✴️ Rối loạn phân ly hay còn gọi là chứng bệnh "giả vờ"

Nội dung

Theo khoa học, Histeria (Hysteria) là một bệnh thuộc tâm thần học, nó miêu tả sự rối loạn nhân cách gồm ba biểu hiện: biểu hiện cấp, biểu hiện chức năng lâu dài và biểu hiện ở các tạng phủ. Tại bệnh viện, hay gặp một số trường hợp bệnh nhân Histeria đến với các chẩn đoán như: hạ canxi huyết, suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật, trầm cảm... do đó bệnh Histeria cần được mọi người hiểu thấu đáo để có cách xử trí đúng đắn với người bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Trước đây được cho là bệnh của phụ nữ (bệnh tử cung), sau này người ta thấy rằng nam giới cũng bị bệnh lý này. Tuy nhiên, bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam. Những người trong tiền sử gia đình có người bị rối loạn phân ly sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Bệnh hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi và sau 35 tuổi. Khi xuất hiện ở tuổi muộn hơn, khả năng bệnh nhân có một bệnh thần kinh hoặc bệnh nội khoa nào đó sẽ tăng lên.

 

Triệu chứng lâm sàng
Sẽ là rất sai lầm nếu coi người Histeria là giả vờ. Người bệnh mặc dù không muốn, mặc dù kìm chế nhưng vẫn xảy ra  cơn tâm lý thị giác, co giật, mất tiếng, á khẩu, rối loạn thính giác hoặc thị giác, liệt cả người, tự cho có ma hoặc thần thánh để biến đổi thành người khác, rối loạn tự tạo (ợ hơi liên tục, ngáp to từng tràng...), rối loạn phân ly (giữa người bình thường và người đang lên cơn bị nhập...) tất cả đều đảo lộn lại được.

Lâm sàng biểu hiện từng cơn như ngất, rối loạn vận động như co giật, liệt, rối loạn cảm giác như tê bì, mất cảm giác, rối loạn các giác quan như mù, điếc... có tính chất biểu diễn. Các triệu chứng này không do bệnh nhân cố ý tạo ra hay giả vờ. Đôi khi bệnh lý này có thể “lây lan”, học sinh một số trường học đồng loạt bị ngất... các rối loạn này không do một tổn thương cơ thể hoặc một chất gây ra. Quá trình bị bệnh thường có giới hạn, nhưng triệu chứng có thể tái phát và trở nên mạn tính hơn. Trong một số trường hợp, rối loạn phân ly có thể có trước một bệnh nội khoa.

Nếu lặp lại và mạn tính có thể làm thay đổi không đặc hiệu về tâm thần và sinh lý: Suy nhược, giảm chăm chỉ, giảm tập trung, ưu tư lo lắng quá đáng, chiều hướng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và cách ăn uống, rối loạn nặng về bản năng sinh dục (sợ giới tính, lãnh đạm tình dục, chứng giao hợp đau, chứng co âm đạo, liệt dương, xuất tinh sớm...)

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phân ly theo Hội Tâm thần học Mỹ (1994)
- Một hoặc nhiều triệu chứng hay thiếu sót ảnh hưởng đến hoạt động tự chủ hoặc chức năng thần kinh mà gợi ý đến một bệnh thần kinh hay bệnh nội khoa.
- Các yếu tố tâm lý được cho là có liên quan đến triệu chứng hay thiếu sót này vì các xung đột hay căng thẳng thường xuất hiện trước khi khởi phát hoặc nặng thêm các triệu chứng hay thiếu sót đó.
- Các triệu chứng hay thiếu sót không do bệnh nhân cố ý tạo ra hay giả vờ (như trong rối loạn giả tạo hay giả bệnh).
- Sau khi đã kiểm tra kỹ, các triệu chứng hay thiếu sót không thể giải thích đầy đủ bởi các bệnh nội khoa hay do hậu quả trực tiếp của một chất hoặc một hành vi hay nhận thức được văn hóa cho phép.
- Các triệu chứng hay thiếu sót gây suy giảm đáng kể về mặt lâm sàng hoặc suy giảm chức năng nghề nghiệp, xã hội hoặc các lĩnh vực quan trọng khác hoặc sự đảm bảo đánh giá về y tế.
- Các triệu chứng hay thiếu sót không bị giới hạn bởi đau hay rối loạn chức năng tình dục, không xuất hiện độc lập trong quá trình bị bệnh rối loạn phân ly và nó không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác.

 

Chăm sóc và điều trị
Bắt buộc phải thực hiện khám nội khoa và thần kinh toàn diện, bởi vì 25-50% những bệnh nhân này sẽ tiếp tục phát triển một bệnh nội khoa hoặc thần kinh. Bệnh nhân có thể rất nhạy cảm với ám thị, chẳng hạn nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý cho bệnh nhân “bị mù” có thể có hiệu quả.

Không cần thiết phải đối chất với bệnh nhân về tính xác thực của các triệu chứng vì nó chỉ làm cho lâm sàng trở nên tồi tệ hơn. Điều trị bằng tâm lý liệu pháp là một phương pháp được khuyến cáo sử dụng hoặc đôi khi cần sử dụng thuốc chống trầm cảm, bình thần, vitamin.

Trong một số trường hợp khó khăn hơn cần sử dụng ngay các thuốc nhóm an thần, sau đó dùng thêm thuốc chống trầm cảm liều thấp. Truyền dịch có pha canxi hoặc kali có tác dụng hỗ trợ để cắt các cơn co giật, tê...

Xem thêm: Rối loạn lưỡng cực

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top