Sỏi niệu quản được hình thành ở niệu quản phần lớn là do sỏi từ thận di chuyển xuống, kẹt lại ở niệu quản, gây đau đớn và nhiều biến chứng nặng nề.
Cũng có trường hợp sỏi được hình thành tại niệu quản bởi những lý do như: Niệu quản bị tổn thương do các thủ thuật, phẫu thuật; niệu quản bị dị dạng bẩm sinh là yếu tố tạo cơ hội cho nước tiểu ứ đọng, lắng cặn tinh thể và tạo thành sỏi; canxi máu tăng khiến canxi niệu tăng và thúc đẩy hình thành sỏi…
Nếu sỏi quá to gây tắc nghẽn sẽ khiến nước tiểu không thể xuống bàng quang, tắc nghẽn, ứ nước và suy thận mạn tính, thậm chí là hỏng thận.
Do đó, người bệnh tuyệt đối không chủ quan với sỏi niệu quản, cần thăm khám và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sỹ.
Đồng thời, cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ mới có thể ngăn chặn được sự phát triển của sỏi.
Người mắc sỏi niệu quản ăn uống thế nào?
Uống nhiều nước
Mất nước làm cho nước tiểu đặc hơn, do đó gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Uống nhiều nước là phương pháp phòng ngừa sỏi niệu quản hiệu quả, an toàn và đơn giản nhất. Mỗi ngày cần uống khoảng từ 2,5 - 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm sao cho lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít một ngày.
Người bệnh sỏi niệu quản nên thường xuyên đem theo những chai nước nhỏ khi ra khỏi nhà, uống nước trước và sau khi đi tiểu, uống trước khi ngủ và ngay khi tỉnh dậy... Nên uống nhiều nước cam, nước chanh tươi giúp chống lại sự tạo thành sỏi niệu.
Ăn các thực phẩm có chứa nhiều canxi
Nhiều người có quan niệm là ăn thực phẩm có chứa nhiều canxi là nguyên nhân gây sỏi đường tiết niệu là không đúng. Vì kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi sẽ gây mất cân bằng trong việc hấp thụ canxi, khiến cho cơ thể tái hấp thụ nhiều oxalat từ ruột và sẽ tạo ra sỏi niệu.
Lượng canxi ăn vào khoảng 800 - 1.300mg/ngày sẽ làm giảm sự bài tiết ôxalat trong nước tiểu. Vì vậy, ăn uống điều độ thực phẩm có chứa nhiều canxi cũng là cách phòng ngừa sỏi niệu quản.
Sữa tươi chứa nhiều canxi, mỗi ngày có thể dùng 2 - 3 cốc sữa tươi hoặc một số lượng tương đương sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai...
Ăn nhiều rau tươi, thức ăn đa dạng, cân bằng
Chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, hạn chế ứ đọng trong ruột, hạn chế sự tái hấp thụ oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng bài tiết citrat chống lại sỏi tiết niệu.
Thức ăn cần được phân đều trong nhiều bữa ăn trong ngày nhằm bảo đảm dinh dưỡng mà không gây tăng đậm độ nước tiểu quá cao.
Nên tránh những thực phẩm nào?
Hạn chế muối
Sử dụng muối quá nhiều sẽ khiến nồng độ natri trong cơ thể tăng cao, sẽ thúc đẩy sự tích tụ canxi trong nước tiểu, lắng cặn và tạo thành sỏi. Do đó, các món ăn nên được chế biến nhạt hơn, không dùng thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng 1 thìa cà phê muối.
Không ăn quá nhiều chất đạm
Khi ăn quá nhiều chất đạm động vật có thể làm giảm nồng độ citrate, dẫn đến nguy cơ hình thành sỏi sẽ cao hơn. Mặt khác, các loại thịt đỏ, động vật có vỏ, nội tạng… cũng chứa nhiều purin, là một chất làm tăng axit uric trong nước tiểu, dẫn đến khó hòa tan khoáng chất và tạo thành sỏi. Do đó, nên hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều đạm động vật, mỗi ngày nên ăn khoảng 150g thịt, cá.
Các loại nước ngọt, đồ ăn vặt, bánh kẹo
Sử dụng những thực phẩm này chứa những chất béo bão hòa, đường tinh chế… không tốt cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Người bệnh sỏi niệu quản nên loại bỏ những thực phẩm này trong thực đơn hằng ngày, dù chỉ là bữa phụ.
Nên tránh tiêu thụ quá nhiều các loại đồ ăn, uống chứa caffeine như cà phê, trà, thuốc lá... vì chúng chính là nguyên nhân khiến cơ thể bị mất nước ngay cả khi người bệnh nghĩ rằng vẫn bổ sung nước đầy đủ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh