Bài viết dưới đây sẽ tập trung vào hai tai nạn thường gặp ở trẻ em là chảy máu cam và bỏng nhẹ, cung cấp các bước xử trí đơn giản nhưng hiệu quả để cha mẹ an tâm chăm sóc bé yêu.
Xử trí khi trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu cam là tình trạng các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 2-10 tuổi. Mặc dù đôi lúc trông khá đáng sợ, phần lớn các trường hợp chảy máu cam đều không nghiêm trọng và có thể xử trí dễ dàng tại nhà.
Các bước sơ cứu trẻ bị chảy máu cam
- Giữ trẻ bình tĩnh: điều đặc biệt quan trọng cần làm là giúp trẻ cảm thấy an toàn và thư giãn. Trẻ khóc hoặc hoảng sợ có thể khiến máu chảy nhiều hơn. Bế trẻ ngồi hoặc đứng sao cho đầu hơi hướng về phía trước.
- Bóp cánh mũi: Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai bên cánh mũi trẻ em lại trong khoảng 10-15 phút. Lưu ý không nhét bất cứ vật gì vào mũi trẻ và cũng không bóp vào phần sống mũi.
- Chườm lạnh: Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể đặt một chiếc khăn lạnh lên trán trẻ để giúp co mạch máu.
- Giữ trẻ ngồi yên: Sau khi bóp cánh mũi trong 10-15 phút, hãy thả ra và quan sát tình trạng chảy máu. Nếu máu đã ngừng, hãy cho trẻ ngồi yên lặng trong vài phút. Tránh cho trẻ nghịch ngón tay lên mũi hoặc nằm xuống vì điều này có thể khiến máu chảy lại.
- Liên hệ bác sĩ: Nếu chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút, chảy nhiều hoặc trẻ có các biểu hiện bất thường như chóng mặt, khó thở thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Phòng ngừa chảy máu cam
Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp giảm nguy cơ chảy máu cam ở trẻ, chẳng hạn như:
- Giữ ẩm không khí trong nhà, nhất là vào mùa khô hanh. Máy tạo độ ẩm là thiết bị hữu ích để tăng độ ẩm trong nhà.
- Cắt ngắn móng tay trẻ để tránh việc trẻ ngoáy mũi. Thói quen này có thể làm xây xước niêm mạc mũi, dẫn đến chảy máu cam.
- Khuyến khích và hướng dẫn trẻ hít thở bằng mũi thay vì miệng. Thở bằng miệng khiến niêm mạc mũi bị khô, dễ tổn thương.
- Nếu trẻ bị dị ứng, cần điều trị dứt điểm để tránh tình trạng nghẹt mũi kéo dài. Nghẹt mũi khiến trẻ rặn nhiều hơn, làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
Xử trí khi trẻ bị bỏng nhẹ
Bỏng là tổn thương da do tiếp xúc với nhiệt độ cao, hóa chất hoặc tia cực tím. Bỏng nhẹ thường gây ra các vết rát đỏ, đau rát và may mắn là có thể điều trị tại nhà.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhẹ
- Loại bỏ tác nhân gây bỏng: ngay khi phát hiện trẻ bị bỏng, cần loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng để ngăn chặn tổn thương lan rộng. Ví dụ, tắt nguồn lửa, cởi bỏ quần áo đang dính trên vùng da bị bỏng (lưu ý không cố cởi bỏ để tránh tác động đến vết bỏng; cắt bỏ quần áo trong trường hợp cần thiết); hoặc xả sạch hóa chất bằng nước mát.
- Làm mát vùng da bị bỏng: ngâm vùng da bị bỏng trong nước mát (16-20 độ C) hoặc chườm lạnh trong khoảng 10-15 phút. Điều này giúp giảm đau, hạn chế sưng tấy và bỏng rát. Lưu ý không dùng nước đá lạnh vì có thể gây tổn thương thêm cho da.
- Lưu ý không làm vỡ bóng nước: nếu bỏng gây phồng rộp, không được chọc vỡ bóng nước vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bóng nước chứa đầy chất dịch giúp bảo vệ vùng da bị thương tổn bên dưới. Không chà sát, rửa vùng bị bỏng mạnh để tránh vỡ bọng nước. Không chạm trực tiếp hoặc dùng miệng thổi vào vết bỏng vì điều này có thể khiến cho vết thương bị nhiễm trùng, trở nên nghiêm trọng hơn.
- Băng vùng da bị bỏng: Dùng băng gạc vô trùng hoặc vải sạch, mềm mại băng nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương thêm vết bỏng.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ
- Bỏng lan rộng hơn 5cm hoặc ảnh hưởng đến mặt, tay, chân, hông hoặc mông, bộ phận sinh dục của trẻ.
- Vết bỏng ở các khớp chính như đầu gối, khuỷu tay.
- Bỏng gây ra vết thương sâu, trắng hoặc bỏng sâu dưới da.
- Trẻ có biểu hiện đau rát dữ dội ngay cả khi đã chườm mát.
- Trẻ sốt, buồn nôn hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng.
Phòng ngừa tai nạn bỏng ở trẻ em
Trẻ em hiếu động và có xu hướng khám phá thế giới xung quanh, do đó việc phòng ngừa bỏng đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý để cha mẹ giúp trẻ tránh xa các tai nạn đáng tiếc:
- Giữ trẻ tránh xa bếp đun, lò sưởi, bàn là nóng và các thiết bị sinh nhiệt khác.
- Đặt núm điều chỉnh nhiệt độ của máy nước nóng ở mức an toàn (khoảng 50 độ C).
- Đậy nắp các dụng cụ chứa nước nóng và để xa tầm tay trẻ.
- Không rót nước nóng trực tiếp vào bồn tắm cho trẻ. Luôn luôn thử độ ấm của nước trước khi cho trẻ vào tắm.
- Không cầm đồ uống nóng khi bế trẻ.
- Không đốt nến, bật lửa hoặc diêm quẹt gần nơi trẻ chơi.
- Che chắn các góc cạnh sắc nhọn của bàn ghế để tránh trẻ bị va chạm.
- Dạy trẻ không được nghịch phích cắm điện hoặc dây điện.
Lưu ý: Hãy luôn chú ý đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn các bé hiếu động và tò mò về thế giới xung quanh. Trong trường hợp trẻ gặp phải bất cứ tai nạn nào, nếu bạn lo lắng về tình trạng của con, cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp