✴️ Co giật – Đối diện làm sao cho đúng

Tổng quan

Ngày nay, co giật không còn là một triệu chứng quá xa lạ với mỗi người dân chúng ta. Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới thì có 5-10% dân số sẽ có ít nhất một cơn co giật trong suốt cuộc đời. Vì thế chúng ta có thể chứng kiến không ít các cơn co giật của những người xung quanh nhưng chắc chắn cảm giác xót xa và thậm chí bối rối khi đối diện với vấn đề đó, nhất là khi xảy ra với chính người thân của mình là điều không thể tránh khỏi.

Vậy phải làm sao xử trí một cách có khoa học trong những trường hợp như vậy? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

Co giật là gì?

Co giật là một rối loạn điện đột ngột, không kiểm soát được trong não. Nó có thể gây ra những thay đổi trong hành vi, vận động hoặc cảm xúc, thậm chí ý thức của bạn.

Hầu hết các cơn co giật kéo dài từ ba mươi giây đến hai phút và khi một cơn co giật kéo dài hơn năm phút được xem là một cấp cứu y tế.

Các dấu hiệu để nhận biết một cơn co giật là gì?

  các dấu hiệu của cơn co giật

Với mỗi cơn co giật, các dấu hiệu và triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng và khác nhau tùy thuộc vào loại co giật. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sự nhầm lẫn tạm thời.
  • Người bệnh đột nhiên nói chậm, khó khăn trong việc phát âm.
  • Xuất hiện các động tác giật hoặc bị co quắp lại không kiểm soát được của tay và chân.
  • Nặng nề hơn có thể khiến người bệnh mất nhận thức hoặc rối loạn cảm xúc như sợ hãi, lo lắng hoặc ảo giác, thậm chí có thể mất ý thức.

Nguyên nhân gây ra cơn co giật?

Các tế bào thần kinh trong não tạo ra, gửi và nhận các xung điện, cho phép các tế bào thần kinh của não giao tiếp với nhau. Bất cứ điều gì phá vỡ các con đường giao tiếp này có thể dẫn đến một cơn co giật.

Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật là động kinh. Nhưng không phải mọi người có cơn co giật đều bị động kinh. Đôi khi co giật xảy ra vì:

  • Sốt cao, có thể liên quan đến nhiễm trùng như viêm màng não.
  • Thiếu ngủ.
  • Natri máu thấp, có thể xảy ra khi người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu.
  • Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp cai thuốc lá.
  • Xuất huyết não, u não.
  • Bị đánh.
  • Thuốc có tính chất gây nghiện chẳng hạn như amphetamine hoặc cocaine.
  • Lạm dụng rượu, trong thời gian cai nghiện rượu hoặc ngộ độc rượu.

Có phải các cơn co giật đều cần đến gặp bác sĩ ngay?

Câu trả lời là KHÔNG. Nếu các cơn co giật nhẹ và xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, sau cơn, sức khoẻ người bệnh phục hồi hoàn toàn nhanh chóng thì có thể không cần đưa đến bác sĩ khẩn. Tuy nhiên, gọi sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bất kỳ điều nào sau đây xảy ra:

  • Cơn co giật kéo dài hơn năm phút.
  • Hơi thở hoặc ý thức không trở lại sau khi cơn co giật dừng lại.
  • Một cơn co giật thứ hai ngay sau đó.
  • Người bệnh bị sốt cao.
  • Người bệnh có thai hoặc tiền căn có đái tháo đường.
  • Người bệnh đã tự làm bản thân bị thương trong cơn co giật.

Nếu đây là lần đầu tiên xuất hiện cơn co giật, hãy nhanh chóng đi khám.

Những hiểm họa rình rập đối với người bị co giật

Lên cơn co giật tại một số thời điểm nhất định có thể dẫn đến các trường hợp nguy hiểm cho nhiều người. Cụ thể người bệnh có thể có các nguy cơ sau:

  • Ngã xuống: Nếu ngã trong cơn co giật, bạn có thể bị thương ở đầu hoặc gãy xương.
  • Đuối nước: Nếu bạn bị co giật trong khi bơi hoặc tắm, bạn có nguy cơ bị đuối nước. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nguy cơ chết đuối của người bệnh động kinh (mà nguyên nhân chính là do co giật) cao gấp 15-19 lần so với người bình thường.
  • Những vụ tai nạn giao thông: Một cơn co giật gây mất nhận thức hoặc kiểm soát có thể nguy hiểm nếu bạn đang lái xe hoặc vận hành các thiết bị khác.
  • Biến chứng thai kỳ: Lên cơn co giật trong khi mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Một số loại thuốc chống co giật làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Nếu bạn bị co giật và có kế hoạch mang thai, hãy đến gặp bác sĩ để có thể điều chỉnh thuốc và theo dõi thai kỳ của bạn.
  • Vấn đề sức khỏe cảm xúc: Những người bị co giật có nhiều khả năng gặp vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng. Các vấn đề này cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc.

Khi muốn tìm nguyên nhân cần làm các xét nghiệm gì?

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Một bài kiểm tra thần kinh. Bác sĩ có thể kiểm tra hành vi, khả năng vận động và chức năng tinh thần của bạn để xác định xem bạn có vấn đề gì với não và hệ thần kinh hay không.
  • Xét nghiệm máu.
  • Chọc dò tủy sống.
  • Điện não đồ (EEG).
  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não.
  • Một số chẩn đoán hình ảnh học chuyên biệt khác cũng có thể được dùng như: PET, SPECT...

Mang thai và co giật

Phụ nữ đã từng bị co giật trước đây vẫn có khả năng mang thai khỏe mạnh. Thảo luận với bác sĩ về những rủi ro của bạn, nguy cơ dị tật bẩm sinh và vì mang thai có thể làm thay đổi nồng độ thuốc.

Cần làm gì khi gặp một người đang lên cơn co giật?

 xử lý người bị co giật

Thật hữu ích khi biết phải làm gì nếu bạn chứng kiến ai đó bị co giật hoặc nếu bạn có nguy cơ bị co giật trong tương lai, hãy chuyển thông tin này cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp để họ biết phải làm gì trong trường hợp đó. Để giúp ai đó trong cơn co giật, hãy lần lượt thực hiện các bước sau:

  • Đỡ nằm xuống, cẩn thận nghiêng đầu người bệnh sang một bên.
  • Nhanh chóng dùng vật dụng thích hợp đặt giữa 2 hàm răng tránh người bệnh cắn lưỡi. Tuyệt đối không vắt nước chanh nhỏ vào miệng bệnh nhân vì không có tác dụng cắt cơn và nước chanh hoặc hạt chanh sẽ chảy vào khí quản gây tắc nghẽn đường thở.
  • Đặt gối hoặc một vật mềm dưới đầu của người bệnh.
  • Nới lỏng áo quần.
  • Đừng cố gắng kiềm chế hay giữ chặt chân tay người bệnh.
  • Dọn đồ vật nguy hiểm sắc nhọn hoặc có tính gây thương tích ở phạm vi gần người bệnh.
  • Ở lại với người bệnh cho đến khi nhân viên y tế đến.
  • Quan sát người bệnh thật kỹ để bạn có thể cung cấp chi tiết về những gì đã xảy ra.
  • Lưu ý về thời gian co giật.
  • Bản thân người hỗ trợ phải thật bình tĩnh.
  • Khi người bệnh vừa ra cơn nên tiếp cận thân mật tạo ra cảm giác an toàn giúp người bệnh nhanh chóng giảm đau đớn, sợ sệt.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để giúp kiểm soát cơn co giật và giảm thiểu khả năng chấn thương trong cơn co giật:

  • Dùng thuốc đúng cách. Đừng tự ý điều chỉnh liều lượng trước khi nói chuyện với bác sĩ. Nếu bạn cảm thấy thuốc của bạn nên được thay đổi, hãy thảo luận với bác sĩ.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Đeo vòng tay cảnh báo y tế: Điều này sẽ giúp nhân viên cấp cứu biết cách điều trị cho bạn một cách chính xác nếu bạn bị một cơn co giật.
  • Hãy năng động: Tập thể dục có thể giúp bạn khỏe mạnh về thể chất và giảm trầm cảm. Hãy chắc chắn uống đủ nước và nghỉ ngơi nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong khi tập thể dục.
  • Lựa chọn cuộc sống lành mạnh. Kiểm soát căng thẳng, hạn chế đồ uống có cồn và tránh thuốc lá là tất cả các yếu tố trong lối sống lành mạnh.
  • Đừng bơi một mình hoặc đi trên thuyền mà không có ai ở gần.
  • Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ trong các hoạt động như đi xe đạp hoặc tham gia thể thao.
  • Sửa đổi đồ đạc của bạn. Lót đệm các góc nhọn, mua đồ nội thất với các cạnh tròn và chọn ghế có cánh tay để giữ cho bạn khỏi rơi khỏi ghế.
  • Dán các mẹo sơ cứu co giật ở những nơi mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy chúng.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với người thân trong gia đình và cả đồng nghiệp về vấn đề co giật của bản thân nhằm làm giảm tối đa những tai nạn không đáng có xảy ra. Nên nhớ, bạn không cô đơn trong việc này.

Cần lưu ý gì khi đi gặp bác sĩ? Tôi nên hỏi những vấn đề gì để có thể biết về bệnh tình của mình?

Những điều bạn cần chuẩn bị khi đi gặp bác sĩ:

  • Ghi lại thông tin về cơn co giật của bản thân.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng... mà bạn đang dùng, bao gồm cả liều lượng.
  • Đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè, người từng chứng kiến cơn co giật.
  • Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn còn đang thắc mắc. Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong lần khám của bạn về những điều không hiểu. Và các bác sĩ cũng có thể đặt một số câu hỏi nhằm phục vụ quá trình điều trị. Vì thế đừng ngại ngần chia sẻ tất cả các thông tin của bạn với bác sĩ.

Kết luận

Co giật không còn là triệu chứng quá xa lạ đối với chúng ta, vì thế hãy trang bị cho mỗi bản thân kiến thức để có thể đối diện với nó một cách tốt nhất. Co giật có thể khó chữa hết hoàn toàn nhưng điều đáng mừng là hầu hết các rối loạn co giật có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc. Điều lưu ý là đừng để người co giật phải tự chiến đấu một mình.

Xem thêm: Phân loại các trường hợp co giật

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top