✴️ Tê liệt dây thần kinh số 7 có thể phục hồi được không?

Nội dung

1. Tê liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Dây thần kinh số 7 là dây vận động và chi phối cơ mặt. Đường đi của dây thần kinh số 7 cực kỳ phức tạp từ hệ thống thần kinh trung ương qua thái dương và các tuyến mang tai đến các cơ ở vùng mặt. Dây thần kinh số 7 đảm nhiệm nhiều chức năng liên quan đến cảm giác, vị giác và vận động cơ mặt.

Tê liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên, khi dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng và viêm nhiễm. Ước tính trong 100.000 người thì có khoảng 20 – 25 người bị mắc bệnh này.

Dây thần kinh số 7 có vai trò điều khiển nhiều chức năng liên quan đến cảm giác, vị giác và vận động cơ mặt

 

2. Biểu hiện của người bị tê, liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép và gây ra hiện tượng sưng. Người bệnh bị viêm dây thần kinh số 7 thường có biểu hiện như sau:

– Mặt cứng đơ, không tự nhiên, bị lệch một bên, khuôn mặt không cân đối, khó khăn khi thể hiện cảm xúc trên mặt.

– Một bên miệng bị méo xệch, giao tiếp khó khăn.

– Mắt không thể nhắm chặt, mắt ở bên nửa mặt bị tê liệt sẽ chỉ nhìn thấy lòng trắng, mắt bị khô, khó khăn trong cử động mắt.

– Mất vị giác, không thể kiểm soát được lượng nước bọt.

– Người bệnh bị đau tai, âm lượng truyền đến hai tai không đồng đều

 

3. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7

Bệnh có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:

– Do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột: Khi cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt là vùng mặt sẽ gây ra co thắt, chèn ép dây thần kinh số 7 và dẫn đến hiện tượng bị sưng, viêm.

– Do mắc các bệnh về đường hô hấp: Ví dụ như viêm tai – mũi – họng nhưng không được điều trị kịp thời nên dẫn đến biến chứng.

– Do một số bệnh lý có sẵn: Người mang trong mình các bệnh như đái tháo đường, huyết áp, xơ vữa động mạch, u vòm họng, tụ máu nền sọ,…dễ mắc bệnh này

– Do virus: Một số loại virus có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh số 7 như cúm, zona,…

– Do chấn thương hoặc tác động từ phẫu thuật: Đặc biệt là chấn thương ở vùng thái dương, vùng xương chũm, các cuộc phẫu thuật ở vùng mặt hoặc tai.

 

4. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị tê liệt dây thần kinh số 7?

Dây thần kinh số 7 có thể tê liệt không phân biệt tuổi tác cũng như giới tính, nhưng những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gồm:

– Phụ nữ đang mang thai

– Người thường xuyên sử dụng bia, rượu, chất kích thích…

– Người có hệ miễn dịch không tốt, sức khỏe yếu

– Những người hay thức khuya, căng thẳng mệt mỏi

– Người làm việc nhiều vào ca đêm, thường xuyên làm việc trong môi trường lạnh

– Người có tiền sử mắc bệnh về huyết áp, xơ vữa động mạch,…

Người thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi dễ bị liệt dây thần kinh số 7.

 

5. Tê, liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?

Các di chứng thường gặp khi bị liệt dây thần kinh số 7:

– Dị chứng về mắt: Viêm giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí…

– Co thắt nửa mặt: Thường xảy ra sau khi bị liệt.

– Đồng vận: Miệng bị kéo khi nhắm mắt, phục hồi chức năng có thể giảm được tình trạng này.

– “Nước mắt cá sấu”: Chảy nước mắt khi ăn, đây là trường hợp hiếm gặp.

 

6. Bị liệt dây thần kinh số 7 bao lâu thì có thể khỏi?

Các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 sẽ diễn biến nặng nhất trong vòng 48 giờ đầu, gây cảm giác đau và tê liệt một nửa bên mặt. Thường thì tình trạng này chỉ diễn ra một thời gian nhưng cũng có những trường hợp không thể phục hồi được.

Người bệnh có thể dần dần cải thiện sau khoảng 2 -3 tuần, và để phục hồi lại hoàn toàn thì sẽ mất khoảng 1 – 6 tháng. Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào khả năng cử động của các bộ phận trên khuôn mặt.

Như vậy, liệt dây thần kinh số 7 bao lâu sẽ khỏi hoàn toàn còn phụ thuộc vào từng người. Nếu bạn cảm thấy có dấu hiệu thì hãy lập tức đi gặp bác sĩ và được chữa trị trong 72 giờ đầu là quan trọng nhất. Có những người mất 6 tháng để hồi phục, nhưng cũng có những người cần lâu hơn.

 

7. Điều trị tổn thương ở dây thần kinh số 7 như thế nào?

Khả năng phục hồi của bệnh này là hoàn toàn có thể, vì vậy người bệnh hãy kiên trì điều trị nội khoa theo liệu trình của bác sĩ và có thể tự luyện tập thêm để cải thiện bệnh. Một số nguyên tắc khi điều trị gồm:

 

7.1 Phát hiện tê liệt dây thần kinh số 7 và điều trị sớm

Bệnh sẽ được điều trị hiệu quả nhất là trong 72 giờ đầu, vì vậy khi thấy có dấu hiệu bạn hãy gặp bác sĩ ngay.

 

7.2 Tuân thủ liệu trình của bác sĩ điều trị tê liệt dây thần kinh số 7

Các bác sĩ nội khoa và ngoại khoa sẽ kết hợp để đưa ra lộ trình điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, các bác sĩ thường sẽ dùng thuốc kháng viêm để giảm sưng các dây thần kinh quanh mặt. Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc chống virus nếu nghi ngờ nguyên nhân gây ra là do virus.

 

7.3 Bảo vệ và chăm sóc mắt

Mắt là bộ phận bị ảnh hưởng nặng khi mắc bệnh này. Lúc này, việc chớp mắt, nhắm mắt hay điều hành tuyến lệ cũng trở nên rất khó khăn. Do đó việc bảo vệ măt là vô cùng quan trọng. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên thường xuyên dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ để đôi mắt luôn đảm bảo độ ẩm.

 

7.4 Tự tập luyện thêm

Bên cạnh việc điều trị theo liệu trình của bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện các bài tập về cải thiện hoạt động của dây thần kinh số 7 tại nhà theo hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu. Việc này sẽ giúp việc phục hồi được nhanh chóng hơn.

Hy vọng, bài viết trên đã giải đáp được cho bạn về câu hỏi “Tê liệt dây thần kinh số 7 có thể phục hồi được không?” cũng như cung cấp những thông tin quan trọng về điều trị bệnh, tránh những biến chứng không may có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top