✴️ Phân loại và chẩn đoán các loại đau đầu (P2)

Nội dung

2.2. Đau nửa đầu (Migraine)

Chứng đau nửa đầu là những cơn đau đầu thường kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng.

2.2.1. Ai thường mắc chứng đau nửa đầu?

Tổ chức quốc gia nghiên cứu về các bệnh đau đầu ước tính rằng 28 triệu người Mỹ mắc chứng đau nửa đầu. Phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới và một phần tư số phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu thường có từ bốn cơn đau trở lên trong một tháng, 35% trải qua từ 1-4 cơn đau một tháng, và 40% trải qua một hoặc ít hơn một cơn đau đầu nghiêm trọng một tháng. Mỗi cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ bốn giờ đến ba ngày. Thỉnh thoảng, nó sẽ kéo dài hơn.

2.2.2. Nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu?

Các nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu chưa được xác định rõ mặc dù chúng có liên quan đến những thay đổi trong não bộ cũng như nguyên nhân di truyền. Những người mắc chứng đau nửa đầu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng do cơn đau nửa đầu gây ra, chẳng hạn như mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng chói, thay đổi thời tiết, và những triệu chứng khác.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học tin rằng chứng đau nửa đầu là sự liên kết giữa việc giãn nở và co thắt các mạch máu trên bề mặt của não. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học tin rằng chứng đau nửa đầu là do những di truyền bất thường trong một số khu vực của não.

Trong não sẽ có một khu vực là trung tâm gây ra những cơn đau nửa đầu hay có thể ví như là một cái máy phát điện. Một cơn đau nửa đầu bắt đầu khi các tế bào thần kinh hoạt động quá mức tạo ra các xung thần kinh, gây ra sự kiểm soát hoặc co thắt các mạch máu, tiếp theo đó là sự giãn nở (mở rộng) và giải phóng prostaglandin (hoạt chất gây ra sự co giãn cơ bắp và co thắt các mạch máu), serotonin (chất truyền thần kinh monoamine, chủ yếu được tìm thấy trong đường tiêu hóa và hệ thống thần kinh trung ương), và các chất viêm nhiễm khác gây ra những xung động ảnh hưởng tới cơn đau.

2.2.3. Điều gì gây ra một cơn đau nửa đầu?

Nhiều cơn đau nửa đầu dường như được gây ra bởi các yếu tố bên ngoài. Những yếu tố đó bao gồm:

+Căng thẳng cảm xúc. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đau nửa đầu. Những người mắc chứng đau nửa đầu thường hay bị ảnh hưởng bởi những biến cố căng thẳng. Trong quá trình xảy ra căng thẳng, một số hóa chất trong não được giải phóng để chống lại tình trạng hiện tại (được gọi là phản ứng làm chuyển hướng hay chống lại tình trạng hiện tại). Việc giải phóng các hóa chất này có thể kích thích sự thay đổi mạch máu, gây ra chứng đau nửa đầu. Những cảm xúc bị dồn nén khi căng thẳng, chẳng hạn như lo lắng, hồi hộp, hứng thú, và mệt mỏi có thể làm gia tăng sự co cơ.Bên cạnh đó sự co giãn mạch máu có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu.

+ Nhạy cảm với các chất hóa học và chất bảo quản trong thực phẩm. Một số thức ăn và đồ uống, chẳng hạn như pho-mát, đồ uống có cồn và các chất phụ gia thực phẩm như muối nitrat (có trong ớt pepperoni, xúc xích, thịt ăn trưa) và bột ngọt (MSG, thường được tìm thấy trong thực phẩm Trung Quốc) có thể kích hoạt cơn đau tăng đến 30%.

+ Caffeine. Sử dụng quá nhiều caffeine hoặc từ bỏ các chất caffeine, làm cho mức độ caffeine giảm xuống đột ngột có thể gây ra đau đầu. Các mạch máu dường như trở nên nhạy cảm với caffeine, và khi caffeine không được tiêu hóa, có thể xảy ra một cơn đau đầu. Chính caffeine cũng rất hữu ích trong việc điều trị những cơn đau nửa đầu cấp tính.

Điều kiện thời tiết thay đổi. Bão, sự thay đổi áp suất khí quyển, gió mạnh, hoặc thay đổi về độ cao có thể gây ra chứng đau nửa đầu.

Chu kỳ kinh nguyệt.

Mệt mỏi

Bỏ bữa.

+ Những thay đổi trong giấc ngủ bình thường.

2.2.4. Chứng đau nửa đầu và những tình trạng liên quan

Một số tình trạng y tế thường liên quan đến chứng đau nửa đầu bao gồm:
+Hen suyễn.

+ Hội chứng mệt mỏi mạn tính.

+ Cao huyết áp.

+ Hiện tượng Raynaud (xảy ra khi các mạch máu thu hẹp làm cho các ngón tay có cảm giác đau và bị đổi màu).

+ Đột quỵ.

+ Rối loạn giấc ngủ.

2.2.5. Đau nửa đầu có phải là bệnh di truyền hay không?

Đúng vậy, đau nửa đầu có xu hướng di truyền. Cứ 5 người mắc chứng đau nửa đầu thì có 4 người có tiền sử gia đình mắc căn bệnh này. Nếu bố hoặc mẹ có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu, đứa trẻ sẽ có 50% nguy cơ mắc căn bệnh này, và nếu cả bố mẹ đều có tiền sử đau nửa đầu, thì nguy cơ này có thể tăng đến 75%.

2.2.6. Các triệu chứng đau nửa đầu là gì?

Các triệu chứng của đau nửa đầu có thể xảy ra cùng với các triệu chứng khác và bao gồm:

+ Một cơn đau nhói hoặc đập mạnh thường bắt đầu bằng một cơn đau âm ỉ và phát triển thành một cơn đau nhói. Cơn đau thường trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất. Cơn đau có thể di chuyển từ bên này đến bên khác, có thể ảnh hưởng đến mặt trước đầu hoặc cảm giác như toàn bộ đầu.

+ Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi hôi.

+ Buồn nôn và nôn mửa, đau bao tử, đau bụng.

+ Chán ăn.

+ Cảm thấy rất nóng hoặc lạnh.

+ Da nhợt nhạt.

+ Mệt mỏi.

+ Chóng mặt.

+ Thị lực giảm sút.

+ Tiêu chảy.

+ Sốt (hiếm gặp).

Hầu hết những cơn đau nửa đầu kéo dài khoảng 4 tiếng, mặc dù những cơn đau nghiêm trọng có thể kéo dài đến một tuần. Tần số mắc chứng đau nửa đầu thường thay đổi theo từng cá nhân. Một người mắc chứng đau nửa đầu thường có từ 2 đến 4 cơn đau trong một tháng. Tuy nhiên một số người có thể cứ vài ngày lại đau đầu một lần, trong khi những người khác chỉ có một hoặc hai cơn đau đầu một năm.

2.2.7. Các loại đau nửa đầu

Các triệu chứng của một cơn đau nửa đầu được sử dụng để mô tả hai loại đau nửa đầu.
+ Đau nửa đầu cùng với sự xuất hiện các triệu chứng tiền triệu (còn được gọi là chứng đau nửa đầu "cổ điển").

+ Đau nửa đầu không xuất hiện triệu chứng tiền triệu (còn được gọi là đau nửa đầu "phổ biến").

Tiền triệu là một dấu hiệu sinh lý cảnh báo một cơn đau nửa đầu sắp bắt đầu. Khoảng 20% -30% những người mắc chứng đau nửa đầu thường xuất hiện tiền triệu . Tiền triệu có thể xuất hiện một giờ trước khi cơn đau xuất hiện và kéo dài từ 15 đến 60 phút. Các triệu chứng luôn kéo dài trong vòng ít hơn một giờ. Những dấu hiệu tiền triệu có liên quan đến vấn đề thị lực bao gồm:

+ Xuất hiện những chấm sáng hoặc ánh đèn nhấp nháy.

+ Xuất hiện những điểm mù.

+ Thị lực biến dạng.

+ Mất thị lực tạm thời.

+ Xuất hiện những đường lượn sóng hoặc răng cưa.

Ngoài ra một số triệu chứng tiền triệu có thể ảnh hưởng đến các giác quan khác. Các triệu chứng tiền triệu có thể được mô tả đơn giản như là có một "cảm giác hưng phấn", hoặc nhìn thấy những người khác xuất hiện hào quang. Những triệu chứng tiền triệu khác có thể bao gồm ù tai (tinnitis), hoặc có những thay đổi về thính giác (chẳng hạn như mùi lạ), vị giác hoặc xúc giác.

Những triệu chứng đau nửa đầu hiếm gặp bao gồm các triệu chứng tiền triệu ảnh hưởng đến thần kinh:

+ Chứng đau nửa đầu liệt nửa người. Tê liệt tạm thời (liệt nửa người) hoặc có sự thay đổi thần kinh cảm giác ở một bên cơ thể (chẳng hạn như làm yếu cơ). Việc xuất hiện một cơn đau đầu có thể kèm theo các triệu chứng như tê liệt tạm thời, chóng mặt, hoặc những thay đổi về thị lực. Những triệu chứng này cần phải được phân biệt với một cơn đột quỵ.

+ Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến võng mạc. Mắt bị ảnh hưởng có thể mất thị lực tạm thời, một phần hoặc hoàn toàn, kèm theo đó là một cơn đau âm ỉ phía sau mắt và có thể lan sang những nơi khác.

+ Đau nửa đầu ảnh hưởng đến động mạch nền. Những triệu chứng như chóng mặt, lú lẫn, mất thăng bằng có thể xuất hiện trước mỗi cơn đau. Cơn đau có thể ảnh hưởng đến phía sau đầu. Những triệu chứng này thường xảy ra đột ngột và có thể kèm theo các triệu chứng khác như mất khả năng diễn tả chính xác, ù tai và nôn mửa. Đây là chứng đau nửa đầu có liên quan đến việc thay đổi hoóc môn và ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ trẻ.

+ Đau nửa đầu gây ra những triệu chứng suy nhược cơ thể. Đây là loại đau nửa đầu hiếm gặp và thường rất nghiêm trọng. Những cơn đau nửa đầu loại này có thể kéo dài từ 72 giờ trở lên. Nó có thể gây ra những cơn đau đầu và cảm giác buồn nôn rất dữ dội khiến cho những người mắc phải cần được nhập viện ngay lập tức. Việc sử dụng một số loại thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc một cách đột ngột có thể gây ra hội chứng đau nửa đầu kiểu này.

Những cơn đau nửa đầu gây ra triệu chứng liệt cơ mắt. Những cơn đau xung quanh mắt bao gồm cả những triệu chứng gây tê liệt các cơ xung quanh mắt. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, bởi vì các triệu chứng cũng có thể được gây ra do bởi sức ép lên các dây thần kinh đằng sau mắt hoặc chứng phình động mạch. Các triệu chứng khác của chứng đau nửa đầu suy nhược bao gồm sụp mí mắt, triệu chứng song thị hoặc thị lực thay đổi. Rất may đây là một dạng hiếm của chứng đau nửa đầu.

Chứng đau nửa đầu không xuất hiện các triệu chứng tiền triệu thì phổ biến hơn, xảy ra ở 80% -85% người mắc chứng đau nửa đầu. Vài giờ trước khi cơn đau khởi phát, ta có thể trải qua các triệu chứng mơ hồ như:

+ Lo lắng.

+ Trầm cảm.

+ Mệt mỏi hoặc chán nản.

2.2.8. Đau nửa đầu có thể điều trị như thế nào?

Không có cách chữa chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc có thể dùng để điều trị hoặc thậm chí ngăn ngừa căn bệnh này. Một số người cũng có thể làm giảm mức độ đau nửa đầu bằng cách xác định và tránh những nguyên nhân gây nên cơn đau như uống rượu vang đỏ hoặc ngủ quá ít (xem phần nguyên nhân ở trên).
Thuốc giảm đau. Những loại thuốc được mua trực tiếp tại các hiệu thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả đối với những người mắc chứng đau nửa đầu. Các thành phần chính trong thuốc giảm đau là ibuprofen (có trong Motrin), aspirin, acetaminophen (có trong Tylenol) và caffeine. Tuy nhiên chúng ta phải thận trọng khi sử dụng những loại thuốc này vì chúng có thể làm cho cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn. Việc sử dụng thuốc quá nhiều cũng có thể gây ra những cơn đau đầu phục hồi hoặc một số vấn đề khác. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu như phải sử dụng những loại thuốc giảm đau này hơn 3 lần 1 tuần hoặc sử dụng hàng ngày. Bác sĩ có thể kê cho bạn những toa thuốc hiệu quả hơn.

Thuốc chống buồn nôn. Bác sĩ có thể kê toa để làm giảm cơn buồn nôn, đây là triệu chứng thường đi kèm với chứng đau nửa đầu.

Những loại thuốc ngăn chặn đau nửa đầu. Một số loại thuốc đặc biệt có thể ngăn chặn quá trình xuất hiện các cơn đau nửa đầu nếu được sử dụng khi có những dấu hiệu đầu tiên. Những loại thuốc này cũng có thể làm giảm cơn đau. Bằng cách ngăn chặn quá trình xảy ra các cơn đau đầu, những loại thuốc này cũng giúp ngăn ngừa các triệu chứng của chứng đau nửa đầu như buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng,… Thuốc hoạt động bằng cách co thắt các mạch máu, làm cho chúng hoạt động bình thường, và giảm những cơn đau nhói.

Thuốc phòng ngừa (thuốc dự phòng). Khi những cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng, xảy ra nhiều hơn hai hoặc ba lần một tháng và có những ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bình thường, bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc phòng ngừa. Thuốc phòng ngừa có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những cơn đau đầu. Tuy nhiên chúng ta phải sử dụng những loại thuốc này thường xuyên và cơ bản là hằng ngày.

Phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học giúp mọi người biết được những tình huống căng thẳng gây ra chứng đau nửa đầu. Nếu cơn đau nửa đầu bắt đầu từ từ, nhiều người có thể sử dụng phản hồi sinh học để ngăn chặn cuộc tấn công trước khi nó trở nên toàn diện.

Tất cả những phương pháp điều trị nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn của một chuyên gia về đau đầu hoặc một bác sĩ quen với các phương pháp điều trị đau nửa đầu. Đối với sử dụng thuốc, điều quan trọng là phải làm theo đúng hướng dẫn sử dụng hoặc lời khuyên của bác sĩ.

2.2.9. Đau nửa đầu có thể phòng ngừa được không?

Có, chứng đau nửa đầu có thể phòng ngừa. Bạn có thể làm giảm tần suất các cơn đau nửa đầu bằng cách xác định và tránh những nguyên nhân gây nên chúng. Bạn có thể theo dõi các cơn đau đầu của bạn và xác định nguyên nhân bằng cách sử dụng nhật ký đau đầu.

+ Nhớ lại những gì đã ăn trước khi cơn đau đầu xuất hiện. Điều này có thể giúp bạn xác định những loại thực phẩm nào gây ra chứng đau nửa đầu, từ đó có sự thay đổi chế độ ăn uống cần thiết để tránh những nguyên nhân gây ra đau nửa đầu trong tương lai.

+ Cùng với việc thư giãn, việc kiểm soát và có những phương pháp giải quyết căng thẳng một cách hợp lý có thể giúp bạn phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu.

+ Phụ nữ thường mắc chứng đau nửa đầu trong suốt thời kỳ kinh nguyệt. Họ có thể dùng liệu pháp phòng ngừa khi biết chu kỳ của họ sắp đến.

Những người mắc chứng đau nửa đầu cũng có thể ít bị tấn công hơn nếu có chế độ ăn uống hợp lí, thường xuyên và được nghỉ ngơi đầy đủ. Thường xuyên tập thể dục ở mức độ vừa phải cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

2.3. Nhức đầu do viêm xoang

Xoang là các khoang (không gian) chứa đầy khí nằm ở phần trán, xương gò má, và phía sau sống mũi. Các xoang tạo ra các dịch nhầy mỏng chảy ra khỏi các ống mũi. Viêm xoang thường là kết quả của một phản ứng dị ứng, khối u hoặc do nhiễm trùng, viêm sẽ ngăn chặn dòng chảy của chất nhầy và gây ra những cơn đau tương tự như đau đầu.

2.3.1. Những triệu chứng đau đầu do viêm xoang

Đau đầu do viêm xoang thường có liên quan đến những cơn đau sâu và liên tục trong xương gò má, trán, sống mũi. Cơn đau thường tăng lên khi di chuyển đầu đột ngột hoặc căng thẳng. Cơn đau thường kèm theo những triệu chứng viêm xoang khác, chẳng hạn như chảy nước mũi, ù tai, sốt, và sưng mặt.

Cho dù các triệu chứng đau đầu của bạn thực sự là do viêm xoang thì cũng cần có sự xác định của bác sĩ. Nếu cơn đau đầu của bạn thực sự là do bị tắc nghẽn xoang, chẳng hạn như nhiễm trùng, thì bạn có thể sẽ có một cơn sốt. Bạn cần phải chụp CT hoặc MRI cùng với những kiểm tra thể chất để xác định xem xoang của bạn có bị tắc nghẽn không.

2.3.2. Phương pháp điều trị đau đầu do viêm xoang

Phương pháp điều trị đau đầu do viêm xoang thường hướng vào việc làm giảm các triệu chứng và điều trị nhiễm trùng. Việc điều trị nhiễm trùng có thể bao gồm thuốc kháng sinh, cũng như sử dụng các loại thuốc kháng histamine (như Benadryl) hoặc các thuốc thông mũi (như Sudafed) để điều trị các triệu chứng trong một thời gian ngắn. Nếu bạn dùng thuốc thông mũi nhưng cơn đau đầu của bạn không phải là do viêm xoang thì thuốc có thể làm cho cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên đến gặp bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Các loại thuốc khác dùng điều trị nhiễm trùng xoang bao gồm thuốc giảm đau và thuốc co mạch (làm giảm nghẹt mũi). Nếu cơn đau vẫn tiếp tục sau khi sử dụng thuốc giảm đau, ta có thể sử dụng corticosteroids (các hormon thu vỏ tuyến thượng thận) để làm giảm tình trạng viêm. Khi một chất dị ứng gây nhiễm trùng xoang, những liệu pháp điều trị chống dị ứng là biện pháp cần thiết.

Thuốc thông mũi có thể được sử dụng để giảm những cơn đau đầu có liên quan đến nhiễm trùng xoang. Thuốc thông mũi giúp cho các mạch máu được co giãn, làm giảm các triệu chứng đau đầu. Tuy nhiên, sử dụng thuốc thông mũi có thể là một thói quen. Khi sử dụng thuốc thông mũi, bạn cảm thấy rằng cơn đau dường như giảm bớt nhưng nếu bạn không mắc nhiễm trùng xoang, có thể bạn đã mắc chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng, những loại đau đầu này cần có phương pháp điều trị cụ thể.

2.3.3. Dị ứng và chứng đau đầu do viêm xoang

Quan niệm sai lầm cho rằng dị ứng gây ra những cơn đau đầu viêm xoang. Tuy nhiên, dị ứng có thể gây ra tắc nghẽn xoang, dẫn đến những cơn đau đầu. Nếu bạn bị dị ứng, những phương pháp điều trị dị ứng sẽ không thể làm giảm đau đầu. Nhìn chung, hai tình trạng này phải có những phương pháp điều trị riêng. Bạn nên đến gặp bác sĩ để có được những phương pháp điều trị thích hợp.

2.4. Đau đầu do căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là loại phổ biến nhất ở người trưởng thành. Chúng cũng thường được gọi là đau đầu do áp lực.

Một cơn đau đầu do căng thẳng có thể xuất hiện định kỳ ("từng đợt," ít hơn 15 ngày mỗi tháng) hoặc hàng ngày ("mạn tính", nhiều hơn 15 ngày mỗi tháng). Một cơn đau đầu do căng thẳng xảy ra định kì có thể được miêu tả như là những cơn đau liên tục từ mức độ nhẹ đến vừa phải, tạo ra sự căng thẳng hoặc áp lực xung quanh phần trán, phía sau đầu hoặc cổ.

Những cơn đau này có thể kéo dài từ 30 phút đến vài ngày. Đau đầu do căng thẳng xảy ra định kì thường bắt đầu từ từ và xảy ra vào giữa ngày.

"Mức độ nghiêm trọng" của một cơn đau đầu do căng thẳng sẽ tăng lên đáng kể với tần suất của nó. Đau đầu căng thẳng mạn tính có thể xuất hiện và biến mất trong một khoảng thời gian dài. Thường xuất hiện những cơn đau nhói và ảnh hưởng đến mặt trước, phần đỉnh hoặc hai bên đầu. Trong ngày, cơn đau có thể thay đổi cường độ nhưng chúng luôn luôn hiện diện. Đau đầu do căng thẳng mạn tính không ảnh hưởng đến tầm nhìn, cân bằng, hay sức khỏe.

Khi mắc chứng đau đầu do căng thẳng bạn nên tránh những công việc hàng ngày.

2.4.1. Ai có thể mắc chứng đau đầu do căng thẳng?

Khoảng 30% -80% dân số trẻ của Hoa Kỳ thường xuyên mắc chứng đau đầu do căng thẳng, khoảng 3% mắc chứng đau đầu do căng thẳng mạn tính hàng ngày. Phụ nữ có nguy cơ mắc gấp 2 lần so với nam giới.

Đối với những người mắc chứng đau đầu do căng thẳng từng đợt, những cơn đau thường xuất hiện không quá một đến hai lần một tháng, tuy nhiên những cơn đau đầu có thể xảy ra thường xuyên hơn.

Đau đầu do căng thẳng mạn tính có xu hướng phổ biến hơn ở phụ nữ. Những người mắc loại đau đầu này thường có những cơn đau đầu nhiều hơn 60 đến 90 ngày.

2.4.2. Những nguyên nhân nào gây ra đau đầu do căng thẳng?

Không có nguyên nhân cố định nào gây ra đau đầu do căng thẳng. Đây cũng không phải là loại đau đầu do di truyền trong gia đình. Đối với một số người, đau đầu do căng thẳng gây ra bởi các cơ ở phía sau cổ và da đầu bị thắt chặt. Sự căng cơ này có thể được gây ra bởi:

+ Không được nghỉ ngơi đầy đủ.

+ Sai tư thế.

+ Căng thẳng về cảm xúc và tinh thần chẳng hạn như trầm cảm.

+ Lo lắng.

+ Mệt mỏi.

+ Đói.

+ Cố gắng quá sức.

Đối với một số người khác, việc các cơ bị thắt chặt không phải là nguyên nhân gây ra đau đầu do căng thẳng, còn một số nguyên nhân khác vẫn chưa xác định rõ.

Đau đầu do căng thẳng có thể được gây ra bởi một số yếu tố bên trong và bên ngoài. Những căng thẳng phổ biến nhất bao gồm những mối quan hệ gia đình, xã hội, bạn bè, công việc hoặc học tập. Một số ví dụ về căng thẳng như:

+ Có vấn đề trong mối quan hệ với gia đình/ cuộc sống gia đình khó khăn.

+ Khi có con.

+ Không có bạn bè thân thiết.

+ Quay trở lại học tập hoặc công việc, chuẩn bị cho bài kiểm tra hoặc kỳ thi
+ Có một kì nghỉ.

+ Bắt đầu một công việc mới.

+ Mất việc làm.

+ Thừa cân.

+ Thời hạn công việc.

+ Cạnh tranh trong thể thao hoặc các hoạt động khác.

+ Muốn trở thành người cầu toàn.

+ Không ngủ đủ giấc

+ Mở rộng quan hệ quá mức (tham gia nhiều tổ chức hoặc hoạt động).

Đau đầu do căng thẳng xảy ra từng đợt thường được gây ra bởi một tình huống căng thẳng hoặc do những áp lực tích tụ trong thời gian dài. Những áp lực hàng ngày cũng có thể dẫn đến những cơn đau đầu do căng thẳng mạn tính.

2.4.3. Các triệu chứng của đau đầu do căng thẳng là gì?

Những người mắc chứng đau đầu do căng thẳng thường có những triệu chứng này:

+ Có những cơn đau từ nhẹ đến vừa phải hoặc xuất hiện những căng thẳng ảnh hưởng đến phần trước, trên đỉnh hoặc hai bên đầu.

+ Những cơn đau đầu thường xảy ra vào cuối ngày.

+ Khó ngủ và thường không ngủ say.

+ Mệt mỏi kéo dài.

+ Khó chịu.

+ Không thể tập trung

+ Có sự nhạy cảm nhẹ với ánh sáng hay tiếng ồn.

+ Đau các cơ.

Một cơn đau đầu do căng thẳng có thể xuất hiện định kỳ (từng đợt, ít hơn 15 ngày mỗi tháng) hoặc hàng ngày (mạn tính, nhiều hơn 15 ngày mỗi tháng). Những cơn đau đầu do căng thẳng mạn tính có thể thay đổi cường độ trong suốt cả ngày nhưng cơn đau vẫn luôn hiện diện.

Không giống với chứng đau nửa đầu, những cơn đau đầu do căng thẳng thường không có các triệu chứng liên quan đến thần kinh (như yếu cơ hoặc thị lực bị mờ). Ngoài ra, những triệu chứng như nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn, đau bao tử, buồn nôn và nôn mửa thường không liên quan đến những cơn đau đầu do căng thẳng.

2.4.4. Nhức đầu do căng thẳng được điều trị như thế nào?

Mục tiêu của các phương pháp điều trị đau đầu do căng thẳng là để phòng ngừa những cơn đau xuất hiện trong tương lai và giảm cơn đau hiện tại. Những biện pháp phòng ngừa bao gồm:

+ Sử dụng các loại thuốc theo đề nghị của bác sĩ:

+ Thuốc giảm đau.

+ Thuốc giãn cơ.

+ Thuốc chống trầm cảm.

Một số phương pháp khác như:

+ Tránh hoặc hạn chế những nguyên nhân gây ra căng thẳng.

+ Kiểm soát căng thẳng hoặc có phương pháp thư giãn.

+ Phản hồi sinh học.

+ Phương pháp điều trị tại nhà.

+ Điều trị đau đầu.

Phương pháp điều trị đầu tiên được giới thiệu là sử dụng các loại thuốc giảm đau mua trực tiếp tại các hiệu thuốc. Một số loại thuốc giảm đau cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa đau đầu ở những người mắc chứng đau đầu do căng thẳng mạn tính.

Nếu thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ có thể kê cho bạn những loại thuốc giảm đau có cường độ mạnh hơn hoặc những loại thuốc giãn cơ.

Những phương pháp điều trị dự phòng là các loại thuốc được sử dụng để giúp bạn tránh những cơn đau đầu. Những loại thuốc này bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp và thuốc chống động kinh. Chúng được sử dụng hàng ngày ngay cả khi bạn không bị đau đầu, do đó số lượng thuốc mà bạn sử dụng để điều trị đau đầu sẽ giảm xuống.

Hãy ghi nhớ rằng thuốc không chữa khỏi bệnh đau đầu. Theo thời gian, thuốc giảm đau và những loại thuốc khác có thể mất tác dụng của chúng. Ngoài ra, tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Nếu bạn dùng thuốc thường xuyên, kể cả những loại thuốc bạn mua trực tiếp, bạn nên trao đổi với bác sĩ những rủi ro và lợi ích của chúng. Ngoài ra, hãy nhớ rằng thuốc giảm đau không phải là thuốc thay thế giúp bạn phát hiện và điều trị những căng thẳng gây ra cơn đau đầu của bạn.
Bất kể điều trị theo phương pháp nào, đau đầu do căng thẳng tốt nhất nên được điều trị ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ và xuất hiện lần đầu, trước khi chúng trở nên thường xuyên và tồi tệ hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top