Đại trực tràng còn gọi là ruột già, là đoạn cuối của đường tiêu hóa. Polyp đại trực tràng là những tổn thương xuất phát từ niêm mạc của đại trực tràng và thường nhô vào lòng đại trực tràng. Polyp được hình thành do những thay đổi và đột biến về gen xảy ra trong các tế bào của niêm mạc.
Thông thường, các tế bào niêm mạc chưa trưởng thành sẽ được phân chia, trưởng thành và chết đi theo một quy trình chặt chẽ và chính xác về thời gian. Tuy nhiên, những thay đổi về gien sẽ ngăn chặn quá trình trưởng thành và các tế bào niêm mạc sẽ không chết đi. Kết quả của quá trình thay đổi này là sự tích lũy những tế bào chưa trưởng thành có bất thường về di truyền và hình thành polyp.
Polyp tuyến đại trực tràng là những tổn thương mọc lên lành tính (không ung thư) nhưng có thể là các tổn thương tiền ung thư của đại trực tràng. Các polyp có đường kính lớn hơn 1 cm có nguy cơ lớn trở thành ung thư. Nếu chúng không được cắt bỏ, chúng sẽ tiếp tục lớn lên và có thể trở thành ung thư.
Hai loại polyp thường gặp nhất trong đại trực tràng là:
Các polyp tăng sản và viêm. Thường những polyp này không có nguy cơ trở thành ung thư
Các u tuyến hay các polyp tuyến. Nếu để lại một mình, có thể trở thành ung thư đại tràng.
95% polyp đại trực tràng không có triệu chứng và được phát hiện qua nội soi đại trực tràng tầm soát. Tuy nhiên, người có polyp có thể có các triệu chứng không đặc hiệu: tiêu phân lẫn máu, tiêu phân đen, táo bón, tiêu lỏng, đau bụng, thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt...
Tần suất mắc polyp đại trực tràng tăng dần theo tuổi, đặc biệt là sau 50 tuổi. Sau 60 tuổi, hơn 1/3 dân số sẽ có ít nhất 1 polyp đại trực tràng. Nếu một người có một polyp thì nhiều khả năng họ sẽ có polyp ở những vị trí khác trên khung đại tràng và khả năng hình thành polyp mới theo thời gian sẽ cao hơn người không có polyp. Polyp đại trực tràng có tính di truyền trong gia đình. Thế hệ sau sẽ có nguy cơ mắc polyp ở độ tuổi sớm hơn thế hệ trước.
Có một số yếu tố được xem là nguy cơ gây ra polyp đại trực tràng:
Chế độ ăn ít chất xơ (ít rau và trái cây), ăn nhiều thịt và mỡ động vật.
Uống nhiều rượu bia hay hút thuốc.
Ít vận động.
Yếu tố di truyền: rõ ràng có sự liên quan chặt chẽ giữa yếu tố di truyền và sự xuất hiện của polyp đại trực tràng. Những người có người trong gia đình bị đa polyp có nguy cơ bị polyp gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.
Polyp đại trực tràng cần được chẩn đoán và điều trị sớm vì có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Những polyp lành tính sẽ trở thành polyp ác tính khi quá trình thay đổi và đột biến trong tế bào tiếp tục diễn ra theo thời gian. Các tế bào bên trong polyp sẽ tiếp tục phân chia, tăng sinh và đột biến một cách mất kiểm soát. Quá trình này làm cho polyp sẽ tăng dần về kích thước và trở nên ác tính.
Hiện tượng polyp lành tính chuyển sang ác tính có thể quan sát được trên hình ảnh giải phẫu bệnh, đó là hiện tượng loạn sản (bất thường về cấu trúc, hình dạng và sự sắp xếp của tế bào) từ độ thấp chuyển sang độ cao.
Polyp đại trực tràng có thể được chẩn đoán bằng nội soi đại trực tràng, nội soi đại tràng ảo hay chụp đại tràng đối quang kép.
Theo các nghiên cứu, polyp đại trực tràng có thể được ngăn ngừa khi bổ sung các yếu tố chống oxy hóa như các vitamin A, C, E và canxi.
Các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAIDs) cũng có tác dụng phòng ngừa hình thành polyp như aspirin, ibuprofen, celecoxib (Celebrex)... Aspirin cho thấy tác dụng giảm tỷ lệ hình thành polyp từ 30 – 50%. Tuy nhiên, tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày – tá tràng là những vấn đề cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.
Tăng cường vận động bằng việc chơi các môn thể thao, chạy bộ, tập thể dục...
Xem thêm: 07 lựa chọn thay thế cho nội soi
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh