✴️ Trắc nghiệm tâm lí trong lâm sàng tâm thần (Phần 2)

Nội dung

CÁC PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT NHÂN CÁCH.

Trong lâm sàng tâm thần thường sử dụng 2 loại trắc nghiệm chính là dạng bộ câu hỏi và các trắc nghiệm phóng chiếu.

Các thang đo dạng bộ câu hỏi:

Trắc nghiệm Eysenck:

Năm 1947, trên cơ sở phân tích kết quả nghiên cứu ở 700 quân nhân bị suy nhược thần kinh, H. J. Eysenck - giáo sư tâm lí học người Anh đã xác định được 2 yếu tố chính từ tổng số 39 biến số: tính thần kinh (dễ bị kích thích) và yếu tố hướng nội - hướng ngoại. Cùng với kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả khác, Eysenck cho rằng nhân cách được cấu trúc bởi 2 yếu tố chính đó.

Yếu tố hướng nội - hướng ngoại (I): người hướng ngoại điển hình là người cởi mở, giao tiếp rộng, có nhiều bạn, người quen. Họ hành động dưới ảnh hưởng chốc lát, có tính chất xung động, vô tâm, lạc quan, thích vận động và hành động. Tình cảm và cảm xúc của họ không được kiểm soát chặt chẽ.

Người hướng nội điển hình là người điềm tĩnh, rụt rè, nội quan, hay giữ kẽ, ít tiếp xúc, giao tiếp với mọi người, trừ những bạn bè thân. Họ có khuynh hướng muốn hoạch định kế hoạch hành động. Không thích sự kích động, làm công việc hàng ngày với tinh thần nghiêm túc, thích trật tự, ngăn nắp. Kiểm soát chặt chẽ cảm xúc tình cảm của mình, không dễ dàng buông thả.

Tính thần kinh - tính ổn định về cảm xúc (N): người có tính thần kinh ổn định cao là người mềm dẻo/hay thay đổi về cảm xúc, khá nhạy cảm và dễ nổi nóng, dễ ấn tượng.

Như vậy có thể biểu thị cấu trúc nhân cách bằng một hệ trục toạ độ của 2 yếu tố.

Để đo 2 yếu tố này, Eysenck đã thiết lập bảng kiểm tra nhân cách EPI

(Eysenck Personality Inventory). Trắc nghiệm gồm có 57 câu hỏi trong đó 24 câu về tính hướng nội-hướng ngoại; 24 câu khảo sát tính ổn định của thần kinh và 9 câu dành để kiểm tra độ tin cậy của các câu trả lời.

Eysenck cũng đã cố gắng đi sâu tìm hiểu và lí giải các yếu tố. Ông đã nêu ra giả thuyết cho rằng kiểu thần kinh mạnh và yếu của Pavlov rất gần với kiểu nhân cách hướng ngoại và hướng nội. Cùng với giả thuyết đó, Eysenck đã tìm kiếm các mối tương quan giữa các chỉ số sinh lí với các số đo nhân cách. Ví dụ: đối với người hướng nội: mạch nhanh hơn, ngưỡng thính giác thấp hơn, hình thành phản xạ có điều kiện nhanh hơn, trí tuệ cao hơn. Ngược lại, đối với người nhân cách hướng ngoại: mạch chậm, ngưỡng cảm giác cao; khó thành lập phản xạ có điều kiện và trí tuệ thấp hơn.

Sau này Eysenck có bổ sung thêm yếu tố thứ 3, yếu tố tính tâm thần và cũng soạn thảo, chỉnh lí lại Bảng kiểm. Tuy nhiên phiên bản đầu (đo 2 yếu tố) được sử dụng rộng rãi hơn.

Trắc nghiệm Cattell:

Trắc nghiệm nhân cách Cattell 16 PF được soạn thảo năm 1949, nhằm đo 16 yếu tố của nhân cách. Theo Cattell, nhân cách được cấu thành từ 16 chứ không phải 2 yếu tố như theo Eysenck. Tất nhiên quan niệm này của Cattell hoàn toàn không phải là võ đoán mà dựa trên cơ sở phân tích yếu tố và kết quả của những phương pháp khách quan khác.

Trắc nghiệm nhân cách Cattell có 2 phiên bản A, B, mỗi phiên bản gồm 187 câu và phiên bản C rút gọn có 105 câu. Mỗi yếu tố bao gồm một số câu nhất định. Khách thể có thể lựa chọn 1 trong 3 câu trả lời đã có. Câu trả lời được chuyển qua điểm thô (0 hoặc 1 hay 2 điểm). Tổng số điểm thô của từng yếu tố được quy ra điểm chuẩn (theo thang bậc 10 đối với 2 phiên bản chính) tùy theo tuổi và giới. Dựa vào điểm chuẩn đó mà lí giải từng yếu tố.

MMPI:

Thiết kế MMPI được bắt đầu từ năm 1939 tại ĐHTH Minnesota (Hoa Kì). Lúc bấy giờ S.R. Hathaway và J.C. Mc Kinley muốn có được một bộ công cụ nhằm hỗ trợ cho quy trình thăm khám tâm thần, giúp việc đánh giá một cách cẩn thận mức độ rối loạn tâm thần. Sau đó các tác giả rất quan tâm đến việc đánh giá những thay đổi do trị liệu tâm lí và trong cuộc sống của người bệnh.

Cơ sở chính để xây dựng MMPI là tiêu chuẩn kinh nghiệm thực tiễn (Empirical criterion) và tiêu chuẩn bên ngoài (xem thêm về độ hiệu lực tiêu chuẩn). Test được thiết kế như sau:

Thu thập các câu về nhân cách từ những nguồn khác nhau: các thang đo nhân cách, thái độ xã hội đã có; các thông báo lâm sàng; lịch sử các ca; những hướng dẫn khám tâm thần và kinh nghiệm cá nhân. Tất cả được khoảng 1000 câu.

Loại những câu trùng lặp, chỉnh sửa những câu còn lại (còn 504 câu).

Chọn nhóm bình thường và các nhóm bệnh tâm thần khác nhau để trả lời câu hỏi. Nhóm bình thường chủ yếu là bạn bè, người nhà người bệnh của bệnh viện ĐHTH Minnesota và những người tự nguyện. Nhóm này gồm 228 nam và 315 nữ (loại trừ những người đang được bác sĩ theo dõi hoặc đang dùng thuốc).

Cùng với các câu hỏi trắc nghiệm họ cũng phải điền các thông tin về nhân thân: tuổi, giới, nghề nghiệp, học vấn,...

Sau khi lựa chọn, bổ sung thêm cho phù hợp với các tỉ lệ của dân cư bang Minnesota về tuổi, giới, tình trạng hôn nhân theo điều tra dân số năm 1930. Tổng số nhóm này là 724 người.

Nhóm người bệnh đại diện hầu hết các loại bệnh tâm thần đang có tại các bệnh viện bang Minnesota. Số người bệnh này được chia theo các phân nhóm chẩn đoán, mỗi phân nhóm là 50 người bệnh. Kết quả cuối cùng gồm có các nhóm: nghi bệnh; hysteria; rối loạn nhân cách; paranoia; suy nhược tâm thần; TTPL và hưng cảm nhẹ.

Sau khi đã có kết quả, Hathaway và Mc Kinley tiến hành phân tích so sánh từng nhóm lâm sàng với nhóm bình thường và giữa các nhóm lâm sàng với nhau.

Toàn bộ MMPI gồm 566 câu, trong đó có 16 câu được nhắc lại. Các câu của MMPI là những câu khẳng định về sức khỏe thể chất, quan hệ xã hội và các khía cạnh khác của nhân cách. Mỗi câu có 3 phương án trả lời: đúng, không, không rõ. Kết quả câu trả lời này được quy ra điểm thô, từ điểm thô được quy ra điểm chuẩn T. Thiết đồ (Profile) nhân cách MMPI bao gồm 10 thang lâm sàng và 3 thang phụ. Các thang lâm sàng gồm Hs - Nghi bệnh; D - Trầm cảm; Hy - Hysteria; Mf - Nam tính/nữ tính; Pd - Rối loạn nhân cách; Pa - Paranoia; Pt - Suy nhược tâm thần; Sc - Tâm thần phân liệt; Ma - Hưng cảm nhẹ; Si - Hướng nội xã hội.

3 thang phụ gồm thang nói dối - L, thang tin cậy F (là dạng câu trả lới ít gặp) và thang điều chỉnh K.

Có thể nhận xét về nhân cách người bệnh trên thiết đồ nhân cách: T = 50 ± 10 là trung bình. Trong khoảng 30 đến 40 và 60 đến 70 là ranh giới. T >70 hoặc T< 30 được xem là bệnh lí. Như vậy nhóm thang đầu biểu thị tâm căn, nhóm thang giữa là về rối loạn nhân cách còn nhóm thang cuối là những thang loạn thần.

Để phục vụ cho những nghiên cứu thăm dò, các nhà tâm lí học Nga đã cải biên và rút gọn bộ câu hỏi MMPI còn 71 câu và lược bỏ 2 thang lâm sàng là Mf và Si.

Sau khi MMPI được công bố, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã thiết kế các thang phụ khác, ví dụ: thang trầm cảm.

Một hướng khác khai thác và sử dụng MMPI, đó là viết phầm mềm và sử dụng trên máy vi tính.

Ngoài ra MMPI còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được sử dụng rộng rãi.

Những phê phán MMPI tập trung vào những điểm: tính lạc hậu ngày càng tăng; tính phức tạp khi xây dựng các thang ban đầu; nhóm mẫu chuẩn không phù hợp; có nhiều câu khó và trở ngại về chủng tộc (Butcher & Pope, 1989).

Các phê phán đó dẫn đến chuẩn hoá lại test. Công việc này bắt đầu vào năm 1982. Mặc dù cần phải có những thay đổi lớn song hội đồng tái chuẩn hoá vẫn giữ lại những nét cơ bản của MMPI.

MMPI-2 đã được hoàn thiện năm 1989 và có nhiều điểm khác so với MMPI.

Khai thác và sử dụng MMPI: có thể sử dụng MMPI cho những người từ độ tuổi 16 với trình độ học vấn từ lớp 8 trở lên. Trong thực tế, theo Groth-Marnat (1990), test có hiệu quả đối với cả những người dưới 13, 14 tuổi.

Các trắc nghiệm phóng chiếu:

Cơ sở lí luận:

Các trắc nghiệm phóng chiếu (projective tests) gây ra khá nhiều tranh cãi, đặc biệt là cơ sở lí luận của nó. S. Freud cho phóng chiếu là một cơ chế tự vệ (1894), giống như những ý hướng, tâm thế để đáp ứng có hiệu quả tác động từ bên ngoài. Một số tác giả khác cho rằng, phóng chiếu thể hiện ở việc chủ thể đặt trạng thái tâm lí của mình vào một người khác và mô tả ở người đó những đặc điểm mà thực tế đang có ở chính bản thân mình (A. A. Bodaliov, 1970).

Một quan niệm khác lại lí giải phóng chiếu từ quan niệm "tự kỷ". Theo quan niệm này, nếu một nhu cầu nào đó không được thỏa mãn, thì càng ngày nó càng tăng dần về cường độ và mức độ cụ thể hóa, đến một chừng mực nhất định, nó sẽ dẫn đến sự phóng chiếu nội dung nhu cầu vào trí tưởng tượng, giấc mơ hoặc sự hứng thú... của chủ thể (D. C. McCleland, J. W. Atkinson, 1948).

Quan niệm phóng chiếu "hợp lí hóa" cũng khá được thịnh hành. Theo quan niệm này, những đánh giá phù hợp với các đặc điểm âm tính của người này có thể được "di chuyển" sang người khác và sự phóng chiếu được bộc lộ như một yếu tố biện hộ cho hành vi của người đó "cũng như mọi người" (E. Frenkel Brunswik, 1939).

Từ những quan niệm trên, chúng ta thấy phương pháp phóng chiếu là phương pháp nghiên cứu nhân cách một cách gián tiếp, dựa trên việc xây dựng những tình huống kích thích đặc trưng, mềm dẻo. Nhờ tính tích cực của tri giác mà các tình huống này đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự thể hiện khuynh hướng của tâm thế, trạng thái của cảm xúc cũng như đặc điểm nhân cách (B. M. Blaykhe và F. Burlatruc, 1978).

Trong lâm sàng tâm thần có rất nhiều phương pháp phóng chiếu được sử dụng. Trong bài này, chúng tôi trình bày 2 phương pháp tiêu biểu nhất là phương pháp Rorschach, phương pháp TAT.

Trắc nghiệm TAT (Thematic Apperception Test):

Trắc nghiệm tổng giác chủ thể TAT được H. Murray mô tả lần đầu tiên vào năm 1935, với tư cách là một trắc nghiệm nghiên cứu về sự tưởng tượng. Sau đó TAT được sử dụng như là một loại trắc nghiệm xuất chiếu để luận giải những vấn đề về nhân cách.

Trắc nghiệm bao gồm 29 tấm hình và một tấm bìa trắng, không có hình gì (để người bệnh có thể tưởng tượng ra trên đó bất kỳ hình ảnh nào).

Trong số các tấm hình này, có những hình dễ tạo ra những câu chuyện theo chủ đề như: khêu gợi trầm cảm, hưng cảm (tấm số 3, 14, 15); khêu gợi sự gây hấn và tình dục (tấm số 13, 18); khêu gợi sự xâm chiếm, làm chủ hay phụ thuộc (tấm số 12); khêu gợi sự xung đột tình dục và gia đình (tấm số 4, 6)... Có một số tấm hình sử dụng cho cả nam và nữ; có một số tấm hình chỉ dùng riêng cho nam hoặc riêng cho nữ; đồng thời cũng có những tấm dành riêng cho thiếu niên...

Trắc nghiệm được tiến hành dưới góc độ những câu chuyện bình thường, thân mật. Mỗi người bệnh được xem 20 tấm hình, chia làm hai buổi (mỗi buổi xem 10 tấm, giữa hai buổi cách nhau không quá một ngày). Sau khi xem mỗi tấm hình, người bệnh tạo dựng một câu chuyện nhỏ, liên quan đến tấm hình đó (trung bình 5 phút cho mỗi hình). Trong quá trình trắc nghiệm có thể đặt ra những câu hỏi để người bệnh nói rõ hơn những điều mà họ đã đề cập đến. Nhìn chung, chuyện kể của khách thể nghiên cứu phải làm sáng tỏ ba yếu tố cơ bản là: cái gì đã dẫn đến những tình huống được mô tả trong tấm hình; cái gì đang diễn ra lúc này; tình huống đó được kết thúc như thế nào?

Trắc nghiệm viên ghi lại toàn bộ những lời nói, những lí giải của người bệnh như: nói về việc gì, nói về ai, những tình huống nào hay được nhắc đi, nhắc lại, các xung đột được giải quyết như thế nào... Cũng có khi khách thể nghiên cứu tự ghi lại nội dung câu chuyện của mình. Trong biên bản cần ghi cả những chi tiết phụ như giọng điệu, động tác, chỗ nghỉ ngắt quãng, thời gian thực hiện trên mỗi tấm hình, những lời nói sai ngữ pháp, nói lẫn về nội dung... Trong quá trình trắc nghiệm, có thể sử dụng các phương tiện nghe nhìn để ghi âm, ghi hình, giúp cho việc lưu giữ và phân tích kết quả nghiên cứu.

Theo H. A. Murrey, giá trị chẩn đoán của trắc nghiệm dựa trên sự thừa nhận có 2 khuynh hướng để con người tự thể hiện mình:

Một là, con người lí giải các vấn đề tùy theo sự phức tạp của tình huống và tùy theo kinh nghiệm, nhu cầu của bản thân.

Hai là, trong mỗi một khía cạnh hoạt động sáng tạo nào đó, con người đều dựa trên những trải nghiệm cá nhân, phản ánh một cách có ý thức hoặc vô thức những nhu cầu, tình cảm của mình vào trong những nhân vật điển hình do mình sáng tạo ra (thường những nhân vật này đồng nhất với bản thân khách thể nghiên cứu).

Theo H. A. Murrey, câu chuyện mà khách thể nghiên cứu tạo dựng theo "chủ đề" thực ra là câu chuyện kể về mình. Qua phân tích hoàn cảnh diễn biến câu chuyện, nội dung cốt chuyện, đặc điểm nhân vật trong chuyện... sẽ giúp cho trắc nghiệm viên biết được tình cảm, ý nghĩ, vị trí xã hội, nguyện vọng, mong muốn, tính cách, sự cạnh tranh, những xung đột, những thất bại, thành đạt..., nghĩa là biết được bức tranh nhân cách sinh động của khách thể nghiên cứu.

Điểm hạn chế đáng kể của TAT là sự phức tạp trong kĩ thuật phân tích kết quả nghiên cứu. Cho đến nay đã có trên 20 sơ đồ khác nhau để phân tích kết quả TAT. E. T. Xôcôlôva cho rằng, những qui luật mà trắc nghiệm TAT phát hiện được chỉ là những khả năng tiềm tàng của nhân cách và không nên kết hợp một cách máy móc các tài liệu nghiên cứu của TAT với các phương pháp nghiên cứu nhân cách khác.

Trắc nghiệm Rorschach:

Trắc nghiệm do nhà tâm thần học Thụy Sĩ H. Rorschach xây dựng năm 1921. Ông là một trong những người đầu tiên nhận thấy có mối liên hệ giữa sản phẩm của trí tưởng tượng với các kiểu nhân cách. Trong quá trình thực nghiệm trên người bình thường và trên người bệnh tâm thần, Ông đã phát hiện ra có một số người tri giác kiểu "vận động" (họ có khuynh hướng cảm thụ về mặt vận động, động thái của sự vật, hiện tượng); ngược lại, có một số người lại tri giác kiểu "màu sắc" (họ tập trung trả lời về màu sắc của những sự vật, hiện tượng mà họ quan sát được). Theo Ror- schach, kiểu tri giác (hay kiểu rung động) nói lên xu thế hướng nội hay hướng ngoại trong nhân cách của người được trắc nghiệm. Với người hướng nội bình thường, thì những câu trả lời về vận động chiếm ưu thế hơn so với những câu trả lời về màu sắc. Ở những người hướng nội bệnh lí, thì chỉ toàn những câu trả lời về vận động. Cũng tương tự như vậy, chúng ta phân biệt được người hướng ngoại bình thường (những câu trả lời về màu sắc chiếm ưu thế) và người hướng ngoại bệnh lí (chỉ có những câu trả lời về màu sắc).

Khác với Jung, Rorschach cho rằng hướng nội và hướng ngoại không phải là những thuộc tính loại trừ lẫn nhau của nhân cách, mà chúng cùng tồn tại ở bất kỳ người nào, tuy mức độ ưu thế không ngang bằng nhau (có kiểu chiếm ưu thế hơn). Ngoài hai kiểu nhân cách trên, Ông còn nêu ra kiểu nhân cách "bế tắc" (các câu trả lời vận động và màu sắc đều rất ít, hầu như không có) và kiểu nhân cách "lưỡng năng" (các câu trả lời về vận động và màu sắc đều rất nhiều, số lượng ngang bằng nhau). Bốn kiểu nhân cách của Rorschach đều bao gồm những yếu tố tương quan về trí thông minh, trạng thái xúc động, nét tính cách và những bệnh tâm thần xác định.

Tuy cơ sở lí luận của trắc nghiệm Rorschach còn nhiều điều đang tranh luận, song đây là một trong những trắc nghiệm nhân cách xuất chiếu được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng hiện nay.

Trắc nghiệm Rorschach bao gồm 10 bức tranh giống như những vết mực loang đều sang hai bên của một trục đối xứng (inkblots). Bức số II và số III có hai màu đen và đỏ; bức VIII, IX, X có nhiều màu sắc; các bức còn lại có màu đen xám.

Người bệnh được xem lần lượt từng vết mực và trả lời câu hỏi: "cái gì đây" hoặc "cái này giống cái gì"... Người tiến hành trắc nghiệm quan sát và ghi chép đầy đủ, chi tiết tất cả nội dung các câu trả lời, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, hướng nhìn, thời gian bắt đầu trả lời, thời gian kết thúc trắc nghiệm với từng vết mực... của người bệnh. Có thể dùng các phương tiện nghe nhìn hiện đại để ghi lại diễn biến của quá trình trắc nghiệm.

Sau khi trả lời xong 10 tấm hình vết mực loang, có thể yêu cầu người bệnh nói rõ thêm vị trí, hình thể của những vật mà họ đã nói tới; yêu cầu họ trả lời vì sao và cái gì buộc họ nghĩ về vật ấy... Có thể yêu cầu họ vẽ lại những hình mà họ đã mô tả. Và cuối cùng, yêu cầu người bệnh nói xem, họ thích nhất vết mực nào, không thích vết mực nào, vì sao...

Toàn bộ các câu trả lời của người bệnh được phân tích theo các chỉ số sau:

Các đặc điểm định vị trong câu trả lời: câu trả lời mang tính toàn thể (W), bao trùm lên toàn bộ bức tranh hay trả lời một cách chi tiết (D, Dd, S).

Yếu tố chủ đạo: câu trả lời về hình thể (F); về màu sắc kết hợp với hình thể (FC, CF, C); màu sắc chuyển tiếp (C', C) hay trả lời về sự vận động (M).

Dấu của hình thể: hình thể được phản ánh phù hợp với bức tranh (F +) hoặc không phù hợp (F -).

Nội dung trả lời: các nội dung này rất khác nhau, có thể câu trả lời về người (H), về động vật (A), hay về lửa (Fi)...

Yếu tố bổ sung: tính độc đáo (Orig) hay tính phổ thông (P) của câu trả lời. Trong lâm sàng tâm thần có sự khác biệt khá rõ rệt giữa các bệnh khác nhau theo những chỉ số trên. Đây cũng là cơ sở chính cho chẩn đoán tâm lí lâm sàng theo test Rorschach.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top