Phần lớn các loại ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu có khả năng điều trị rất cao. Tuy nhiên, thậm chí ung thư bàng quang giai đoạn đầu vẫn có khả năng tái diễn. Vì vậy, những người sống sót sau ung thư bàng quang cần được theo dõi trong nhiều năm sau khi điều trị để theo dõi sự tái phát.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, bao gồm:
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang do tích tụ các chất hóa học có hại trong nước tiểu. Khi bạn hút thuốc, cơ thể sẽ chuyển hóa các chất hóa học trong thuốc lá và bài tiết một số chất ra nước tiểu. Những hóa chất độc hại có thể làm hỏng lớp niêm mạc bàng quang, dấn đến tăng nguy cơ ung thư.
Tuổi tác: Bạn sẽ có nguy cơ ung thư bàng quang tăng theo tuổi. Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng nó hiếm gặp ở người trẻ hơn 40 tuổi.
Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác.
Giới: Nam giới có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn nữ giới.
Tiếp xúc với hóa chất: Thận đóng vai trò chính trong việc lọc những chất độ ra khỏi máu và đào thải vào bàng quang. Vì vậy, một số chất hóa học có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, như: asen, các hóa chất sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn.
Điều trị ung thư trước đó: Các thuốc chống ung thư như cyclophosphamid làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những người được xạ trị vào xương chậu để điều trị ung thư trước đây có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư bàng quang.
Các thuốc điều trị tiểu đường: Những người dùng thuốc tiểu đường như pioglitazone (Actos) trong hơn một năm sẽ tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Một số thuốc khác có chứa cả pioglitazone và metformin (Actoplus Met), pioglitazone và glimepiride (Duetact) cũng vậy.
Viêm bàng quang mạn tính: nhiễm trùng mạn tính hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại hoặc viêm bàng quang, ví dụ như khi đặt ống thông tiểu dài ngày, có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy. Ở một số vùng trên thế giới, ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến viêm bàng quang mạn tính do nhiễm ký sinh trùng gọi là bệnh sán máng.
Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư: Nếu bạn đã bị ung thư bàng quang, bạn có nhiều khả năng bị tái phát. Nếu một hoặc nhiều thân nhân có tiền sử ung thư bàng quang, bạn có thể có nguy cơ cao mắc ung thư, mặc dù nó có tỉ lệ di truyền là rất nhỏ. Tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng di truyền, còn gọi là hội chứng Lynch, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tiết niệu của bạn, cũng như ung thư đại tràng, tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh