Bệnh trào ngược dạ dày lên thực quản là một trong những bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa. Những người mắc bệnh này thường phàn nàn rằng, chúng là họ cảm thấy khó chịu, mất tự tin trước đám đông và việc ăn uống không được thoải mái làm giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám và điều trị triệt để.
Khi dịch vị trào ngược lên phía trên sẽ gây các triệu chứng như: ợ nóng, là cảm giác nóng có khi nóng bỏng vùng thượng vị và sau xương ức, lan dọc lên phía trên, xuất hiện nhiều sau khi ăn hoặc khi bệnh nhân nằm. Một triệu chứng thường gặp nữa là ợ chua, là cảm giác chua khi dịch vị trào lên miệng sau khi bệnh nhân ợ ra, nuốt khó hoặc nuốt đau (khi có loét hoặc chít hẹp thực quản). Bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày như đau vùng thượng vị, bụng trướng, ăn uống khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, bệnh trào ngược từ dạ dày lên thực quả có thể làm bạn ho khan kéo dài, đau họng, khàn giọng….
Việc xác định xem bệnh nhân có bị trào ngược dạ dày thực quản hay không chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng như đã mô tả ở trên và có thể tiến hành nội soi họng – thanh quản hoặc nội soi thực quản – dạ dày để tìm kiếm tổn thương. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đi khám chuyên khoa để phát hiện kịp thời, điều trị dứt điểm.
Điều trị nội khoa chiếm 80-85% trong điều trị bệnh này. các thuốc được sử dụng chủ yếu là: thuốc kháng acid như gastropulgite, maalox… có chứa magne và aluminum. Các thuốc này có tác dụng tăng pH của dạ dày lên nhanh, vì vậy làm giảm nhanh triệu chứng nhưng thời gian tác dụng ngắn (chỉ 1 – 2 giờ) và có thể gây tiêu chảy với thuốc có chứa magne và táo bón với thuốc có chứa aluminum. Thuốc giảm tiết dịch vị loại ức chế H2 cũng có tác dụng nhanh nhưng ít hiệu quả đối với viêm thực quản nặng do trào ngược và tỷ lệ tái phát cao. Hiện nay, thuốc giảm tiết dịch vị tốt nhất đang được khuyến cáo sử dụng là các chất ức chế bơm proton (PPIs) như omeprazole, pantoprazole… và đặc biệt hiệu quả là esomeprazole. Các thuốc này giảm tiết dịch vị tốt, ít tác dụng phụ và hiệu quả điều trị cao.
Thay đổi lối sống và điều chỉnh thực đơn hỗ trợ tốt trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Người bệnh nên nghỉ ngơi, làm việc và sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, stress, không ăn đồ ăn cay nóng và nước có gas…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh