Rối loạn lưỡng cực I

Nội dung

1. Triệu chứng

Trong rối loạn lưỡng cực I, bệnh nhân phải có ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp. Trong thực tế, ngoài giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp, bệnh nhân thường có thêm một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm chủ yếu.

Như vậy, rối loạn lưỡng cực I có các tình huống sau:

– Bệnh nhân chỉ có 1 cơn hưng cảm, hoặc cơn hỗn hợp duy nhất.

– Bệnh nhân hiện tại có 1 cơn trầm cảm, nhưng đã có một hay nhiều cơn hưng cảm, hoặc cơn hỗn hợp trong tiền sử.

– Bệnh nhân hiện tại có 1 cơn hưng cảm, hoặc cơn hỗn hợp, nhưng đã có một hay nhiều cơn trầm cảm trong tiền sử.

Về tiêu chuẩn loại trừ, rối loạn lưỡng cực I đòi hỏi phải thoả mãn 2 điều kiện sau:

– Rối loạn cảm xúc không phải là hậu quả trực tiếp của một ma tuý hoặc một thuốc (corticoid, thuốc chống trầm cảm).

– Rối loạn cảm xúc không phải là hậu quả trực tiếp của một bệnh cơ thể.

Ngoài ra, cần phải loại trừ các bệnh tâm thần khác như rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

Rối loạn lưỡng cực I  là bệnh rất hay tái phát. Bệnh được coi là tái phát nếu bệnh nhân có hiện tượng đảo pha (từ hưng cảm sang trầm cảm hoặc ngược lại) hoặc đã có thêm một cơn cùng loại với cơn trước đây nhưng khoảng thời gian giữa các cơn kéo dài ít nhất 2 tháng không có các triệu chứng. Nếu quãng thời gian giữa các cơn ngắn hơn 2 tháng thì vẫn coi chúng là một cơn duy nhất.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực rất hay đổi pha từ cơn hưng cảm sang cơn trầm cảm và ngược lại. Sự thay đổi cực được định nghĩa:

– Cơn hưng cảm (hoặc cơn hỗn hợp) chuyển thành cơn trầm cảm.

– Cơn trầm cảm chuyển thành cơn hưng cảm (hoặc hỗn hợp).

Không được coi là đổi pha trong các trường hợp sau:

– Cơn hưng cảm (hoặc hỗn hợp) chuyển thành cơn hưng cảm nhẹ.

– Cơn hỗn hợp chuyển thành cơn hưng cảm.

 

2. Phân loại thể bệnh

Các thể bệnh của rối loạn lưỡng cực I áp dụng cho giai đoạn hiện tại (hưng cảm, hỗn hợp hoặc trầm cảm chủ yếu). Có các loại phân chia thể bệnh sau:

– Phân loại theo mức mức độ nặng của giai đoạn hiện tại. Người ta phân chia thành các mức độ nhẹ, vừa, nặng không có loạn thần, nặng có loạn thần, lui bệnh hoàn toàn, lui bệnh một phần. Mức độ nhẹ, vừa, nặng… ở đây là mức độ của cơn rối loạn cảm xúc đang diễn ra. Nghĩa là căn cứ vào số lượng triệu chứng của cơn rối loạn cảm xúc hiện tại để đánh giá.

– Phân loại theo yếu tố căng trương lực. Căng trương lực có thể xuất hiện cả trong cơn hưng cảm, trầm cảm và hỗn hợp mức độ nặng. Các triệu chứng căng trương lực thể hiện ở đây là kích động căng trương lực (kích động trong không gian hẹp) hoặc bất động căng trương lực (bệnh nhân có các triệu chứng sững sờ, uấn sáp, tạo hình).

– Phân loại theo yếu tố khởi phát sau đẻ, áp dụng cho bệnh nhân khởi phát bệnh trong vòng 4 tuần sau đẻ. Khởi phát sau đẻ có thể xảy ra với cơn trầm cảm, hưng cảm hoặc hỗn hợp. Cần lưu ý rằng nếu bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực I có khởi phát sau đẻ thì lần sinh con sau, bệnh nhân cũng sẽ có rối loạn cảm xúc lưỡng cực I khởi phát sau đẻ.

– Phân loại theo mức độ phục hồi của bệnh. Phục hồi hoàn toàn (giữa các giai đoạn bệnh nhân không còn triệu chứng của rối loạn cảm xúc), hoặc phục hồi không hoàn toàn (bệnh nhân còn vài triệu chứng giữa các giai đoạn).

– Phân loại theo chu kỳ nhanh. Bệnh nhân có chu kỳ nhanh nghĩa là trong 1 năm bệnh nhân bị 4 cơn trở lên.

Với giai đoạn trầm cảm chủ yếu hiện tại (hoặc gần nhất), người ta có thêm các phân loại sau:

– Mãn tính (nếu cơn trầm cảm kéo dài liên tục trên 2 năm).

– Có yếu tố u sầu.

– Có yếu tố không đặc trưng (bệnh nhân ăn nhiều, tăng cân, ngủ nhiều).

– Có yếu tố mùa: trong 2 năm gần đây bệnh nhân bị 2 cơn, các cơn này xuất hiện vào một khoảng thời gian nhất định trong năm (ví dụ: cùng là mùa hè hoặc cùng là mùa đông).

 

3. Các yếu tố và tổn thương phối hợp

– Các ý tưởng và hành vi tự sát là rất phổ biến trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đặc biệt là khi bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu và giai đoạn hỗn hợp. Tự sát thành công chiếm tỷ lệ 10%-15% tổng số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I, nhưng ý định và hành vi tự sát của bệnh nhân thì cao hơn tỷ lệ trên nhiều lần. Khoảng 2/3 số bệnh nhân có giai đoạn trầm cảm hoặc hỗn hợp có ý định tự sát. Nếu bệnh nhân đã có ý định và hành vi tự sát thì ở lần tái phát sau bệnh nhân cũng sẽ có ý định và hành vi tự sát.

Nhiều tác giả nhận thấy, không có sự khác biệt về ý định và hành vi tự sát ở bệnh nhân trầm cảm chủ yếu và bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện tại có cơn trầm cảm. Một số nghiên cứu cho rằng các giai đoạn trầm cảm mức độ nặng, có loạn thần của rối loạn cảm xúc lưỡng cực có tỷ lệ tự sát cao hơn so với các bệnh nhân có giai đoạn trầm cảm nặng nhưng không có loạn thần. Tuy nhiên, khi nghiên cứu trên nhóm lớn bệnh nhân trong thời gian dài, người ta nhận thấy sự khác biệt về tỷ lệ tự sát ở 2 nhóm bệnh nhân này là không rõ ràng.

Nguy cơ tự sát ở các bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm hoặc hỗn hợp của rối loạn cảm xúc lưỡng cực chính là triệu chứng bi quan, chán nản, khí sắc giảm, mất hết các hứng thú và sở thích. Bệnh nhân thấy mình sống rất vô nghĩa, cho rằng mình là gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. Từ đó họ có ý nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu họ chết đi.

Một số bệnh nhân sẽ có kế hoặch và chuẩn bị kỹ càng cho tự sát. Nhưng đa phần các bệnh nhân ý nghĩ tự sát chỉ ập đến trong đầu bệnh nhân vài phút trước khi hành động, do vậy họ không kịp chuẩn bị gì cho tự sát.

Cần lưu ý rằng các bệnh nhân có giai đoạn trầm cảm hoặc hỗn hợp thường tự sát khi bệnh đang thuyên giảm. Khi đó, bệnh nhân đã có đủ năng lượng để suy nghĩ về cái chết và đủ sức để thực hiện hành vi tự sát. Vì lý do trên, đa số các trường hợp tự sát xảy ra trong phạm vi 6 tháng sau khi ra viện, đặc biệt là 3 tháng đầu. Các tác giả khuyên rằng không nên cho bệnh nhân mua nhiều thuốc chống trầm cảm, nhất là thuốc chống trầm cảm 3 vòng để đề phòng bệnh nhân tự sát.

– Ngược đãi trẻ em, vợ (chồng) hoặc các hành vi bạo lực xuất hiện rất phổ biến trong giai đoạn hưng cảm nặng. Bệnh nhân có thể đập phá đồ đạc, đốt nhà, đánh người vô cớ hoặc với những lí do rất mơ hồ. Trong trường hợp đó, bệnh nhân cần bị cưỡng bức vào viện điều trị để tránh gây ra các hành vi phá hoại tài sản, huỷ hoại bản thân, gây thương tích cho người khác.

– Các vấn đề xã hội khác như trốn học, học kém, thất bại trong nghề nghiệp, li dị hoặc hành vi chống xã hội có thể gặp trong mọi giai đoạn của rối loạn cảm xúc lưỡng cực (hưng cảm, trầm cảm, hỗn hợp). Các rối loạn tâm thần phối hợp khác như chán ăn tâm lý, rối loạn tăng động/khó chú ý, hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội, nghiện rượu, nghiện ma tuý cũng không phải là hiếm gặp trong rối loạn lưỡng cực I.

– Về cận lâm sàng, không có xét nghiệm nào đặc hiệu giúp chẩn đoán xác định rối loạn lưỡng cực I. Cũng không có xét nghiệm cận lâm sàng có thể giúp phân biệt các giai đoạn trầm cảm chủ yếu của rối loạn trầm cảm và của rối loạn lưỡng cực I.

– Cơn hưng cảm thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ. Nếu bệnh nhân có khởi phát ở tuổi sau 40 cho giai đoạn hưng cảm đầu tiên, cần khám lâm sàng và cận lâm sàng để loại trừ một bệnh cơ thể hoặc nghiện ma tuý, nghiện rượu (các bệnh này là nguyên nhân gây ra cơn hưng cảm). Có nhiều bằng chứng cho thấy rối loạn cường giáp làm tiên lượng của cơn hưng cảm xấu đi.

 

4. Tiến triển và tiên lượng

Tỷ lệ bệnh rối loạn lưỡng cực I không có sự khác biệt giữa các dân tộc và chủng tộc khác nhau. Tuy nhiên, ở một số khu vực trên thế giới, như khu vực đông nam á, các thầy thuốc có xu hướng chẩn đoán nhầm bệnh này thành tâm thần phân liệt, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Gần 10%-15% người vị thành niên bị trầm cảm chủ yếu sẽ có các giai đoạn hưng cảm trong tương lai, nghĩa là bệnh phát triển thành rối loạn lưỡng cực I. Các giai đoạn hỗn hợp hay gặp ở người vị thành niên và người trẻ tuổi, ít gặp ở người lớn tuổi.

Các nghiên cứu bệnh sinh gần đây trên các nhóm bệnh nhân lớn, trong thời gian dài đã cho thấy rối loạn lưỡng cực phổ biến như nhau ở cả nam và nữ (ngược lại, rối loạn trầm cảm chủ yếu ở nữ hay gặp gấp 2-3 lần nam).

Giới tính của bệnh nhân là yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm chủ yếu. Giai đoạn đầu tiên ở nam hay gặp là giai đoạn hưng cảm, còn giai đoạn đầu tiên ở nữ thường là giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Bệnh nhân nữ bị rối loạn lưỡng cực I có nguy cơ cao tái phát bệnh khi đẻ. Một số phụ nữ có giai đoạn rối loạn cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong vòng 4 tuần sau khi đẻ, được gọi là “khởi phát sau đẻ”. Các giai đoạn tiền kinh nguyệt có thể làm xấu thêm giai đoạn trầm cảm chủ yếu, hưng cảm, hỗn hợp hoặc hưng cảm nhẹ của bệnh.

Các triệu chứng của một giai đoạn trầm cảm có thể phát triển nhanh chóng trong vài ngày hoặc trong vài tuần để có đầy đủ các triệu chứng điển hình. Nhưng một số bệnh nhân bệnh phát triển từ từ với một giai đoạn tiền triệu. Khi đó, bệnh nhân có một số triệu chứng của lo âu, trầm cảm kéo dài vài tuần hoặc vài tháng trước khi có đầy đủ các triệu chứng cho một giai đoạn trầm cảm chủ yếu.

Độ dài của một cơn trầm cảm chủ yếu khác nhau ở các bệnh nhân. Nếu không được điều trị, một giai đoạn trầm cảm thường kéo dài khoảng 9 tháng rồi tự hết mà không liên quan đến tuổi khởi phát. Ở đa số các trường hợp, bệnh nhân có sự lui bệnh hoàn toàn, nghĩa là không còn triệu chứng nào của trầm cảm, họ hồi phục hoàn toàn khả năng lao động và học tập như trước khi bị bệnh.

Khoảng 20% – 30% các trường hợp có giai đoạn trầm cảm chủ yếu, bệnh nhân không lui bệnh hoàn toàn, mà vẫn còn một vài triệu chứng của trầm cảm. Các triệu chứng này mặc dù không đủ để chẩn đoán của giai đoạn trầm cảm chủ yếu, nhưng chúng bền vững nhiều tháng hoặc hàng năm, gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Khi đó, người ta gọi là lui bệnh một phần. Nếu ở giai đoạn hiện tại, bệnh nhân chỉ có lui bệnh một phần, thì ở giai đoạn trầm cảm sau (giai đoạn tái phát), bệnh nhân cũng chỉ có lui bệnh một phần.

Khoảng 5% – 10% số bệnh nhân, một giai đoạn trầm cảm chủ yếu kéo dài liên tục trên 2 năm. Các trường hợp này được gọi là trầm cảm mạn tính. Bệnh nhân trầm cảm mạn tính phải điều trị củng cố bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc chỉnh khí sắc suốt đời.

Rối loạn lưỡng cực I là bệnh rất hay tái phát, hơn 90% tổng số bệnh nhân có một giai đoạn hưng cảm duy nhất sẽ có các giai đoạn tái phát trong tương lai. Gần 60%-70% các giai đoạn hưng cảm xuất hiện xen kẽ với một giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Thông thường, các giai đoạn hưng cảm xuất hiện trước hoặc sau giai đoạn trầm cảm chủ yếu theo một cách đặc trưng cho từng bệnh nhân (có qui luật). Nghĩa là các cơn hưng cảm và trầm cảm đan xen nhau (hưng cảm-trầm cảm- hưng cảm-trầm cảm…). Tuy nhiên, có 10-20% số bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực I chỉ có cơn hưng cảm mà thôi.

Số lượng các giai đoạn (cả hưng cảm và trầm cảm chủ yếu) trong toàn bộ đời sống của bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I thường nhiều hơn so với rối loạn trầm cảm chủ yếu tái phát. Nếu không được điều trị củng cố bằng thuốc chỉnh khí sắc, trung bình bệnh nhân có 4 giai đoạn xuất hiện trong 10 năm. Khoảng cách giữa các giai đoạn có xu hướng ngày càng ngắn lại, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Sự thay đổi chu kỳ ngủ-thức là yếu tố thuận lợi cho xuất hiện hoặc tái phát một giai đoạn hưng cảm, pha trộn hoặc hưng cảm nhẹ. Trong thực tế lâm sàng, nếu bệnh nhân mất ngủ liên tục trên 3 ngày thì cần đến khám lại để bác sỹ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị, nhằm tránh tái phát bệnh.

Gần 5%-15% tổng số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I có từ 4 giai đoạn cảm xúc (trầm cảm chủ yếu, hưng cảm, hỗn hợp hoặc hưng cảm nhẹ) trở lên, xuất hiện trong phạm vi một năm, chúng được gọi là biệt định “có chu kỳ nhanh”. Các bệnh nhân có chu kỳ nhanh thường có tiên lượng nặng hơn.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực nhìn chung tiến triển thành giai đoạn, kéo dài suốt đời và tiến triển giao động. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ có hơn 10 cơn hưng cảm và trầm cảm trong cuộc đời. Độ dài của các cơn và khoảng cách giữa các cơn dần ổn định sau cơn thứ 4 hoặc thứ 5. Thông thường, khoảng cách giữa cơn thứ nhất và thứ 2 là 4 năm, nhưng sau đó khoảng cách giữa các cơn sẽ ngắn dần. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoảng cách giữa các cơn có thể khác nhau ở các bệnh nhân.

Nhìn chung, bệnh nhân thường có vài cơn trầm cảm sau đó mới có cơn hưng cảm. Thật ra điều này không đúng do bệnh nhân thường để ý đến cơn trầm cảm, còn các cơn hưng cảm nhẹ và hưng cảm thường bị bỏ qua. Chỉ khi cơn hưng cảm đã quá mạnh mẽ, được người xung quanh nhận thấy dễ dàng thì bệnh nhân mới được đưa đi khám và điều trị.

Phần lớn bệnh nhân có giai đoạn hưng cảm phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn, họ trở lại cuộc sống, lao động học tập bình thường, nhưng 20%-30% số bệnh nhân vẫn tiếp tục có cảm xúc không ổn định, gây khó khăn trong quan hệ với mọi người và trong nghề nghiệp.

Các triệu chứng loạn thần có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau khi có một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp không loạn thần. Khi một bệnh nhân có các giai đoạn hưng cảm với các triệu chứng loạn thần, khi tái phát, họ sẽ có các giai đoạn hưng cảm có các triệu chứng loạn thần. Bệnh nhân hưng cảm có triệu chứng loạn thần thường hồi phục không hoàn toàn giữa các giai đoạn, đặc biệt là các triệu chứng loạn thần không phù hợp với khí sắc.

Bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực I có tiên lượng xấu hơn so với trầm cảm chủ yếu. Khoảng 40-50% số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I sẽ có cơn hưng cảm trong vòng 2 năm sau cơn đầu tiên.

Khoảng 7% số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I sẽ không tái phát, 45% số bệnh nhân sẽ có vài cơn, và 40% sẽ tiến triển mạn tính với hàng chục cơn tái phát. Bệnh nhân có thể có từ 2-30 cơn tái phát, trung bình là 10 cơn trong suốt cuộc đời.

 

5. Tiêu chuẩn chẩn đoán cho rối loạn lưỡng cực I theo DSM – 5

5.1    Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I giai đoạn hưng cảm duy nhất

A. Bệnh nhân chỉ có một giai đoạn hưng cảm duy nhất và không có một giai đoạn trầm cảm nào trong tiền sử.

B. Giai đoạn hưng cảm không phải là rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

Được chẩn đoán là giai đoạn hỗn hợp nếu các triệu chứng thoả mãn tiêu chuẩn cho một giai đoạn hỗn hợp.

Được phân loại:

– Mức độ nặng/loạn thần/lui bệnh.

– Có yếu tố căng trương lực.

– Có khởi phát sau đẻ.

5.2   Rối loạn lưỡng cực I, giai đoạn hưng cảm nhẹ

A. Hiện tại (hoặc gần nhất) là một giai đoạn hưng cảm nhẹ.

B. Trong tiền sử có ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp.

C. Các triệu chứng rối loạn cảm xúc là nguyên nhân ảnh hưởng rõ ràng đến lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp, hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác.

D. Các giai đoạn rối loạn cảm xúc ở tiêu chuẩn A và B không phải là rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

Được phân loại:

– Phân loại về sự phát triển lâu dài (có hoặc không hồi phục giữa các giai đoạn).

– Có yếu tố theo mùa (chỉ áp dụng cho các giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

– Có chu kỳ nhanh.

5.3   Rối loạn lưỡng cực I, giai đoạn hưng cảm

A. Hiện tại (hoặc gần đây nhất) có một giai đoạn hưng cảm.

B. Đã có trong tiền sử ít nhất một giai đoạn trầm cảm chủ yếu, một giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp.

C. Các giai đoạn rối loạn cảm xúc ở các tiêu chuẩn A và B không phải là rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

Được phân loại:

– Phân loại về độ nặng/loạn thần/lui bệnh.

– Có các yếu tố căng trương lực.

– Có khởi phát sau đẻ.

– Các phát triển kéo dài (có hoặc không lui bệnh giữa các giai đoạn).

– Có yếu tố theo mùa (chỉ áp dụng cho phần của giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

– Có chu kỳ nhanh.

5.4   Rối loạn lưỡng cực I, giai đoạn trầm cảm

A. Hiện tại (hoặc gần đây nhất) là giai đoạn trầm cảm chủ yếu.

B. Có trong tiền sử ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc một giai đoạn hỗn hợp.

C. Các giai đoạn rối loạn cảm xúc ở các tiêu chuẩn A và B không phải là rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

Được phân loại:

– Phân loại về mức độ nặng/loạn thần/lui bệnh.

– Mãn tính.

– Có các yếu tố căng trương lực.

– Có các yếu tố u sầu.

– Có các yếu tố không đặc trưng.

– Có khởi phát sau đẻ.

– Các biệt định phát triển kéo dài (có hoặc không hồi phục giữa các giai đoạn).

– Có yếu tố theo mùa (chỉ áp dụng cho phần của các giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

– Có chu kỳ nhanh.

5.5  Rối loạn lưỡng cực I, giai đoạn không biệt định

A. Các tiêu chuẩn (trừ độ dài) thoả mãn cho một giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ, hỗn hợp, hoặc trầm cảm chủ yếu xuất hiện hiện tại hoặc gần đây nhất.

B. Trong tiền sử đã có ít nhất một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp.

C. Các triệu chứng rối loạn cảm xúc là nguyên nhân ảnh hưởng rõ ràng đến lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp, hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác.

D. Các giai đoạn rối loạn cảm xúc ở các tiêu chuẩn A và B không phải là rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn hoang tưởng hoặc rối loạn tâm thần không biệt định khác.

E. Các triệu chứng rối loạn cảm xúc ở các tiêu chuẩn A và B không phải là hậu quả trực tiếp của một chất (lạm dụng ma tuý, thuốc), hoặc của một bệnh cơ thể (cường giáp).

– Được phân loại:

+ Phát triển kéo dài (có hoặc không hồi phục giữa các giai đoạn).

+ Có yếu tố theo mùa (chỉ áp dụng cho phần của các giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

+ Có chu kỳ nhanh.

 

6. Chẩn đoán phân biệt

– Các giai đoạn trầm cảm chủ yếu, hỗn hợp, hưng cảm, hưng cảm nhẹ của rối loạn lưỡng cực I cần được phân biệt với một giai đoạn rối loạn cảm xúc do bệnh cơ thể. Nếu giai đoạn rối loạn cảm xúc được xác định là do một bệnh cơ thể gây ra thì khi đó chẩn đoán sẽ là rối loạn cảm xúc do một bệnh cơ thể (ví dụ: vữa xơ động mạch, nhược giáp). Chẩn đoán này phải căn cứ vào tiền sử, xét nghiệm cận lâm sàng và khám lâm sàng bệnh cơ thể đó.

– Rối loạn cảm xúc do một chất được phân biệt với các giai đoạn trầm cảm, hưng cảm hoặc hỗn hợp xuất hiện trong rối loạn lưỡng cực I do xác định được một chất (ma tuý, rượu, thuốc) được coi là nguyên nhân gây ra các cơn rối loạn cảm xúc nêu trên. Các triệu hưng cảm, hỗn hợp hoặc hưng cảm nhẹ có thể xuất hiện khi ngộ độc hoặc cai ma tuý và cần được chẩn đoán là rối loạn cảm xúc do ma túy (ví dụ: cơn trầm cảm do cai heroin, cơn hưng cảm do ngộ độc amphetamin).

– Các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp, xuất hiện khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, liệu pháp ánh sáng, sốc điện không được chẩn đoán là rối loạn cảm xúc lưỡng cực I. Chỉ được chẩn đoán là rối loạn lưỡng cực I nếu các liệu pháp điều trị trầm cảm trên không đủ giải thích cho cơn rối loạn cảm xúc.

– Rối loạn trầm cảm chủ yếu phân biệt với rối loạn cảm xúc lưỡng cực do trong tiền sử chưa bao giờ có cơn hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp. Các giai đoạn rối loạn cảm xúc của bệnh nhân luôn là giai đoạn trầm cảm chủ yếu.

– Loạn khí sắc phân biệt với rối loạn cảm xúc lưỡng cực I do trong tiền sử, bệnh nhân chưa bao giờ có cơn hưng cảm hoặc cơn hỗn hợp. Bệnh nhân chỉ có trạng thái khí sắc giảm và một vài triệu chứng trầm cảm cường độ nhẹ nhưng kéo dài liên tục ít nhất 2 năm (một năm với trẻ em).

– Rối loạn lưỡng cực II phân biệt với rối loạn lưỡng cực I căn cứ vào tiền sử, bệnh nhân chưa bao giờ biểu hiện một giai đoạn hưng cảm hay hỗn hợp. Bệnh nhân chỉ có các giai đoạn trầm cảm chủ yếu phối hợp với các giai đoạn hưng cảm nhẹ. Khi một người chẩn đoán trước đó là rối loạn lưỡng cực II biểu hiện một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp, chẩn đoán sẽ được thay đổi là rối loạn lưỡng cực I.

– Rối loạn khí sắc chu kỳ khác với rối loạn lưỡng cực I do bệnh nhân không bao giờ có các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm hoặc pha trộn. Các bệnh nhân khí sắc chu kì chỉ có một số giai đoạn hưng cảm nhẹ (không thoả mãn các tiêu chuẩn cho một giai đoạn hưng cảm) phối hợp với các giai đoạn khí sắc giảm cùng vài triệu chứng trầm cảm (không thoả mãn các tiêu chuẩn của một giai đoạn trầm cảm chủ yếu).

– Chẩn đoán phân biệt giữa các bệnh loạn thần khác (rối loạn phân liệt cảm xúc, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng) và rối loạn lưỡng cực I có thể là khó khăn (nhất là ở người vị thành niên). Những rối loạn này có chung một số triệu chứng như hoang tưởng tự cao, hoang tưởng bị hại, kích động và căng trương lực. Trong rối loạn lưỡng cực I, các triệu chứng trên xuất hiện khi triệu chứng rối loạn cảm xúc đạt đỉnh cao về cường độ. Còn trong tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn hoang tưởng, các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực xuất hiện cả khi bệnh nhân không còn các triệu chứng rối loạn cảm xúc. Trong thực tế lâm sàng, người ta còn căn cứ vào tiền sử gia đình và các triệu chứng phối hợp để chẩn đoán phân biệt rối loạn lưỡng cực I với các bệnh này. Các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm có thể gặp trong tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng và loạn thần không biệt định khác nhưng hiếm khi đủ nặng và đủ dài để thoả mãn các tiêu chuẩn cho một giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm chủ yếu.

– Nếu bệnh nhân có sự thay thế nhanh giữa các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm (ví dụ: sau vài ngày hưng cảm là vài ngày trầm cảm), không thoả mãn các tiêu chuẩn về độ dài tối thiểu cho một giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, chẩn đoán là rối loạn lưỡng cực không biệt định khác.

 

return to top