✴️ Xuất huyết dưới nhện

Nội dung

Xuất huyết dưới nhện là gì?

Xuất huyết dưới nhện là một dạng đột quỵ xuất huyết não xảy ra ở phần giữa não và lớp màng xung quanh của nó. (Vị trí này được gọi là khoang dưới nhện, xuất huyết nghĩa là có sự chảy máu đang diễn ra). Tình trạng này xảy ra khi một động mạch bị tổn thương và bắt đầu chảy máu.

Triệu chứng

Cũng như các dạng đột quỵ khác, xuất huyết dưới nhện là một cấp cứu y khoa. Gọi cấp cứu ngay nếu như nghi ngờ chính bản thân hoặc những người xung quanh đang bị đột quỵ. Triệu chứng có thể là một cơn đau đầu tồi tệ nhất từng gặp trong đời. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói, hoặc cả hai;
  • Cổ bị cứng hoặc đau;
  • Đau lưng;
  • Nhìn thấy hình ảnh đôi (song thị);
  • Gặp vấn đề trong việc nói chuyện;
  • Mí mắt chùng xuống;
  • Lú lẫn;
  • Chóng mặt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Co giật;
  • Ngất;
  • Yếu liệt nửa người hoặc các triệu chứng giống đột quỵ khác;
  • Mất tỉnh táo.

Đừng chần chừ, hãy gọi cấp cứu ngay.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Xuất huyết dưới nhện thường xảy ra nhất khi có một túi phình ở trên thành mạch gần với não. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Xuất huyết từ một dị dạng mạch máu (một đám rối mạch máu bất thường ở trong não);
  • Các vấn đề khác của mạch máu;
  • Chấn thương ở đầu, ví dụ như từ tai nạn giao thông hoặc té ngã.

Yếu tố nguy cơ

Không thể nào ngăn chặn được tất cả các tình trạng xuất huyết dưới nhện. Nhưng nếu gia đình có tiền căn phình mạch máu não thì nên thông báo cho bác sĩ ngay. Bệnh nhân có thể sẽ cần được thực hiện một vài xét nghiệm để thăm khám xem liệu có hay không có một túi phình động mạch chưa bị vỡ đang tồn tại trong não. Những yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ bị xuất huyết dưới nhện:

  • Tăng huyết áp;
  • Hút thuốc lá;
  • Sử dụng methamphetamin (ma túy đá) hoặc cocain;
  • Uống nhiều thức uống có cồn.

Tỉ lệ xảy ra ở nữ cũng cao hơn một chút so với nam.

nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chẩn đoán

Bệnh nhân sẽ được thực hiện một vài kỹ thuật hình ảnh học dưới đây để kiểm tra xem liệu có sự xuất huyết ở trong não hay không:

CT scan. Kỹ thuật cắt lớp vi tính sử dụng một chuỗi các tia X kết hợp lại bằng một máy tính để tạo ra được hình ảnh chi tiết hơn so với tia X đơn thuần. Bệnh nhân cũng có thể được cho dùng thêm thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch để có được hình ảnh tốt hơn. Hình ảnh CT không phải lúc nào cũng khảo sát được một xuất huyết dưới nhện nhỏ hoặc xuất huyết cũ đã xảy ra từ một tuần trở lên.

MRI. Kỹ thuật tạo hình cộng hưởng từ sử dụng một nam châm lớn và sóng radio để tạo ra hình ảnh của não. Bệnh nhân có thể được cho sử dụng chất tương phản thông qua đường tĩnh mạch để nâng cao chất lượng hình ảnh. Kỹ thuật này có thể khảo sát được một xuất huyết cũ xảy ra trong thời gian gần đây.

Các kỹ thuật khác có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Chụp mạch máu não. Một ống catheter nhỏ và dẻo được đặt vào động mạch ở chân và đưa đến não. Sau đó một chất tương phản sẽ được cho vào mạch máu để làm nổi bật các mạch máu ở não trên hình ảnh X quang.
  • Chọc dò dịch não tủy. Một chiếc kim nhỏ sẽ được đưa vào phần lưng của bệnh nhân để thu thập chất dịch não tủy để thăm dò xem có máu bên trong hay không.
  • Siêu âm mạch máu nội sọ. Kỹ thuật siêu âm này đo lường tốc độ của dòng máu chảy bên trong não.

Các kỹ thuật hình ảnh trên có thể sẽ được lặp lại do xuất huyết có thể không phát hiện ngay được.

Điều trị

Bệnh nhân xuất huyết dưới nhện sẽ được chuyển ngay đến các bệnh viện có trung tâm đột quỵ.

Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được cho dùng các thuốc làm giảm đau, ngăn chặn các cơn co giật và đột quỵ thiếu máu do huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu nuôi não. Huyết áp sẽ được giữ ở mức đủ cao để giữ dòng máu chảy qua não và đủ thấp để ngăn chăn sự xuất huyết ồ ạt. Nếu như có quá nhiều dịch tích tụ ở bên trong não thì bệnh nhân sẽ được lắp đặt shunt. Đây là một dạng ống nhỏ, dẻo dùng để dẫn lưu dịch thừa và ngăn chặn việc tăng áp lực lên não.

Nếu như một túi phình động mạch bị vỡ thì bệnh nhân sẽ được thực hiện một trong các thủ thuật dưới đây để làm xuất huyết ngưng lại và ngăn chặn nó tiếp diễn:

  • Đặt nút cuộn nội mạch. Trong khi thực hiện thủ thuộc chụp hình mạch máu nội sọ, một ống catheter sẽ được đặt vào mạch máu não, sau đó một nút cuộn kim loại nhỏ sẽ được đặt vào vị trí túi phình, tại đó nó sẽ hình thành nên một huyết khối để làm ngưng sự xuất huyết.
  • Stent nội mạch. Thay vì một nút cuộn kim loại, một ống nhỏ được gọi là stent sẽ được đặt ngang qua vị trí túi phình. Stent sẽ hướng dòng máu tránh khỏi túi phình để ngăn chặn nó bị rỉ hoặc vỡ ra.
  • Kẹp túi phình. Một phần của da đầu và hộp sọ sẽ được cắt ra để có thể tiếp cận túi phình. Một kính hiển vi được sử dụng để định vị túi phình và thắt nó lại bằng một chiếc kẹp nhỏ ngang qua nó, sau đó mảnh sọ bị cắt ra sẽ được thay thế và may lại.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch máu. Sau khi đã giải quyết được túi phình, một mạch máu nhỏ sẽ được gắn vào động mạch, đi thông qua túi phình để đảm bảo được dòng chảy của máu bên trong não. Mảnh mạch máu bắc cầu sẽ được lấy từ bên trong não, da đầu, hoặc tay, chân.
  • Gây thuyên tắc nội mạch. Một ống catheter sẽ được đưa từ động mạch ở vùng bẹn lên đến não. Các nút nhỏ sẽ được đặt bên trong túi phình thông qua catheter để tạo nên huyết khối và làm ngưng lại sự xuất huyết.

Biến chứng

Xuất huyết dưới nhện có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng, ngắn hạn lẫn lâu dài. Một vấn đề nguy hiểm có thể gây tử vong đó là tái xuất huyết - tình trạng này có thể xảy ra sau xuất huyết lần đầu một thời gian ngắn. Một số vấn để có thể gặp sớm khác là co mạch và não úng thủy. Co mạch xảy ra khi các mạch máu trở nên hẹp lại và làm ngắt đi nguồn cung cấp oxy cho não. Não úng thủy là tình trạng dịch tích tụ bên trong não.

Các biến chứng lâu dài khác bao gồm co giật và các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ cũng như trầm cảm, lo lắng và hậu chấn tâm lý sau chấn thương.

Có thể bạn quan tâm: Nang màng nhện

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top