Tác dụng thanh nhiệt, giái khát nhờ quả sấu

Quả sấu và mùa hè

Trong cuốn sách Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam đã mô tả cây sấu có tên khoa học là Drancontomelum duperreanum Pierre, thuộc họ Đào lộn hột (Amacardiaceae). Cây to có thể cao tới 30m hay hơn nữa. Lá kép lông chim lẻ, mọc cách. Hoa mọc thành xim, hoa đều, lưỡng tính có 5 lá dài, 5 cánh, 10 nhị, 5 lá noãn làm thành một bầu 5 ô với 5 vòi nhụy.

Quả sấu có vị chua thanh mát được thu hái vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9. Trong quả sấu chín có 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protit, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 44mg% Phospho, vết sắt và 3mg% vitamin C.

Quả sấu có rất nhiều công dụng trong bữa ăn hàng ngày cũng như làm vị thuốc. Đông y cho rằng quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…

 

Món ăn với quả sấu có tác dụng thanh nhiệt giải khát 

Nước canh rau muống, rau dền dầm sấu là món ăn khoái khẩu vào những ngày hè nóng nực, có vị thơm, chua dịu mát của sấu và tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích tiêu hóa.

Mùa hè quả sấu tươi thường được sử dụng nấu canh chua với thịt nạc băm, canh sườn chua, canh thịt bò, canh cá. Hoặc dùng om với thịt vịt vừa ngon miệng vừa giải độc, thanh nhiệt.

Bạn có thể giữ đông lạnh quả sấu xanh để dùng quanh năm với các món canh nấu chua trong mùa đông tạo vị thanh, giảm nóng trong rất hiệu quả.

Quả sấu dầm với gừng, đường, ớt và chút nước mắm ngon sẽ kích thích vị giác, làm bữa ăn ngon miệng hơn, đồng thời lại có tác dụng tiêu thực.

Quả sấu chín ăn ngay với chút muối ớt như một món quà vặt hấp dẫn của các cô bé nhưng lại có tác dụng giải khát rất tuyệt vời.

Nước sấu ngâm đường và thêm chút gừng, vài viên đá sẽ là đồ uống thơm mát giải nhiệt cho mùa hè oi bức.

Ô mai sấu, mứt sấu đặc biệt ngon như một đặc sản khó quên của đất Hà thành.

 

Chữa bệnh bằng quả sấu, hoa sấu...Tại sao không?

Bên cạnh các món ăn ngon thanh mát, quả sấu, hoa sấu còn được dùng để chữa bệnh hiệu quả:

Trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng: lấy quả sấu chín dầm đường hoặc muối ăn ngay trong ngày. Hoặc lấy từ 4 – 6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu khô hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền.

Trị nôn nghén cho phụ nữ mang thai: Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn cũng chóng lành. Hoặc dùng quả sấu xanh ngâm đường uống cùng giúp giảm nôn nghén, tuy nhiên không nên uống nhiều vì có thể gây tăng đường huyết cho bà bầu.  

Chữa ho: Có nhiều cách dùng quả sấu chữa ho như sau:

Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3 – 5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.

Hoặc cùi sấu tươi 25g sắc với 250ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày.

Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2 – 3 lần uống trong ngày.

Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.

Tăng cường tiêu hóa: Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn ngay.

Chữa say rượu: Dùng 4 – 6g cùi quả sấu khô sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống. Hoặc dùng nước sấu ngâm đường và gừng để uống rất có hiệu quả.

Trị mụn nhọt, lở ngứa: Dùng lá ấu tươi đun nước tắm rửa hoặc lá sấu rửa sạch, giã nát, bọc bằng băng gạc sạch đắp lên vết mụn. 

 

Những người không nên ăn quả sấu và uống nước sấu

Quả sấu tươi thường có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi hoặc các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Bạn cũng không nên ăn sấu khi đang đói vì sẽ làm bạn cồn cào trong bụng và hại dạ dày.

Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng quả sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

Mùa hè chúng ta thường ngâm sấu làm nước giải khát. Tuy nhiên sấu được ngâm với rất nhiều đường nên nếu uống nhiều và trong nhiều ngày cũng không tốt cho sức khỏe vì có thể gây tăng đường huyết dẫn tói nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch... 

 

Lựa chọn, bảo quản và chế biến quả sấu

Nên chọn loại quả bánh tẻ vừa già tới, màu xanh thẫm, cùi dày, vỏ hơi sần. Không nên chọn những quả bầm dập, quả sấu non (vỏ xanh mượt, hạt mềm) hay quả quá già (hạt to, thịt sấu mỏng, chỉ gần gọt quả vỏ cũng đã vào gần đến hạt).

Để dự trữ sấu ăn quanh năm, bạn cần bảo quản sấu trong ngăn đá tủ lạnh. Chọn những quả sấu bánh tẻ, rửa, gọt vỏ và rửa sạch, để ráo nước rồi chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ vừa với một lần nấu, để vào ngăn đá tủ lạnh có thể sử dụng hàng năm.

Nếu bạn ngâm sấu làm nước sấu, sau khi chọn được những quả tốt nhất, lấy dao bổ quả sấu tách cùi và hạt ra rồi cho vào ngâm với nước vôi trong hoặc nước pha phèn chua. Ngâm vừa đủ tới thì cùi sấu trắng, dòn khi đem ngâm xong vẫn giữ được hương vị thơm và chua. Vớt ra rửa qua nước sạch, để khô ráo rồi đổ vào lọ. Cứ mỗi một lớp sấu lại rắc lên một lớp muối hoặc lớp đường mỏng rồi đậy kín nắp và đem cất vào nơi khô mát. Sau khoảng nửa tháng là có thể đem ra dùng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top