Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh thiếu máu não. Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tốt cho não bộ, chúng ta cũng cần nắm được bệnh thiếu máu não không nên ăn gì. Điều đó có ý nghĩa quan trọng giúp bạn xây dựng bữa ăn hàng ngày phù hợp, từ bỏ những thói quen dinh dưỡng không tốt cho sức khỏe.
1. Tổng quan về bệnh thiếu máu não
1.1 Thiếu máu não là bệnh gì?
Trong cơ thể tồn tại một hệ thống động mạch vận chuyển máu giàu oxy, chất dinh dưỡng lên não theo một con đường cố định. Chúng cần đảm bảo lượng máu lên não đầy đủ để não hoạt động bình thường. Khi một động mạch dẫn máu lên não bị tắc nghẽn sẽ làm quá trình này trở nên khó khăn. Khi đó thiếu máu não sẽ xảy ra.
Thiếu máu não là hiện tượng máu lên não không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất ở đây. Não thiếu oxy chỉ trong vài giây có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu não, thiếu máu não cục bộ, chết mô não….không thể phục hồi.
1.2 Thiếu máu não có phải bệnh nguy hiểm không?
Xin được khẳng định thiếu máu não là một bệnh rất nguy hiểm và rất hay bị sự chủ quan, lơi là của chúng ta bỏ qua. Ban đầu do tình trạng thiếu máu não chỉ diễn ra vài phút nên sau khi nghỉ ngơi khả năng di chuyển của cơ thể phục hồi. Vì vậy người bệnh cho rằng bản thân không có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, dễ chủ quan, coi thường bệnh.
Theo các bác sĩ, sự chủ quan này rất nguy hiểm bởi đó là dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ thiếu máu não. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là sự tắc nghẽn động mạch dẫn máu lên não. Có thể do cục máu đông làm hẹp, tắc nghẽn, co thắt mạch máu, do mảng xơ vữa trong động mạch, thoái hóa não, thoái hóa đốt sống cổ… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, thiếu máu não trong vòng 10 giây đã có thể gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim, thậm chí tử vong.
Trước đây căn bệnh này chỉ hay gặp ở đối tượng người già từ 60 tuổi trở lên. Nhưng trong vài năm trở lại đây, căn bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân thiếu máu não khi còn rất trẻ, dưới 30 tuổi.
2. Người bệnh thiếu máu não không nên ăn gì?
Nếu nắm được bệnh thiếu máu não không nên ăn gì, bạn sẽ từ bỏ những thực phẩm không tốt và những thói quen xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Các loại thực phẩm người bệnh không nên ăn hoặc uống gồm:
2.1 Thức ăn nhanh
Trong thức ăn nhanh chứa hàm lượng cholesterol cao, có thể tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch làm giảm khả năng máu lưu thông đến não. Ngoài ra, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, dầu chiên đi chiên lại , chất béo không lành mạnh…còn gây ra các vấn đề khác cho tiêu hóa, gan mật, dạ dày, tim mạch…
2.2 Thực phẩm đóng hộp
Thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao, lại nhiều chất bảo quản không tốt cho huyết áp, đường máu, tim mạch, gan thận…Vì vậy người thiếu máu não không nên sử dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày.
Bạn nên hạn chế lượng muối ăn không quá 6g mỗi ngày vì nếu ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp. 6g muối khoảng 1 thìa cà phê.
2.3 Rượu bia, đồ uống có cồn
Theo các chuyên gia cảnh báo, người thiếu máu não tuyệt đối không nên lạm dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn vì có thể làm cho bệnh trở nên xấu hơn.
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến tăng cân, huyết áp cao và nhịp tim không đều (rung nhĩ), tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ bị thiếu máu não cục bộ hoặc đột quỵ.
Thay vào đó, chúng ta nên duy trì thói quen uống trà thảo mộc tốt cho não bộ, hệ thần kinh, giấc ngủ như trà nhài, trà hoa cúc, trà atiso…
2.4 Nước ngọt có gas
Lý do là bởi đồ uống có gas có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân thiếu máu não.
2.5 Đồ ăn nhiều đường
Tương tự như đồ uống có gas, thức ăn nhiều đường tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, huyết áp, tiểu đường… Những bệnh lý này tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hẹp van tim, hở van tim…gián tiếp gây bệnh thiếu máu lên não.
Thay vì tiêu thụ đường hóa học, bạn nên thay thế bằng đường tự nhiên có trong các loại trái cây, nước ép. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều vì đường fructose có trong hoa quả ngọt có thể không tốt cho gan.
2.6 Đồ ăn giàu tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột như sữa, bánh mì, mì sợi, khoai tây,…nếu ăn nhiều dễ mắc bệnh tiểu đường. Đây là một nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ mắc chứng thiếu máu não hoặc làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
2.7 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ bị thiếu máu não cục bộ hoặc đột quỵ. Điều này là do nó thu hẹp động mạch của bạn và làm cho máu dễ bị đông hơn. Không hút thuốc cũng sẽ cải thiện sức khỏe chung của cơ thể và giảm nguy cơ phát triển các bệnh nghiêm trọng khác, chẳng hạn như ung thư phổi và bệnh tim.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh cho người thiếu máu não
Theo các chuyên gia, người có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh thiếu máu não cần duy trì một chế độ ăn uống đủ chất, giàu dinh dưỡng. Chế độ ăn uống lành mạnh thường được tư vấn dinh dưỡng theo nguyên tắc như sau:
– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất đạm, magie, sắt, folate, vitamin B, vitamin C, omega-3,…
– Chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ thường được khuyến khích, bao gồm ít nhất 5 phần trái cây tươi và rau mỗi ngày, cộng với ngũ cốc nguyên hạt.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, tảo biển, cá trích, hạt óc chó,…
– Ăn nhiều thực phẩm giàu polyphenols có trong ca cao, đậu, trà, hạt…
– Các thực phẩm giàu nitrat trong cải bó xôi, xà lách…
– Uống các loại trà thảo mộc tốt cho não bộ như trà sen, atiso, nụ vối, hoa tam thất, trà xanh…
Trên đây chỉ là những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cho người thiếu máu não để bạn tham khảo. Thực tế thiếu máu não không nên ăn gì hay cần bổ sung loại nào cần phải dựa trên mức độ thiếu máu của bạn, các bệnh lý đi kèm. Vì vậy, bạn cần đi khám để xác định điều này, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất giúp bệnh sớm cải thiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh