✴️ Bệnh viêm đường tiết niệu và cách chữa

Nội dung

1. Nguyên nhân của bệnh viêm đường tiết niệu

Theo nghiên cứu, có 2 nguyên nhân chủ yếu gây nên viêm đường tiết niệu

Thứ nhất, viêm đường tiết niệu do nhiễm khuẩn: Vi khuẩn E.Coli, Klebsiella species, Proteus, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… là những “thủ phạm” chính. Với những biểu hiện như: Nước tiểu đục, hôi, khai nồng và các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt ngày càng tăng nặng, ở nữ giới thường kèm theo gia khí hư tăng lên và bất thường.

Thứ 2, viêm đường tiết niệu do nóng trong: Những người hay bị mụn nhọt, mẩn ngứa… có nguy cơ mắc cao hơn. Ở dạng này nước tiểu thường có biểu hiện màu vàng, mùi hôi, người bệnh tiểu buốt, tiểu rắt nhưng không nặng.

Nên đi khám bác sĩ ngay nếu có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt…

 

2. Bệnh không nên xem thường

Lý do là viêm đường tiết niệu có thể dẫn tới các biến chứng bất ngờ nên theo các chuyên gia y tế, cần điều trị bệnh trong vòng 24 giờ khi các triệu chứng xuất hiện. Khi bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ sản sinh rất nhanh, xâm nhập vào bàng quang, gây nhiễm trùng thận, nhiễm trùng máu, và gây những hậu quả khó lường trước.

Chị Hoài Thương (32 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Mình đã từng bị viêm đường tiết niệu nên hiểu được cảm giác khi bị bệnh này thế nào. Mỗi lần đi tiểu là một lần cực hình, phải nói là buốt tận óc. Chỉ muốn nhanh nhanh chữa khỏi. Dù bận rộn nhưng mình vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đi khám càng sớm càng tốt. Giờ nghĩ lại mà vẫn hoảng”

Giống trường hợp của chị Thương, bạn Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự “Sau khi sinh em bé 1 tuần thì mình bị triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt; vết thương do sinh mổ cộng thêm với viêm đường tiết niệu làm mình vô cùng khổ sở. Không được uống thuốc kháng sinh vì sợ ảnh hưởng đến sữa mẹ. Tôi chỉ cố gắng uống thật nhiều nước lọc, nước có tính mát. Ơn trời là sau gần 1 tuần tôi cũng khỏi”

Viêm đường tiết niệu mang đến cho người bệnh nhiều phiền toái, vì thế thăm khám bác sĩ chuyên khoa là việc làm cần thiết và mang lại hiệu quả điều trị cao.

 

3. Phương pháp điều trị

Điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh là phương pháp chủ yếu. Các loại kháng sinh được sử dụng điều trị viêm đường tiết niệu có tác dụng lên vi khuẩn Gram âm, ví dụ như: trimethoprim hoặc ofloxaxin (không dùng ofloxaxin cho trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc gây chậm phát triển sụn). Nếu tiểu buốt nhiều thì có thể uống thêm các thuốc làm giãn cơ trơn như nospa… Chỉ uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc. Một nguyên tắc quan trọng trong điều trị viêm đường tiết niệu người bệnh cần phải nhớ đó là uống thật nhiều nước (ít nhất là 2 lít nước một ngày) để làm tăng lượng nước tiểu giúp thải vi khuẩn ra khỏi đường niệu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top