✴️ Rối loạn trí tuệ

Nội dung

KHÁI NIỆM CHUNG.

Trí tuệ là hiện tượng tâm lí rất phức tạp. Trí tuệ được coi như là hoạt động nhận thức của con người, bao gồm cả kinh nghiệm (kiến thức) đã thu nhập được, cả năng lực tiếp thu kinh nghiệm mới và áp dụng nó vào thực tiễn.

Trí tuệ không là một chức năng độc lập và không tách bạch với các hiện tượng tâm lí khác. Trí tuệ có liên quan với tất cả các hiện tượng tâm lí, nhưng liên quan chặt chẽ nhất với tư duy, đặc biệt với các quá trình suy luận, phán đoán, lĩnh hội. Để tạo nên khối lượng kinh nghiệm và kiến thức đó, cần đề cập tới các yếu tố sau:

  • Năng lực là đặc tính cá nhân của một người, giúp cho người đó nhanh chóng và dễ dàng nắm được kiến thức, có được kĩ năng và biết làm một việc gì đó. Ở đây cần nhấn mạnh khả năng nhận thức và áp dụng nhận thức đó vào thực tiễn.
  • Năng lực phát triển trên cơ sở những đặc tính bẩm sinh và phụ thuộc vào điều kiện sống, giáo dục, huấn luyện.

Người ta chia năng lực thành 3 mức độ:

  • Năng lực: chỉ mức độ thấp nhất của năng lực để hoàn thành một hoạt động nào đó.
  • Tài năng: mức độ cao hơn của năng lực.
  • Thiên tài: mức độ cao nhất của năng lực.

Khả năng lao động trí óc là đặc tính quan trọng và điều kiện của hoạt động trí tuệ. Đại đa số những người có tài năng đều có khả năng làm việc lớn. Khả năng làm việc cũng được phát triển trong quá trình sống của con người.

Như vậy, năng lực, tài năng và khả năng lao động trí óc là những yếu tố quan trọng tạo nên khối lượng kiến thức và kinh nghiệm. Trình độ phát triển liên quan đến đặc tính bẩm sinh của bộ não, quá trình rèn luyện có hệ thống trong lao động (trí óc và chân tay), quá trình tiếp xúc với thực tại và đặc biệt là với xã hội loài người. Có vốn kiến thức lớn, uyên bác là đặc tính quan trọng nhất của trí tuệ và điều kiện cần thiết để phát triển trí tuệ. Kiến thức càng rộng, càng sâu thì trí tuệ càng cao. Nhưng đánh giá trình độ trí tuệ không phải chỉ căn cứ vào khối lượng kiến thức mà còn phải xem xét khả năng suy luận, phán đoán và khả năng áp dụng khối kiến thức, kinh nghiệm vào thực tế cuộc sống. Những khả năng đó được biểu hiện dưới dạng những thành quả lao động xuất sắc.

 

CÁC HỘI CHỨNG RỐI LOẠN TRÍ TUỆ.

Các hội chứng chậm phát triển tâm thần:

Chậm phát triển tâm thần là một trạng thái phát triển bị ngừng trệ hay phát triển không đầy đủ của trí tuệ. Nó được đặc trưng chủ yếu bằng kĩ năng trong thời kỳ phát triển, tham gia vào mức độ thông minh nói chung như khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và các năng lực xã hội.

Chậm phát triển tâm thần có thể kèm theo một rối loạn cơ thể hoặc rối loạn tâm thần khác. Người chậm phát triển tâm thần có nguy cơ cao bị bóc lột về sức lao động và tình dục. Tác phong thích ứng của người chậm phát triển tâm thần thường bị suy giảm, nhưng trong các môi trường xã hội được bảo vệ và nâng đỡ tốt thì chứng chậm phát triển tâm thần nhẹ có thể không rõ rệt.

Chậm phát triển tâm thần thường có tính chất bẩm sinh hoặc xuất hiện ngay từ những năm đầu sau đẻ, khi trí tuệ chưa hình thành. Các trạng thái chậm phát triển tâm thần không có tính chất tuần tiến (không nặng thêm) nhưng khó có thể chữa khỏi được. Chậm phát triển tâm thần được chia ra 3 mức độ:

  • Chậm phát triển tâm thần nhẹ:

Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ là người bệnh có thể khái quát hoá  kinh nghiệm, nhưng không tiếp thu được ý tưởng trừu tượng. Vốn từ của bệnh nhân nghèo nàn, nói năng không linh hoạt. Người bệnh có khả năng sử dụng ngôn ngữ cho các mục đích hàng ngày, nắm được những câu chuyện giao tiếp và thực hiện được các cuộc trò chuyện khi khám bệnh.

Có thể học được những năm đầu ở trường phổ thông, làm được một số nghề thủ công đơn giản, tích lũy được một số kiến thức. Trí nhớ máy móc khá phát triển, nhưng không thể xử lí được các tình huống khó khăn, dễ bị ám thị, tính tình nhút nhát. Hầu hết các bệnh nhân này tự chăm sóc được bản thân như: ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo và đại tiểu tiện. Bệnh nhân có những khó khăn trong học tập và những rối loạn về đọc và viết. Hiểu và sử dụng ngôn ngữ chậm ở các mức độ khác nhau, những khó khăn về sử dụng ngôn ngữ có thể kéo dài đến thời kỳ trưởng thành. Có thể có một số bệnh lí kết hợp như tự kỷ, động kinh, rối loạn hành vi nhẹ.

IQ của bệnh nhân chậm phát triển tâm thần nhẹ ở mức độ khoảng 50 - 69.

  • Chậm phát triển tâm thần mức độ vừa:

Chậm phát triển tâm thần mức độ vừa có phản ứng với xung quanh khá linh hoạt, thường biểu hiện những cảm xúc sơ đẳng, thô bạo, khoái cảm, giận dữ. Một số bệnh nhân sử dụng được ngôn ngữ đơn giản, tự chăm sóc bản thân và vận động chậm nên cần có người khác chăm sóc, giúp đỡ suốt đời. Những người chậm phát triển tâm thần vừa có thể làm được các lao động giản đơn và phải có người giám sát. Thực hành giao tiếp xã hội giản đơn và ít khi kể bệnh được rõ ràng, thường rất ngại tiếp xúc với người lạ, dễ bị ám thị nên dễ bị lợi dụng. Ngôn ngữ phát triển kém, có một số vốn từ thông dụng hàng ngày, nhưng phát âm sai và chỉ có tư duy cụ thể, không tiếp thu được những ý tưởng trừu tượng và khái quát. Các chương trình giáo dục đạt hiệu quả kém, chỉ đạt được một số kĩ năng cơ bản và phải học rất lâu. Một số người có thể tập đếm, đọc và viết được.

Chậm phát triển tâm thần mức độ vừa thường kèm theo nhiều rối loạn nặng như: tự kỷ, rối loạn tâm thần thực tổn, rối loạn lo âu đặc biệt là ám ảnh sợ, sợ khoảng trống, động kinh và các thiếu sót về hệ thống thần kinh trung ương.

IQ : 35- 49.

  • Chậm phát triển tâm thần mức độ nặng:

Chậm phát triển tâm thần nặng thường có thiếu sót về thần kinh và cơ thể rất rõ rệt hoặc lệch lạc của hệ thống thần kinh trung ương nặng.

IQ : 20- 34.

Chậm phát triển tâm thần mức độ trầm trọng:

Bệnh nhân có thể phát âm được những từ riêng lẻ hay những cụm từ. Phản ứng cảm xúc thể hiện các nhu cầu bản năng, nhu cầu sinh vật như thích la hét lớn, cười thô lỗ hay giận dữ và đập phá. Hoạt động của bệnh nhân chỉ đơn điệu, ngồi im, lắc lư, đi lại lờ đờ, động tác định hình, không làm được động tác phức tạp, không tự phục vụ được và phải có người giúp đỡ như: cho ăn, mặc quần áo, đại tiểu tiện.

Bệnh nhân hiểu và sử dụng ngôn ngữ rất hạn chế, chỉ hiểu biết rất sơ đẳng và nói những câu đơn giản rất khó hiểu. Những bệnh nhân nhẹ hơn cũng có thể

tham gia được một phần các công việc thực hành đơn giản trong gia đình. Các căn nguyên thực tổn nặng nề ở hầu hết các trường hợp và có các thiếu sót trầm trọng về cơ thể và hệ thống thần kinh trung ương.

IQ < 20.

Hội chứng sa sút trí tuệ:

Hội chứng sa sút trí tuệ thường là trạng thái cuối cùng của nhiều bệnh tâm thần khác nhau và có hai loại:

  • Sa sút trí tuệ toàn bộ: các rối loạn về nhân cách, trí nhớ, khả năng phán đoán, cảm xúc đều trầm trọng, thường gặp trong bệnh liệt toàn thể tiến triển và các bệnh thực thể não nặng.
  • Sa sút trí tuệ từng phần: thường rối loạn trí nhớ trầm trọng, còn các rối  loạn khác thì ở các mức độ khác nhau; gặp chủ yếu trong bệnh xơ vữa mạch não, các bệnh nội tiết nặng, nhiễm độc nặng và CTSN.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top