậm chí tự kỷ, trầm cảm.

– Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư: Các nghiên cứu cho thấy những người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ ung thư cao hơn so với những người ngủ đủ giấc và ngủ ngon.

– Tác động xấu đến da: Những người mất ngủ thường xuyên sẽ dễ bị lên mụn, viêm nhiễm, hay xuất hiện nếp nhăn hơn, da khô và tăng độ nhạy cảm do quá trình này gây ức chế hormon sinh trưởng và kích thích tạo ra hormone căng thẳng.

Những người thường xuyên bị mất ngủ có thể cảm thấy mất tập trung, giảm hiệu quả công việc,…

 

3. Những lưu ý cho người bị mất ngủ

Bệnh mất ngủ có thể chỉ diễn ra tạm thời và tự khỏi, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tình trạng mất ngủ kéo dài dai dẳng, cần phải tiến hành các biện pháp can thiệp điều trị. 

Để điều trị và cải thiện giấc ngủ, những người bị mất ngủ cần lưu ý những điều sau:

3.1 Người bị mất ngủ nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ 

Khi bị mất ngủ, nhiều người tìm đến các loại thuốc ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, đa số các loại thuốc ngủ đều có thể gây ra các tác dụng phụ, thậm chí gây ra tình trạng “nhờn” thuốc. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc điều trị mất ngủ, người bệnh cần hết sức chú ý, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và tuân theo chỉ định của bác sĩ khi được kê đơn để đạt hiệu quả cao nhất. 

3.2 Tập luyện và duy trì các thói quen ngủ tốt

Các thói quen ngủ xấu là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ về đêm. Vì thế, việc luyện tập và duy trì các thói quen tốt rất có lợi cho việc cải thiện giấc ngủ và phòng tránh những hệ lụy. 

Những người thường xuyên mất ngủ nên chú ý:

– Lên lịch ngủ và đi ngủ đúng giờ, kể cả không buồn ngủ

– Không ăn uống quá nhiều trước khi ngủ, đặc biệt là các chất béo, các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê…

– Không xem ti vi, điện thoại hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử khác

– Bố trí không gian phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát để giấc ngủ thoải mái hơn

– Giữ tâm trí nhẹ nhàng, thư giãn để đi vào giấc ngủ dễ dàng 

3.3 Tập thể dục thường xuyên giúp người bị mất ngủ dễ có giấc ngủ ngon

Tập thể dục thường xuyên giúp tăng tuần hoàn máu, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện vừa sức, đặc biệt tránh tập nặng vào buổi tối vì có thể gây căng thẳng cho hệ thần kinh, tim mạch, dẫn đến khó ngủ. Các bài tập được khuyến cáo trước giờ ngủ là thiền, yoga, hít thở nhẹ nhàng…

3.4 Bổ sung các thực phẩm tốt cho giấc ngủ

Các loại thực phẩm giàu magie, kali, serotonin như kiwi, chuối, cá béo (cá hồi, cá ngừ),.. hay các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà lạc tiên,… được đánh giá là rất tốt cho giấc ngủ. 

Thư giãn trước giờ ngủ có thể giúp người bệnh dễ ngủ và có giấc ngủ ngon hơn.

Bệnh mất ngủ nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng có thể được cải thiện tốt. Vì thế, khi thấy những dấu hiệu mất ngủ bạn nên đi khám Nội thần kinh sớm để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top