Trên hình ảnh học, các nang này có các đặc tính sau: giới hạn rõ, thành rất mỏng, đẩy lệch các cấu trúc lân cận và có đậm độ giống như dịch não tủy (đậm độ thấp trên CT và tín hiệu cao ở xung T2 FLAIR trên MRI). Các nang này cũng có thể làm biến dạng xương vùng lân cận.
Nang màng nhện chiếm tỉ lệ khoảng 1% trong số các khối u vùng nội sọ. Mặc dù tỉ lệ chung không cao, nhưng nang có tần suất xuất hiện cao hơn trong bệnh di truyền Mucopolysaccharidosis (cũng như khoảng quanh các mạch máu nội sọ).
Trong một nghiên cứu hồi cứu trên 48,417 bệnh nhân tại Hoa Kỳ đã được chụp hình ảnh hệ thần kinh, các nang màng nhện được phát hiện trên 661 người (1.4%) và có xu hướng nghiêng nhiều về nam giới.
Đa số các nang màng nhện có kích thước nhỏ và không gây ra triệu chứng. Khoảng 5% bệnh nhân có triệu chứng và khi triệu chứng xuất hiện thì thường là do nang phát triển to lên gây ra tình trạng chèn ép. Hậu quả là gây ra rối loạn chức năng thần kinh, hoặc làm gián đoạn đường lưu thông của dịch não tủy dẫn đến não úng thủy do tắc nghẽn. Các nang ở vùng yên/dưới yên, củ não sinh tư, và góc cầu tiểu não thường dễ gây ra triệu chứng hơn.
Các nang dưới nhện hầu như tất cả đều xuất hiện rải rác và không nằm trong hội chứng nào, nhưng đã được báo cáo là có liên quan đến các hội chứng Acrocallosal, Aicardi, và Pallister-Hall.
Nang màng nhện thường được cho là xảy ra do có sự bóc tách bẩm sinh của màng nhện và có dịch tích tụ ở bên trong khoang bóc tách này. Thành nang được hình thành từ các tế bào màng nhện dẹp, tạo ra một vách mỏng trong suốt. Thành nang không có thành phần rắn và không có lớp biểu mô lát.
Nang màng nhện có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong hệ thần kinh trung ương, khoảng 60-70% xuất hiện ở hố sọ giữa, tại vị trí này nang có thể xâm nhập vào và làm rộng rãnh Sylvian. Khi xuất hiện ở vị trí này, nang được phân loại theo kích thước thành 3 dạng: Galassi I, II và III. Loại I là dạng thường gặp nhất, chiếm 78%, loại II và II chiếm lần lượt 19% và 3%. Nang xuất hiện ở vị trí sau tiểu não chiếm khoảng 30-40%.
Nang có giới hạn rất rõ, thành rất mỏng, và đẩy lệch các cấu trúc lân cận. Khi nang lớn lên theo thời gian, chúng có thể làm biến dạng xương xung quanh.
CT bể não thất (tiêm chất cản quang vào trong khoang dưới nhện) để khảo sát sự liên quan của nang đối với khoang dưới nhện. Vì sự lưu thông giữa nang và khoang thường chậm, nên chất cản quang sẽ chậm rãi đi vào trong nang và lấp đầy nang, khảo sát được sự liên quan giữa nang và khoang dưới nhện.
Do nang chứa đựng dịch não tủy nên không có gì bất ngờ khi tính chất của nang dưới các chuỗi xung cũng giống như dịch não tủy, kể cả chuỗi xung FLAIR và DWI. Các tính chất này làm chúng có thể phân biệt được với các dạng nang khác, ví dụ như nang thượng bì. Do thành của nang màng nhện rất mỏng và thường không thấy được nên giới hạn ngoài của nang chỉ thường được thấy do sự biến dạng của các cấu trúc lân cận. Do không có các cấu trúc rắn nào trong nang nên không có sự tăng tín hiệu nào được phát hiện.
Kỹ thuật tương phản pha cũng có thể được sử dụng để nhận biết được sự liên hệ giữa nang và khoang dưới nhện cũng như là vị trí thông nhau của 2 kết cấu này.
Kỹ thuật MRI bể não thất: Các chuỗi xung phân giải cao như CISS & FIESTA có thể giúp xác định được thành nang và các cấu trúc giải phẫu lân cận.
Nang màng nhện là dạng tổn thương lành tính, và phần lớn đều không có triệu chứng đến suốt đời. Nếu như các nang được phát hiện là có khả năng gây ra triệu chứng thì phẫu thuật sẽ được xem xét thực hiện. Phẫu thuật có thể là mổ sọ (cắt nang hoặc chọc thủng) hoặc đặt một shunt nang-phúc mạc.
Một biến chứng hiếm gặp là rách khoang dưới màng cứng đột ngột.
Richard Bright là người đầu tiên đã mô tả về nang màng nhện vào năm 1831.
Các chẩn đoán phân biệt trên hình ảnh học bao gồm:
Có thể bạn quan tâm: Tổng quan u màng não
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh