✴️ Tâm thần phân liệt (Phần 2)

Nội dung

TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT.

Tiêu chuẩn chẩn đoán TTPL theo ICD-10 năm 1992:

a/ Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị áp đặt hay bị đánh cắp và tư duy bị phát thanh.

b/ Các hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối hay bị động có liên quan rõ rệt với vận động thân thể hay các chi hoặc có liên quan với những ý nghĩ, hành vi hay cảm giác đặc biệt và tri giác hoang tưởng.

c/ Các ảo thanh bình luận thường xuyên về hành vi của bệnh nhân hay thảo luận với nhau về bệnh nhân hoặc các loại ảo thanh khác xuất hiện từ một bộ phận nào đó của cơ thể.

d/ Các hoang tưởng dai dẳng không thích hợp về mặt văn hoá và hoàn toàn không thể có được tính đồng nhất về tôn giáo hay chính trị hoặc những khả năng và quyền lực siêu nhiên như: khả năng điều khiển thời tiết hoặc đang tiếp xúc với người ở thế giới khác.

e/ Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào, có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh, không có nội dung cảm xúc rõ rệt hoặc kèm theo ý tưởng quá dai dẳng hoặc xuất hiện hàng ngày trong nhiều tuần hay nhiều tháng.

f/ Tư duy gián đoạn, hay thêm từ khi nói, đưa đến tư duy không liên quan hay lời nói không thích hợp hoặc ngôn ngữ bịa đặt.

g/ Tác phong căng trương lực như: kích động, giữ nguyên dáng, uốn sáp, phủ định và không nói hoặc sững sờ.

h/ Các triệu chứng âm tính như: vô cảm rõ rệt, ngôn ngữ nghèo nàn, đáp ứng cảm xúc cùn mòn hoặc không thích hợp thường dẫn đến cách li xã hội hoặc giảm sút hiệu suất lao động và các triệu chứng trên phải rõ ràng là không do trầm cảm hay thuốc an thần gây ra.

i/ Biến đổi thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân biểu hiện như: mất thích thú, thiếu mục đích, lười nhác, thái độ mải mê suy nghĩ về bản thân và cách li xã hội.

Yêu cầu chẩn đoán bệnh TTPL theo ICD-10:

Phải có ít nhất 1 triệu chứng rõ ràng hoặc phải có tối thiểu 2 triệu chứng (nếu các triệu chứng đó ít rõ ràng) thuộc các nhóm từ a đến d kể trên.

Nếu là các nhóm từ e đến i thì phải có ít nhất là 2 nhóm triệu chứng.

Thời gian của các triệu chứng phải tồn tại ít nhất là 1 tháng.

Không được chẩn đoán TTPL nếu có triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm mở rộng xuất hiện trước các triệu chứng nói trên.

Không được chẩn đoán TTPL khi có bệnh não rõ rệt hoặc bệnh nhân đang ở trong trạng thái nhiễm độc ma tuý.

Không được chẩn đoán TTPL khi có bệnh ĐK và các bệnh tổn thương thực thể não khác.

Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt theo DSM-IV năm 1994:

Nhóm A: có ít nhất là 2 trong số các triệu chứng sau và mỗi triệu chứng phải biểu hiện rõ rệt trong thời gian là 1 tháng (hoặc ít hơn nếu được điều trị tốt):

1/ Hoang tưởng.

2/ Ảo giác.

3/ Ngôn ngữ thanh xuân.

4/ Hành vi căng trương lực hoặc thanh xuân rõ rệt. 5/ Các triệu chứng âm tính.

Ghi chú: chỉ cần 1 triệu chứng duy nhất trong tiêu chuẩn A nếu như các hoang tưởng là kì dị hoặc ảo thanh bình phẩm về các hành vi hoặc ý nghĩ của bệnh nhân hoặc 2 hay nhiều giọng nói trò chuyện với nhau.

Nhóm B: mất chức năng hoạt động nghề nghiệp và xã hội trong một thời gian dài sau khi khởi phát bệnh, một hay nhiều lĩnh vực quan trọng khác như: việc làm, quan hệ với mọi người hoặc giảm tự chăm sóc bản thân so với trước khi bị bệnh.

Nhóm C: các dấu hiệu tổn thương tiếp theo bền vững ít nhất là 6 tháng (hoặc ít hơn nếu được điều trị), phải thoả mãn với tiêu chuẩn A (triệu chứng của pha hoạt động) và các triệu chứng của pha tiền triệu hoặc pha di chứng có thể chỉ là các triệu chứng âm tính hoặc ít nhất có 2 triệu chứng ở tiêu chuẩn A với mức độ nhẹ.

Nhóm D: loại trừ rối loạn phân liệt cảm xúc hoặc rối loạn cảm xúc hoặc không có một giai đoạn trầm cảm điển hình hoặc hưng cảm hoặc pha trộn xuất hiện đồng thời với các triệu chứng của pha hoạt động, tổng số thời gian của chúng phải ngắn hơn khi so với pha hoạt động và pha di chứng.

Nhóm E: loại trừ một rối loạn do thuốc hoặc một bệnh thực tổn và không phải do hậu quả của nghiện ma tuý hoặc một bệnh cơ thể gây ra.

Nhóm F: khi tồn tại một tiền sử bệnh tự kỉ hoặc rối loạn chậm phát triển bền vững thì chẩn đoán tâm thần phân liệt chỉ đặt ra khi các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác thể hiện một cách rõ nét và tiến triển trong thời gian ít nhất là 1 tháng (có thể ít hơn nếu được điều trị).

 

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT.

Trạng thái suy nhược thần kinh: trong giai đoạn tiền triệu của TTPL có nhiều triệu chứng suy nhược thần kinh khác nhau, nhưng thường phát sinh không rõ lí do.

Rối loạn stress cấp: có các sang chấn tâm lí đủ mạnh. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu tập trung vào yếu tố stress, không có các triệu chứng âm tính và thời gian tồn tại các triệu chứng dưới 1 tháng.

Rối loạn khí sắc: chủ yếu là rối loạn lưỡng cực, các triệu chứng hưng cảm hoặc trầm cảm có thể giống triệu chứng TTPL, cần phải căn cứ vào các dấu hiệu đặc trưng của rối loạn khí sắc thì có thể phân biệt được.

Các rối loạn nhân cách: thường không có triệu chứng loạn thần, nếu có thì chỉ tạm thời hoặc thứ phát và bệnh ổn định lâu dài không tiến triển thêm.

Các rối loạn hoang tưởng: thường là các hoang tưởng có hệ thống, không kì dị và thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng, nhân cách ít biến đổi và còn làm việc tương đối tốt, không có ảo giác và các triệu chứng phân liệt khác, khởi phát muộn ở người lớn tuổi.

 

TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị hợp lí, bệnh thường tiến triển mạn tính với sự mất mát tăng dần và có giai đoạn cấp, các triệu chứng dương tính rầm rộ, nhưng sau một thời gian các triệu chứng dương tính giảm dần và thay thế vào đó là các triệu chứng âm tính ngày càng sâu sắc hơn. Việc biến đổi nhân cách còn tùy thuộc vào kiểu tiến triển và mức độ của bệnh.

Theo R. Murray (2000), có 4 nhóm tiến triển sau:

Nhóm 1: có duy nhất một thời kì bệnh và khỏi bệnh hoàn toàn, số này chiếm không nhiều (22%).

Nhóm 2: có nhiều cơn tái phát và giữa các cơn có biểu hiện nhẹ nhàng hoặc không có biểu hiện thiếu sót tâm thần, số này chiếm tỉ lệ là 35%.

Nhóm 3: có nhiều cơn tái phát, giữa các cơn có biểu hiện thiếu sót tâm thần rõ nét, số này chiếm 8%.

Nhóm 4: sau mỗi đợt phát để lại di chứng trong các hoạt động tâm thần ngày càng nhiều, số này chiếm 35%.

Theo ICD-10 (1992), để đánh giá tiến triển cần phải có thời gian theo dõi tối thiểu là 1 năm và bao gồm có 7 kiểu tiến triển:

Tiến triển liên tục.

Tiến triển từng giai đoạn với thiếu sót tăng dần.

Tiến triển từng giai đoạn với thiếu sót ổn định.

Tiến triển từng giai đoạn với sự thuyên giảm.

Thuyên giảm không hoàn toàn.

Thuyên giảm hoàn toàn.

Các kiểu tiến triển khác và có thời kì theo dõi dưới 1 năm.

Theo DSM-IV (1994), cũng cần theo dõi tối thiểu 1 năm sau pha hoạt động nhằm xác định kiểu tiến triển và bao gồm có 6 kiểu tiến triển:

Tiến triển theo từng giai đoạn với thời kì thuyên giảm hầu như không tồn tại các di chứng trong hoạt động tâm thần.

Tiến triển theo từng giai đoạn với các di chứng rõ nét, chủ yếu là các triệu chứng âm tính.

Tiến triển liên tục trong quá trình theo dõi suốt 1 năm có các biểu hiện loạn thần không thuyên giảm và có nhiều triệu chứng âm tính.

Tiến triển chỉ một giai đoạn, lui bệnh không hoàn toàn.

Tiến triển chỉ một giai đoạn, nhưng lui bệnh hoàn toàn.

Các kiểu tiến triển khác.

 

ĐIỀU TRỊ.

Liệu pháp hoá dược:

Hoá dược là liệu pháp thông dụng và có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh TTPL. Việc lựa chọn từng loại thuốc và liều lượng thuốc phù hợp với triệu chứng lâm sàng, thể bệnh và khả năng dung nạp của mỗi cá thể. Thông thường người ta sử dụng chủ yếu là các thuốc an thần kinh, nhưng các thuốc bình thần, các thuốc chống trầm cảm và các thuốc điều hoà khí sắc cũng được sử dụng.

Chú ý sử dụng các loại thuốc khác:

Sử dụng các thuốc chống trầm cảm cần thận trọng, vì có thể hoạt hoá các ảo giác và hoang tưởng dẫn đến tự sát.

Các thuốc điều hoà khí sắc có tác dụng tốt trong dự phòng các đợt tái phát, nhất là các thể rối loạn cảm xúc.

Các thuốc thuốc chống Parkinson cũng cần được sử dụng hợp lí.

Liệu pháp sốc điện:

Ngày nay, các chỉ định của liệu pháp sốc điện đã thu hẹp một cách đáng kể, song đối với bệnh TTPL còn được chỉ định trong những trường hợp sau:

TTPL thể căng trương lực.

Trạng thái kích động mạnh của TTPL.

Các bệnh nhân có hành vi tự sát.

Các trường hợp kháng điều trị nói chung.

Liệu pháp tâm lí - xã hội:

Trước 1960, do tác dụng hạn chế của các liệu pháp tâm lí cá nhân nên việc sử dụng liệu pháp tâm lí - xã hội đối với TTPL không được chú ý nhiều. Vào những năm 1980, cùng với hiệu quả của việc sử dụng thuốc chống tâm thần, nhiều nhà lâm sàng xem liệu pháp tâm lí - xã hội như là phương tiện hỗ trợ dễ chịu.

Về cơ bản, liệu pháp tâm lí - xã hội đối với TTPL được chia thành 3 dạng:

Can thiệp gia đình.

Luyện tập kĩ năng.

Phục hồi nhận thức.

Can thiệp gia đình đã được nghiên cứu nhiều và được sử dụng có hiệu quả cả ở thời kì đầu và thời kì sau. Luyện tập kĩ năng xã hội cũng có nhiều hứa hẹn. Riêng lợi ích của phục hồi nhận thức thì chưa rõ ràng.

Nghiên cứu của May P.A.(1968) cho thấy: thuốc chống tâm thần và thuốc chống tâm thần kết hợp với liệu pháp tâm lí đạt kết quả cao hơn so với ECT, còn ECT cao hơn so với liệu pháp môi trường và liệu pháp tâm lí riêng biệt.

Cho đến nay, nhiều tác giả đã khẳng định: các liệu pháp tâm lí xã hội giúp kéo dài thời gian ổn định, hạn chế số lần tái phát cũng như mức độ cấp tính và giảm liều thuốc củng cố ngoại trú đối với bệnh nhân TTPL.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top