✴️ Những điều cần biết về sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là hội chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Khoảng 6% – 10% người trên 60 tuổi gặp phải tình trạng sa sút trí tuệ. Cùng tìm hiểu về hội chứng này ở người lớn tuổi để biết cách nhận biết, có biện pháp xử trí và phòng ngừa hiệu quả.

 

1. Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tình trạng tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là suy giảm nhận thức, trí nhớ, chú ý, định hướng, ngôn ngữ, tri giác, suy luận và khả năng thực hiện các hoạt động.

Hội chứng này thường gặp nhiều nhất ở người lớn tuổi, do nhiều nguyên nhân gây ra. Sa sút trí tuệ được chia ra thành rất nhiều thể khác nhau: thể sa sút trí tuệ thường gặp (bệnh Alzheimer và Lewy chiếm 50-75%; sa sút trí tuệ do mạch máu chiếm 15-20%), thể sa sút trí tuệ ít gặp, thể sa sút trí tuệ tiến triển nhanh. Mỗi thể lại bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau.

 

2. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:

– Do bệnh Alzheimer

– Do chấn thương sọ não hoặc rối loạn thần kinh

– Do bệnh lý viêm não, xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim

– Do tình trạng rối loạn nội tiết như đái tháo đường, suy giáp…

– Do lạm dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc không hợp lý

– Bệnh lý mạch máu não

– Trầm cảm

– Cường giáp,…

Người bị sa sút trí tuệ cần được chăm sóc kỹ lưỡng, đòi hỏi nhiều công sức của thân nhân

 

3. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ ở người trẻ thường khó nhận biết hơn so với người già do thể trạng sức khỏe còn tốt. Tuy nhiên đối với người cao tuổi, triệu chứng của sa sút trí tuệ biểu hiện rõ ràng như:

– Trí nhớ bị suy giảm, ở những giai đoạn đầu thường là suy giảm trí nhớ ngắn hạn

– Giảm khả năng nhận thức về thời gian, không gian

– Có biểu hiện khó tìm từ khi nói, nói sai, viết sai

– Không nhận ra người thân quen, các đồ vật quen thuộc và có thể nhận nhầm

– Khó vệ sinh cá nhân, ăn uống

– Ngại tiếp xúc với mọi người, thu mình vào công việc và xã hội

– Giảm khả năng tính toán, sáng tạo, không có khả năng đưa ra quyết định hay lập kế hoạch

– Thay đổi nhân cách, tự cho mình là trung tâm, rất dễ kích động và bệnh tăng nặng thêm khi bị kích động bằng lời nói.

Người bệnh khi xuất hiện các triệu chứng này thì cần thăm khám ngay tại các chuyên khoa thần kinh để được điều trị kịp thời

 

4. Chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

4.1. Dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, các bác sĩ sẽ nhận diện thông qua 2 tiêu chuẩn đó là suy giảm nhận thức và rối loạn nhận thức:

– Suy giảm nhận thức: Người bệnh sẽ được thực hiện các bài kiểm tra đánh giá tình trạng sa sút trí tuệ bằng các trắc nghiệm đọc xuôi, đọc ngược dãy số. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được nghe 3 từ, sau khoảng 5 phút sẽ yêu cầu nhắc lại. Hoặc có thể kiểm tra trí nhớ của người bệnh bằng cách cho xem 3 đồ vật, sau đó cất đi rồi yêu cầu bệnh nhân đọc lại. Một vài trường hợp còn áp dụng bài kiểm tra bằng cách cho bệnh nhân nghe một đoạn văn và sau đó yêu cầu kể lại.

Đối với trường hợp kiểm tra trí nhớ dài hạn, bác sĩ có thể hỏi người bệnh các câu hỏi về quá khứ của người bệnh và nhờ người thân kiểm chứng.

– Rối loạn nhận thức: Rối loạn nhận thức ở người bị sa sút trí tuệ thường được kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh nói được càng nhiều tên con vật càng tốt. Những người bệnh Alzheimer sẽ không nói được quá 10 tên con vật và thường có sự trùng lặp trong câu trả lời.

4.2. Dựa vào tiền sử sa sút trí tuệ

Cần tìm hiểu kỹ tiền sử của bệnh về các thông tin như bệnh án, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm, các bài test đánh giá sa sút trí tuệ…

Ngoài ra, cũng cần xác minh các triệu chứng của người bệnh là cấp, bán cấp hay từ từ. Nếu là triệu chứng khởi phát cấp thì thường người bệnh bị sảng hơn là sa sút trí tuệ. Nếu là khởi phát bán cấp thì thường gặp nhiều trong các nguyên nhân như nhiễm trùng hoặc ung thư. Còn nếu khởi phát từ từ thì thường gặp trong tình trạng sa sút trí tuệ.

Người cao tuổi khi có các dấu hiệu sa sút trí tuệ tuyệt đối không nên tự sử dụng các loại thuốc bổ não, thuốc tăng cường trí nhớ khi chưa qua thăm khám với bác sĩ. Sức khỏe của người cao tuổi đã suy giảm bởi quá trình lão hóa, lại dễ mắc một số bệnh mạn tính. Do đó việc dùng thuốc phải đặc biệt thận trọng, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”. Nếu có những biểu hiện về sa sút trí tuệ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được kiểm tra, có phương pháp điều trị đúng hướng và hiệu quả.

 

5. Phòng tránh sa sút trí tuệ bằng cách nào?

Để phòng ngừa hội chứng sa sút trí tuệ, người cao tuổi cần thực hiện các khuyến cáo sau đây của bác sĩ:

– Thường xuyên hoạt động trí não như đọc sách báo, tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng

– Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với mức độ phù hợp, nhẹ nhàng

– Giữ tình thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng thần kinh quá mức

– Hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê

– Khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng cần có sự chỉ định và tư vấn của chuyên gia

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ và thăm khám ngay khi có các triệu chứng ban đầu

Người bị sa sút trí tuệ cần thư giãn, hạn chế căng thẳng và tập luyện trí nhớ mỗi ngày

 

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi không chỉ làm giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh, mà còn tạo ra gánh nặng cho cả gia đình. Do vậy, bệnh cần phải được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh cần chủ động thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top