Biến chứng của bệnh đái tháo đường khi nào thì xuất hiện?

Theo lý thuyết, không có câu trả lời chính xác về thời gian biến chứng của bệnh đái tháo đường. Tùy thuộc vào từng dạng biến chứng cũng như tình trạng bệnh mà thời gian xuất hiện biến chứng cũng khác nhau. Có một thực tế là bệnh đái tháo đường vốn tiến triển hết sức âm thầm. Do đó, có khoảng trên 50% bệnh nhân đái tháo đường type 2 khi được chẩn đoán mắc bệnh đã bị biến chứng rồi, chỉ là mức độ biến chứng khác nhau.

Biến chứng đái tháo đường cấp tính - xuất hiện bất kỳ thời điểm nào

Các biến chứng đái tháo đường cấp tính có thể xảy ra rất đột ngột, không có dự báo trước. Người bệnh đái tháo đường dù mới chẩn đoán hay mắc lâu năm cũng đều có thể mắc biến chứng cấp tính nếu không kiểm soát tốt đường huyết.

Hạ đường huyết

Thường xảy ra ở người bệnh đái tháo đường dùng thuốc tiêm insulin hoặc thuốc nhóm sulfonylurea. Các loại thuốc này thúc đẩy cơ thể sản sinh insulin, do đó có thể gây hạ đường huyết nếu bạn ăn quá ít và hoạt động nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, dùng quá liều thuốc aspirin, uống nhiều rượu bia cũng có thể gây hạ đường huyết.

Dấu hiệu cảnh báo: Rối loạn nhịp tim, đổ nhiều mồ hôi, da trắng bệch, tê bì ngón tay/ngón chân, lú lẫn, nhức đầu, buồn ngủ quá mức…

Cách xử trí: Bạn cần ăn ngay các thực phẩm có đường để nhanh chóng làm tăng đường huyết. Với các trường hợp nghiêm trọng hơn (mất ý thức, bất tỉnh), người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu.

Tăng áp lực thẩm thấu do đường huyết cao

Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng biến chứng này có thể đe dọa tới tính mạng. Người bệnh đái tháo đường cần thận trọng với biến chứng này khi bị ốm (sốt, cảm lạnh, cảm cúm). Dấu hiệu cảnh báo: Giảm cân nhanh trong vài ngày do mất nước nghiêm trọng, đi tiểu nhiều, thấy rất khát nước, hôn mê (do đường huyết tăng cao nhưng không bù nước kịp thời).

Cách xử trí: Người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu, bù nước và điện giải (thường là truyền kali) ngay lập tức.

 

Biến chứng đái tháo đường mạn tính - tiến triển âm thầm trong nhiều năm

Các biến chứng đái tháo đường mạn tính sẽ lần lượt xuất hiện sau khoảng từ 5 - 20 năm, nhưng cũng có người khi phát hiện bệnh thì đã có biến chứng rồi. Biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường gồm có:

Biến chứng trên mạch máu nhỏ: Mắt, thận và hệ thần kinh

- Mắt: Nồng độ glucose trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể gây đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường, gây mất thị lực.

- Thận: Các mạch máu nhỏ bị tổn thương làm suy giảm chức năng của thận, khiến thận bị suy yếu và giảm dần khả năng lọc máu.

- Thần kinh: Người bệnh đái tháo đường có thể phát triển nhiều dạng biến chứng thần kinh, nhưng phổ biến nhất là biến chứng thần kinh ngoại biên. Đường huyết cao gây tổn thương các dây thần kinh tới tay, chân, dẫn tới mất cảm giác hoặc thường xuyên thấy đau đớn, tê bì, ngứa ran tại các chi. Các vết thương tại các chi cũng lâu lành, dễ nhiễm trùng và tăng nguy cơ phải đoạn chi.

Với một số người bệnh đái tháo đường type 2, các biến chứng tổn thương thần kinh có thể đã xuất hiện từ khi mới chẩn đoán.

Biến chứng trên các mạch máu lớn: Tim, não bộ

Bệnh đái tháo đường type 2 cũng có thể gây xơ vữa các mạch máu lớn và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên.

 

Cách trì hoãn thời gian biến chứng của bệnh đái tháo đường

Để ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường, người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát đường huyết tốt bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, kiểm soát tốt huyết áp và mỡ máu), đi khám sức khỏe định kỳ. Thêm vào đó, bạn cũng cần kiểm soát các bệnh lý mắc kèm khác (ví dụ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...) để ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường mạn tính.

Bên cạnh đó, bổ sung một số loại thảo dược như nhàu, hoài sơn, mạch môn, câu kỷ tử... cũng có thể giúp ổn định đường huyết và ngăn chặn biến chứng đái tháo đường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top