✴️ Rối loạn máy cơ mặt (TIC)

Nội dung

TIC nhất thời gặp với tỉ lệ 5 – 10% lứa tuổi trẻ em từ 6 đến 10 tuổi. Nam bị mắc nhiều hơn nữ, TIC mạn tính và hội chứng Gilles de la Tourette gặp tỉ lệ ít hơn.

Nguyên nhân: liên quan đến yếu tố di truyền, các rối loạn sinh hóa thần kinh như tăng Dopamine và Adrenalin, yếu tố khí chất ở những trẻ tính tình không ổn định.

Bệnh sinh: nêu giả thiết TIC là do rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, rối loạn mối liên hệ giữa các vùng não giữa, tiểu não.

Yếu tố thuận lợi bao gồm:
▪️ Sang chấn tâm lý.
▪️ Mệt mỏi, thiếu ngủ.
▪️ Sau một bệnh lý cơ thể.
▪️ Yếu tố cơ địa những trẻ hiếu động dễ bị TIC.

Phân loại TIC: Theo ý nghĩa về mặt tâm lý: TIC được chia thành 2 loại

TIC đơn giản: TIC vận động đơn giản là những động tác nhanh, định hình do những nhóm cơ có cùng một chức năng tham gia, là những động tác không có ý nghĩa tâm lý, chưa hoàn chỉnh, ví dụ: nháy mắt, lắc đầu, nhún vai, nhếch mép, nâng cánh mũi, cử động các ngón tay… TIC âm thanh đơn giản là sự phát ra những âm thanh nhanh và vô nghĩa như: hắng giọng, ho khạc, khụt khịt, lầm bầm, tiếng kêu, tiếng rít.

TIC phức tạp: là những động tác diễn ra đồng thời trong một tập hợp, dường như có mục đích và kéo dài lâu hơn so với TIC đơn giản, ví dụ: vuốt tóc, cắn, ném, đánh, nhảy, sờ, nhại động tác của người khác… TIC âm thanh phức tạp là sự phát ra những âm, những từ không lưu loát và khác thường về nhịp điệu, những lời nói bị tắc nghẽn, những câu nói bật ra định hình không phù hợp với hoàn cảnh, nói tục không chủ ý, lặp lời bản thân hoặc nhại lời người khác.

Theo ICD – 10 TIC được chia thành 3 thể chính:

TIC nhất thời: có một hay nhiều TIC vận động hoặc âm thanh (không có cả 2 loại TIC đồng thời), có TIC hàng ngày, kéo dài trên 4 tuần nhưng không quá 12 tháng.

TIC vận động hoặc âm thanh mạn tính: có một hay nhiều tic vận động hoặc âm thanh (không có cả 2 loại TIC đồng thời) TIC có hầu như hằng ngày, kéo dài trên 1 năm, trong thời gian đó không có 3 tháng liên tục nào mà không bị TIC

 

Hội chứng Tourette: có TIC vận động nhiều loại kết hợp với TIC âm thanh cùng tồn tại trong một khoảng thời gian mặc dù không nhất thiết phải luôn có đồng thời (thường thành cơn), có hầu như hằng ngày, kéo dài trên 1 năm, trong thời gian đó không có 3 tháng liên tục nào mà không bị TIC

Hậu quả: Triệu chứng của TIC gây ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ, sinh hoạt, học tập và quan hệ xã hội hằng ngày của người bệnh trên nhiều phương diện.

Điều trị: Điều trị bằng liệu pháp hóa dược kết hợp với liệu pháp tâm lý

Liệu pháp hóa dược: áp dụng cho bệnh nhân mạn tính và hội chứng Tourette (Haloperidol, Pimozide, Clonidin, Thuốc chống động kinh: Levetiracetam, Natri Valproate); tiêm Botulinum toxin (Botox) để làm tê liệt cơ mặt tạm thời.

Liệu pháp tâm lý: áp dụng cho tất cả các bệnh nhân. Liệu pháp hành vi “ đảo ngược thói quen”: liệu pháp này giúp bệnh nhân nhận thức được rối loạn TIC của mình và chủ động tạo ra các vận động “chống lại” mỗi khi có cảm giác “thôi thúc” thực hiện TIC. Sử dụng liệu pháp hành vi mang lại hiệu quả tốt, đặc biệt đối với TIC nhất thời.

Y học cổ truyền: các phương pháp châm cứu, xoa bóp rất hiệu quả trong việc giảm thiểu các triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh cũng như thời gian tái phát bệnh.

Xem thêm: Co giật – Đối diện làm sao cho đúng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top