Trầm cảm là bệnh tâm thần phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, cách suy nghĩ và hành động của người mắc. Đặc trưng của trầm cảm là sự xuất hiện cảm giác buồn bã hoặc suy giảm hứng thú với cuộc sống trong một thời gian dài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh trầm cảm là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của trung bình 850.000 người mỗi năm.
Những con số thống kê về trầm cảm đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, có hơn một nửa người bệnh không biết hoặc một mực chối bỏ mình bị trầm cảm. Đối với bệnh trầm cảm thông thường, bạn cần dựa vào ít nhất một trong hai triệu chứng cốt lõi, đó là:
- Tâm trạng buồn bã, trầm uất, luôn bi quan trước mọi việc.
- Mất động lực, suy giảm hứng thú ngay cả những hoạt động yêu thích trước đây.
Ngoài 2 triệu chứng chính trên, bệnh trầm cảm còn bao gồm 7 triệu chứng liên quan, đó là:
- Rối loạn giấc ngủ.
- Đau đầu, đau nhức toàn thân.
- Dễ bị kích động.
- Cảm giác tội lỗi, thất vọng.
- Mệt mỏi, kiệt sức.
- Khó khăn trong việc tập trung.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử.
Tuy nhiên, đối với dạng trầm cảm ẩn, việc chẩn đoán lại càng khó khăn hơn, do triệu chứng dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, rối loạn tiêu hóa, suy nhược cơ thể,... Thậm chí, chỉ khi đến chuyên khoa tâm thần mới biết bản thân bị trầm cảm.
Trầm cảm xuất hiện và dần trở thành bóng đen tâm lý, gây ra nỗi lo sợ, ám ảnh đối với nhiều người. Theo các chuyên gia, nguyên nhân điển hình dẫn đến trầm cảm bao gồm:
Di truyền
Trong số các trường hợp được chẩn đoán mắc trầm cảm, 60% do môi trường tác động, 40% còn lại là do gen di truyền. Những người có cha mẹ, anh chị em ruột từng bị trầm cảm sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với người bình thường.
Thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, có liên kết phức tạp với tâm trạng, hoạt động thần kinh và khả năng xử lý căng thẳng. Sự thiếu hụt serotonin là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trầm cảm.
Rối loạn hormone
Lượng hormone nhất định có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khiến bạn rơi vào trầm cảm. Ở phụ nữ, sự biến đổi của hormone trước hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra tâm lý tiêu cực, thường gặp nhất là chứng trầm cảm sau sinh.
Chấn thương tâm lý
Những chấn thương tâm lý, cú sốc trong quá khứ là lý do dẫn đến trầm cảm. Điều này đặc biệt đúng với người đã trải qua sự kiện ám ảnh, sợ hãi trong tuổi thơ. Khi bộ não gặp chấn động ở thời kỳ phát triển, nó không còn linh hoạt để đối phó với các vấn đề gây căng thẳng trong tương lai.
Những áp lực công việc, gia đình, xã hội khiến nhiều người rơi vào tâm trạng bế tắc, ức chế lâu ngày dẫn đến trầm cảm. Bệnh không xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, cụ thể như:
Mất tập trung
Người trầm cảm thường xuất hiện các rối loạn suy nghĩ, tư duy, khiến họ không thể tập trung cho bất kỳ vấn đề gì, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, học tập.
Ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội
Người trầm cảm luôn có xu hướng sống khép kín, không chủ động giao tiếp và tìm kiếm mối quan hệ mới để phát triển bản thân. Từ đó, họ tự cô lập mình trong vỏ bọc, khiến bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Gia tăng các tệ nạn
Có tới gần 1/3 số người trầm cảm thường tìm đến bia rượu, các chất kích thích để giải tỏa căng thẳng, quên đi nỗi buồn. Lâu dần, gây ra hội chứng nghiện chất kích thích, cản trở quá trình xử lý bệnh, làm gia tăng các vấn đề phức tạp trong xã hội.
Tự tử
Ước tính, trên toàn cầu có khoảng gần 3000 người tự tử mỗi ngày và 70% trong số đó liên quan đến trầm cảm. Nguyên nhân dẫn tới tự sát là do người trầm cảm muốn giải thoát sự đau khổ trong cuộc sống thực tại.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh