Nồng độ chì cho phép trong cơ thể người là dưới 10 mcg/dL nhưng trên thực tế, hàm lượng chì trung bình của người Việt Nam là 20 mcg/dL, tức gấp đôi hàm lượng chì cho phép tồn tại trong cơ thể.
Tình trạng nhiễm chì cao trong cơ thể của người Việt một phần là do ô nhiễm chì có trong không khí, trong nước uống và một phần do con người trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.
Chì tích lũy lâu dài ở trong cơ thể (đặc biệt ở trong xương) và thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể qua nhiều thập kỷ. Đáng lo ngại khi có rất nhiều tác nhân gây ra nhiễm độc chì xung quanh chúng ta. Cụ thể:
- Do đất, nước, không khí bị nhiễm chì
- Do dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn). Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc, đặc biệt ở trẻ em được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
- Do thực phẩm bị ô nhiễm, các vật dụng đóng gói (đồ hộp có chất hàn gắn sử dụng chì), bát đĩa in hoa văn,…
- Nhiều nghề nghiệp có nguy cơ bị ngộ độc chì, như sản xuất, tái chế, sửa chữa ắc quy, nung, nấu hoặc tinh chế chì (như ở Hưng Yên).
- Đồ chơi có sơn chì, đạn chì…
- Mỹ phẩm, nhất là son.
Nhiễm độc chì là một cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Song nhiều người chủ quan khi chưa nhìn thấy hậu quả từ việc này, tức là khi cơ thể chưa phát bệnh, nên trì hoãn chữa trị, hoặc bỏ dở điều trị. Thực tế, thải được nồng độ chì trong cơ thể không đơn giản, càng để lâu, càng nguy hại cho sức khỏe.
Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì hơn cả vì mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và lâu hơn ở người lớn.
Nhiễm độc chì khiến trẻ có những bất thường về thể lực và trí tuệ, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, chậm phát triển chiều cao, viêm gan. Nếu bị nặng, có thể bị liệt cơ, thiếu máu, co giật và hôn mê. Khi đã nhiễm, chì tồn tại rất lâu dài, thậm chí suốt đời, nên thải độc chì cũng đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Chi phí để tẩy độc chì hiện khá cao, khoảng 240 triệu đồng/ca với gần 20 lần điều trị trong 2 năm liền. Chỉ riêng xét nghiệm kiểm tra độc chì đã phải chi phí khoảng 10 triệu đồng/người.
Nếu chì gây ngộ độc rõ ràng ở trẻ, chúng sẽ gặp các triệu chứng như hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật), 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn. Ngoài ra, trẻ bị đau bụng, chán ăn, thiếu máu.
Tuy nhiên, bác sĩ cho hay đa số trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng và xét nghiệm. Đây là một điều đáng lo ngại vì chì ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Còn với người lớn, biểu hiện nhiễm độc chì như lơ mơ, lẫn lộn, sảng, dễ buồn ngủ, mất ngủ, hôn mê, co giật, đau đầu, mất trí nhớ, liệt. Miệng có vị kim loại, chán ăn, táo bón, cơn đau bụng, đau cơ, yếu cơ, đau khớp, thiếu máu. Đặc biệt, chì làm giảm tình dục, giảm khả năng sinh đẻ, dễ sảy thai, đẻ non, chậm phát triển thai, dị dạng thai cho người đang trong độ tuổi sinh sản.
Khi bị ngộ độc mạn tính, người bệnh sẽ có biểu hiện ở nhiều cơ quan với nồng độ chì trong máu khác nhau song thường chỉ được phát hiện khi xét nghiệm và khám chuyên khoa.
Do đó, khi chúng ta có bất kỳ tiếp xúc nào với các nguồn chì nêu trên và nghi ngờ bị ngộ độc thì cần đi khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về việc tiếp xúc với các nguồn chì, thời gian tiếp xúc, mức độ tiếp xúc, nguồn gốc của chì, các biểu hiện bất thường. Người bệnh sẽ được khám và có thể làm các xét nghiệm cần thiết.
Trong đó, xét nghiệm chì máu (lấy máu tĩnh mạch) là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán xác định bị ngộ độc chì hay không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh