✴️ Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm

Nội dung

1. Bệnh viêm tai xương chũm là bệnh gì?

Viêm tai xương chũm là bệnh nhiễm trùng ở chỗ lồi ra của xương sọ nằm sau tai còn gọi là mấu chũm. Bệnh có thể phá hủy phần xương này, kéo theo việc người bệnh bị mất khả năng nghe. Đây là bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến và nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng tử vong.

Các triệu chứng của bệnh viêm tai xương chũm có thể bao gồm:

– Có mủ ở tai

– Cảm thấy khó chịu và đau tai

– Đột ngột sốt cao

– Bị đau đầu

– Mất thính giác hoặc giảm khả năng nghe

– Tai hoặc vùng sau tai có dấu hiệu bị sưng, đỏ tấy.

Viêm xương chũm cũng thường gặp ở những trẻ bị suy yếu thể trạng sau các nhiễm khuẩn lây truyền như: bệnh sởi, bệnh đái tháo đường, sốt xuất huyết, quai bị, HIV/AIDS…

phẫu thuật viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm nếu không được điều trị sớm sẽ vô cùng nguy hiểm

 

2. Một số phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm

Phẫu thuật viêm xương chũm là kỹ thuật dẫn lưu ổ mủ của xương chũm trong trường hợp viêm xương chũm nhằm loại bỏ các tổ chức hoại tử và chỉ để lại tổ chức lành. Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp bệnh đã ở tình trạng mạn tính và bao gồm các phương pháp như:

 

2.1. Phẫu thuật viêm tai xương chũm bằng cách mở khoét chũm đơn thuần

– Mục đích: giúp dẫn lưu ổ mủ của xương chũm bằng cách mở hang chũm cùng các xoang chũm. Đồng thời đảm bảo nạo lấy hết các bệnh tích.

– Chỉ định: phương pháp này áp dụng trong trường hợp viêm xương chũm cấp tính, viêm xương chũm bán cấp và viêm tai xương chũm ở trẻ em không đáp ứng điều trị nội.

 

2.2. Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần

– Mục đích: giúp mở hang chũm, xoang chũm ở tầng trên tai giữa, ống thông hang để bác sĩ trực tiếp kiểm tra.

– Chỉ định: mở đầu cho phẫu thuật vá màng tai kế tiếp theo phẫu thuật khoét đá chũm bán phần, hoặc trong trường hợp cholesteatoma đã lan từ tầng trên tai giữa vào hang chũm.

 

2.3. Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm toàn phần

– Mục đích: giúp san bằng hang chũm, xoang chũm tầng trên tai giữa, ống thông hang, bỏ xương búa, xương đe. Phương pháp này có tác dụng để giải quyết các viêm mủ mạn tính ở tầng trên tai giữa, viêm mủ xoang chũm tầng trên tai giữa kèm tình trạng có viêm các xương con.

– Chỉ định: thực hiện phương pháp này với cá trường hợp viêm tai xương chũm mạn tính kèm bệnh tích nhiều và lan rộng.

 

2.4. Một số kiểu phẫu thuật viêm tai xương chũm khác trong một số thể lâm sàng đặc biệt

– Trường hợp viêm xương chũm xuất ngoại ở cổ: lúc này cần rạch kéo dài thêm đường rách sau tai đi dưới quá mỏm chũm 10 mm, rồi tiến hành bóc tách mỏm chũm sạch hết các thớ của cơ ức đòn chũm, sau đó bỏ toàn bộ chũm đến khi lộ gờ bám của cơ nhị thân ở phía sau mỏm.

– Trường hợp viêm tai xương chũm trẻ em: do hệ thống xương chũm chưa phát triển, do đó khi phẫu thuật thì hang chũm, ống thông hang cần mở nông hơn so với người lớn.

– Trường hợp viêm xương chũm thể thái dương – gò má: lúc này cần rạch da sau tai lên cao và dài thêm về phía trước trên ống tai, sau đó mở nạo hang chũm, ống thông hang, xoang chũm cần mở rộng về phía nhóm xoang chũm mỏm thái dương.

Bệnh nhân cần được thăm khám cẩn thận trước khi quyết định phương pháp điều trị cho phù hợp

 

3. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật

Việc chăm sóc cho người bệnh sau phẫu thuật là rất quan trọng. Bởi đây là bước giúp họ có thể phòng tránh được các tai biến nguy kịch gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Việc làm này đòi hỏi cần có sự phối hợp của nhân viên y tế có kinh nghiệm và sự hỗ trợ của người nhà bệnh nhân.

– Cho bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, yên tĩnh, đầu nghiêng khi có dấu hiệu nôn, buồn nôn và tiếp tục theo dõi sức khỏe của người bệnh.

– Sau khi phẫu thuật, đa phần tâm lý của người bệnh vẫn chưa ổn định, vì vậy cần tăng cường tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời, người nhà cần thường xuyên gần gũi, trò chuyện và hỏi thăm với bệnh nhân.

– Hồi phục lại vận động cảm giác: Xoa bóp, tập luyện các chi bị liệt hoặc rối loạn vận động; Hướng dẫn người bệnh tập đi lại và vận động.

– Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn đồ lỏng, nguội trong khoảng 5-7 ngày sau phẫu thuật; Thức ăn phải được chế biến sạch, đảm bảo vệ sinh; Thực đơn phải được bổ sung nhiều vitamin và đạm; Tránh các đồ ăn có chất kích thích, cay, nóng; Cho bệnh nhân uống nước đủ 2 lít/ngày.

– Vệ sinh tai sau phẫu thuật bằng cách rửa tai, lau khô tai, nhỏ hoặc phun thuốc…

phẫu thuật viêm tai xương chũm như thế nào

Người bệnh su phẫu thuật cần được chú ý chăm sóc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp phẫu thuật này. Bạn cũng nên lưu ý đi thăm khám ngay nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường ở tai nhằm điều trị sớm và ngăn chặn nguy cơ bị biến chứng của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top