✴️ Những nguyên nhân từ cuộc sống hằng ngày có thể tạo nên trầm cảm

1. Hoạt động của não bộ và sự mất cân bằng các chất hóa học

Một số khu vực của não bộ giúp điều chỉnh tâm trạng. Các nhà nghiên cứu tin rằng, quan trọng hơn cả sự mất cân bằng giữa các chất hóa học cụ thể trong não thì những kết nối tế bào thần kinh, sự phát triển của tế bào thần kinh và hoạt động của các mạch thần kinh có tác động lớn đến bệnh trầm cảm. 

1.1. Vùng não bộ ảnh hưởng đến tâm trạng

Thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: PET, SPECT, MRI… người ta phát hiện ra rằng, hồi hải mã nhỏ hơn ở một số người trầm cảm. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh, các nhà điều tra đã phát hiện ra hồi hải mã ở phụ nữ trầm cảm nhỏ hơn 9-13% hồi hải mã của phụ nữ bình thường. Kích thước hồi hải mã cũng tỷ lệ nghịch với tần suất xuất hiện của các cơn trầm cảm. 

1.2. Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh

Các nhà khoa học đã xác định được rất nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác nhau có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của trầm cảm.

  • Acetylcholine: Mặc dù acetylcholine đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động cấp cao của não bộ như khả năng ghi nhớ, nhận thức, sự tập trung… Nhưng cũng có nghiên cứu cho thấy nó góp phần dẫn đến trầm cảm khi có tình trạng mất cân bằng xảy ra.
  • Serotonin: “Giả thuyết serotonin” về trầm cảm lâm sàng đã có từ hơn 50 năm trước. Đơn giản nhất, giả thuyết đề xuất rằng, sự suy giảm hoạt động của serotonin đóng một vai trò quan trọng các nguyên nhân gây trầm cảm. Các thuốc điều trị trầm cảm cũng tập trung làm tăng lượng serotonin trong não.
  • Norepinephrine: Các nghiên cứu cho thấy norepinephrine có tầm quan trọng lớn trong sinh lý bệnh và điều trị rối loạn trầm cảm. Làm tăng dẫn truyền thần kinh norepinephrine bảo vệ con người khỏi trạng thái trầm cảm do căng thẳng gây ra, trong khi sự suy giảm của norepinephrine làm tăng tính nhạy cảm của bệnh nhân trầm cảm đã hồi phục với tái phát trầm cảm. Các tác nhân trị liệu đặc biệt làm tăng hoạt động của norepinephrine là thuốc chống trầm cảm hiệu quả. 
  • Dopamine rất cần thiết cho sự vận động. Các vấn đề trong quá trình truyền dopamine có liên quan đến chứng rối loạn tâm thần, một dạng suy nghĩ méo mó nghiêm trọng, đặc trưng bởi ảo giác hoặc ảo tưởng.
  • Glutamate: Giải phóng quá nhiều glutamate có liên quan đến căng thẳng và nhiều bệnh thoái hóa thần kinh. Bằng chứng cho thấy những bất thường của dẫn truyền thần kinh glutamatergic hoặc rối loạn chức năng glutamatergic đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều rối loạn tâm thần như: Trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực.
  • Axit gamma-aminobutyric (GABA): Các thụ thể GABA và GABA A có mặt khắp nơi trong hệ thống thần kinh trung ương, đóng vai trò cơ bản trong việc kiểm soát sự ức chế thần kinh. Đã có báo cáo rằng trầm cảm đi kèm với mức GABA trong dịch não tủy thấp hơn và dựa trên các phân tích hình ảnh thần kinh, GABA được báo cáo là giảm tại vỏ não bên trước trán và chẩm ở bệnh nhân trầm cảm.

 

2. Yếu tố di truyền trong bệnh trầm cảm

Các nghiên cứu về gia đình và sinh đôi đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự đóng góp của những yếu tố di truyền vào nguy cơ trầm cảm. Ví dụ, một phân tích tổng hợp dữ liệu nghiên cứu song sinh cho thấy tỷ lệ di truyền đối với bệnh trầm cảm là 37%, và dữ liệu từ các nghiên cứu gia đình cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm tăng gấp 2-3 lần ở con cái, nếu có cha mẹ bị bệnh trầm cảm. Mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm cũng phụ thuộc vào việc nó được di truyền từ bố hay mẹ.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2015 trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy hai dấu hiệu di truyền có liên quan rõ ràng đến chứng trầm cảm nặng. 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của gen trong việc hình thành khả năng thích nghi, phản ứng đáp trả trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài với từng cá nhân. 

 

3. Trầm cảm sau khi trải qua các sự kiện chấn động hoặc các chấn thương

Có vô vàn những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tác động đến tâm lý, tình cảm của con người. Có những chuyện sẽ mau chóng qua đi nhưng cũng có những sự kiện để lại những ám ảnh sâu sắc trong tâm trí của mỗi cá nhân. 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những mất mát sớm và chấn thương tinh thần có thể khiến các cá nhân dễ bị trầm cảm hơn trong cuộc sống sau này. Những mất mát to lớn như cái chết của người thân thiết, bị bỏ rơi, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, thậm chí là những sang chấn, chấn thương sau chiến tranh…. có thể trở thành kí ức không thể quên, là nỗi ám ảnh dai dẳng và hậu quả là trầm cảm. Thậm chí có những người sau điều trị vẫn rất dễ bị tái phát vì đó là phần quá khứ không thể thay đổi hoặc khi gặp phải một biến cố tương tự.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, những người bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục khi còn nhỏ sẽ có xu hướng phản ứng mạnh và tiêu cực với những căng thẳng từ cuộc sống hàng ngày so với những người không bị bạo hành. 

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, sang chấn tâm lý từ khi còn nhỏ sẽ gây ra những thay đổi trong chức năng não, làm xuất hiện các triệu chứng trầm cảm và lo âu sau này. Các vùng não bộ liên quan đến phản ứng căng thẳng có thể bị thay đổi về cấu trúc, hình thái và chức năng ở cấp độ hóa học hoặc tế bào. Những thay đổi có thể bao gồm sự mất cân bằng về nồng độ chất dẫn truyền thần kinh hoặc tổn thương thực thể các tế bào thần kinh. 

 

4. Nguyên nhân trầm cảm do căng thẳng stress kéo dài

Đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống như: Thất nghiệp, thất tình, bệnh tật, sự chia ly, bạo lực… mỗi cá nhân sẽ có những phản ứng và khả năng thích nghi khác nhau. Mặc dù không phải tất cả ai đối mặt với những căng thẳng này đều mắc rối loạn tâm thần, nhưng trên thực tế có nhiều người không thể vượt qua và đó có thể là khởi nguồn của trầm cảm.

Cấu tạo gen ảnh hưởng đến phản ứng thích nghi và đáp ứng của bạn với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Khi yếu tố di truyền và các tình huống căng thẳng kết hợp với nhau hoàn toàn có thể dẫn đến trầm cảm.

Căng thẳng kéo dài cũng dẫn đến hàng loạt sự thay đổi về sinh lý cơ thể gây nên những rối loạn chức năng của cơ quan. Nó gây ra một chuỗi các phản ứng và phản ứng hóa học trong cơ thể. Nếu tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian ngắn, cơ thể có thể ít bị ảnh hưởng và dễ dàng trở lại trạng thái bình thường hơn. Nhưng nếu căng thẳng kéo dài, mức độ căng thẳng cao, những thay đổi trong cơ thể và não bộ có thể bị rối loạn và dẫn đến các cơ chế bệnh sinh trầm cảm.

 

5. Tác dụng phụ của thuốc 

Có thể nói, các loại thuốc tác động đến nồng độ các chất hóa học trong não theo một cách nào đó có thể dẫn đến chứng trầm cảm.Ví dụ:

  • Thuốc isotretinoin được kê đơn để điều trị mụn trứng cá, đôi khi cũng gây trầm cảm.
  • Thuốc chống co giật: Thuốc chống co giật được sử dụng để kiểm soát các cơn động kinh, ví dụ như ethosuximide và methsuximide.
  • Thuốc an thần: Đây là một nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương làm chậm chức năng não. Những loại thuốc này đã được sử dụng để điều trị lo lắng và ngăn ngừa cơn động kinh. Tuy nhiên, thường bị lạm dụng, ví dụ là phenobarbital và secobarbital.
  • Benzodiazepines: Nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương này thường được dùng để điều trị chứng lo âu , mất ngủ và thư giãn cơ bắp.
  • Thuốc chẹn beta: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị các vấn đề về tim khác nhau, bao gồm huyết áp cao, suy tim, đau ngực do đau thắt ngực và một số nhịp tim bất thường. 
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm này thuốc làm chậm nhịp tim và làm giãn huyết mạch để điều trị bệnh cao huyết áp, đau ngực, suy tim sung huyết, và nhịp tim bất thường.
  • Interferon alfa: Thuốc này được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư cũng như viêm gan B và C.
  • NuvaRing với ethinyl estradiol / etonogestrel: Đây là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát sinh sản.
  • Thuốc gây nghiện: Nhóm ma tuý này được sử dụng để giảm đau từ trung bình đến nặng. Những loại thuốc này có khả năng bị lạm dụng và gây nghiện cao; ví dụ bao gồm spirin/oxycodone,  codeine,  meperidine,  morphine và oxycodone.
  • Statin: Những loại thuốc này được sử dụng để giảm cholesterol, bảo vệ khỏi tổn thương do bệnh mạch vành và ngăn ngừa các cơn đau tim.  
  • Varenicline (Chantix ): Một loại thuốc kê toa để cai hút thuốc.
  • Acyclovir (Zovirax ): Các bác sĩ kê đơn loại thuốc này để điều trị bệnh zona và mụn rộp.

6. Trầm cảm do các vấn đề về sức khỏe

Có nhiều bệnh lý thực thể có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần. Theo nhiều số liệu thống kê, bệnh tật và thuốc điều trị chiếm 10-15% nguyên nhân gây trầm cảm.

  • Suy giáp là tình trạng cơ thể sản xuất quá ít hormone tuyến giáp, thường dẫn đến kiệt sức và trầm cảm.
  • Bệnh lý tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ não… là những bệnh lý nguy cơ cao có thể gây ra trầm cảm ở người bệnh. 
  • Các tình trạng y tế sau đây cũng có liên quan đến trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác: Các tình trạng thần kinh thoái hóa (bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và bệnh Huntington), một số thiếu hụt dinh dưỡng (thiếu vitamin B12), các rối loạn nội tiết khác (bệnh tuyến cận giáp hoặc tuyến thượng thận…), một số bệnh hệ thống miễn dịch (lupus, viêm khớp dạng thấp…), một số vi rút và những bệnh nhiễm trùng khác (Covid -19, viêm gan và HIV…), bệnh ung thư, mất ngủ, rối loạn cương dương, suy giảm khả năng tình dục, lãnh cảm nữ giới, mãn kinh….

Các bệnh lý của cơ thể có thể là nguyên nhân gây trầm cảm, đồng thời trầm cảm cũng thể xuất hiện trước khi cơ thể bị bệnh thật sự. 

 

7. Lạm dụng các thiết bị giải trí điện tử

Nghiện chơi điện tử, nghiện facebook, nghiện tiktok… khiến con người chìm đắm trong thế giới ảo và làm giảm thời gian tương tác giữa người với người trong thế giới thực tại. Điều này dẫn đến rất nhiều vấn đề về rối loạn tâm lý, trong đó có trầm cảm.  

Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động qua lại lẫn nhau. 7 yếu tố kể trên chỉ là những nguyên nhân phổ biến đại diện cho vô vàn các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ khiến một người rơi vào trạng thái trầm cảm. Việc thường xuyên rèn luyện bản thân, tăng cường giao lưu trực tiếp và thực hiện lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta mau chóng thoát khỏi những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, từ đó làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top