Điều trị bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Nội dung

Bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu không tự chủ, một tình trạng phổ biến ở trẻ em, là sự thôi thúc đi tiểu đột ngột và không kiểm soát được. Bàng quang tăng hoạt không giống như đái dầm.

Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt có thể ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ, một số biến chứng gây ra cho trẻ em:

  • Khó làm rỗng bàng quang hoàn toàn
  • Tăng nguy cơ tổn thương thận
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hầu như, bệnh này sẽ khỏi dần theo thời gian. Nếu tình trạng này không đỡ, sẽ có những phương pháp điều trị giúp trẻ kiểm soát được tình trạng bệnh.

Trẻ có thể kiểm soát bàng quang của mình ở độ tuổi nào?

Hầu hết trẻ em có thể kiểm soát bàng quang sau khi chúng lên 3 tuổi, nhưng độ tuổi này vẫn có thể thay đổi. Bệnh thường không được chẩn đoán cho đến khi trẻ 5 hoặc 6 tuổi. Đến 5 tuổi, khoảng 90% trẻ em có thể kiểm soát việc đi tiểu của chúng trong ngày. Bác sĩ có thể không chẩn đoán được tình trạng tiểu không tự chủ vào ban đêm cho đến khi con bạn được 7 tuổi.

Đái dầm ảnh hưởng đến khoảng 16% trẻ 5 tuổi, tỷ lệ này giảm mỗi năm khi độ tuổi của trẻ tăng lên. Khoảng 10% trẻ 7 tuổi và 1-2% trẻ 15 tuổi vẫn sẽ bị đái dầm vào ban đêm.

 

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ em là muốn đi vệ sinh thường xuyên hơn bình thường. Thói quen đi vệ sinh bình thường là khoảng 4-5 lần 1 ngày. Với bàng quang tăng hoạt, bàng quang có thể co bóp và gây ra cảm giác cần đi tiểu, ngay cả khi bàng quang ko đầy. Cha mẹ cần để ý các dấu hiệu của trẻ: cảm thấy muốn đi tiểu nhưng không đi tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên,…Ít phổ biến hơn, trẻ có thể bị rò rỉ nước tiểu, nhất là khi hoạt động hoặc hắt hơi.

Đái dầm

Đái dầm xảy ra khi một đứa trẻ không thể kiểm soát việc đi tiểu của mình vào ban đêm. Đó là một rối loạn chức năng có thể đi kèm với bàng quang tăng hoạt nhưng lại thường không liên quan tới bệnh này. Đái dầm vào ban đêm được coi là bình thường khi nó xảy ra ở trẻ em cho đến 5 tuổi. Ở trẻ lớn hơn, tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng bài tiết nếu nó đi kèm với táo bón và són phân.

 

Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt. Một số nguyên nhân dựa vào độ tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ từ 4-5 tuổi, nguyên nhân có thể là:

  • Thay đổi thói quen
  • Mải tham gia các hoạt động khác mà quên không đi vệ sinh
  • Mắc bệnh nào đó.

Các nguyên nhân khác gây ra cho trẻ em ở mọi lứa tuổi:

  • Lo âu
  • Sử dụng đồ uống chứa caffein hoặc đồ uống có ga
  • Khó chịu về mặt cảm xúc
  • Có vấn đề về táo bón
  • Thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tổn thương thần kinh hoặc trục trặc khiến trẻ khó nhận ra tình trạng bàng quang bị đầy
  • Không làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi vệ sinh
  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Các cơn co thắt bàng quang được kiểm soát bởi dây thần kinh nên có thể bàng quang tăng hoạt là do rối loạn thần kinh.

Trẻ có thể không làm rỗng hoàn toàn bàng quang. Ảnh hưởng lâu dài của thói quen này là gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng tần suất đi tiểu và tổn thương thận. Đi khám nếu tình trạng bệnh không biến mất.

 

Khi nào thì cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của bàng quang tăng hoạt. Điều này đặc biệt đúng nếu con bạn từ 7 tuổi trở lên. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi này sẽ kiểm soát được bàng quang.

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh, kiểm tra tình trạng táo bón và lấy mẫu nước tiểu để phân tích nhiễm trùng hoặc các bất thường khác.

Thực hiện một số xét nghiệm như đo lượng nước tiểu và hoặc bất cứ thứ gì còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu hoặc đo tốc độ dòng chảy. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ siêu âm để xác định xem các vấn đề liên quan đến cấu trúc của bàng quang có thể là nguyên nhân không.

 

Điều trị bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Bàng quang tăng hoạt thường tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Trẻ có thể giữ nhiều nước tiểu hơn trong bàng quang, phản ứng cơ thể được cải thiện, tình trạng bàng quang tăng hoạt ổn định, cơ thể sản xuất hormone chống bài niệu làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu.

 

Luyện tập bàng quang

Luyện tập bàng quang có nghĩa là tuân thủ lịch trình đi tiểu và cố gắng đi tiểu cho dù có muốn đi hay không. Trẻ sẽ dần dần học được cách chú ý hơn đến nhu cầu đi tiểu của cơ thể. Bàng quang sẽ được làm rỗng hoàn toàn hơn và lâu phải đi tiểu hơn.

Tốt nhất là nên đi tiểu 2 giờ một lần, điều này tốt cho trẻ hay có thói quen chạy vào nhà vệ sinh nhưng lại không tiểu được.

Một cách khác là tiểu ngắt quãng, cố gắng đi tiểu lại sau lần đầu tiên để đảm bảo bàng quang rỗng hoàn toàn.

Một số trẻ thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học, giúp trẻ học được cách tập trung vào cơ bàng quang và thư giãn bàng quang trong khi đi tiểu.

 

Thuốc

Nếu tình trạng không đỡ thì trẻ sẽ phải dùng thuốc. Nếu trẻ bị táo bón, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhuận tràng. Nếu bị nhiễm trùng sẽ phải dùng kháng sinh.

Thuốc giúp thư giãn bàng quang, giảm sự thôi thúc đi tiểu thường xuyên. Ví như như oxybutynin, tác dụng phụ là khô miệng và táo bón. Bàng quang tăng hoạt có thể trở lại sau khi trẻ ngừng dùng thuốc.

 

Biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp khắc phục có thể thực hiện tại nhà:

  • Tránh cho trẻ sử dụng đồ uống và thức ăn có chứa caffein: caffein có thể kích thích bàng quang
  • Khen trẻ để chúng có động lực: hãy thưởng cho trẻ vì thực hiện những hành vi tích cực
  • Tiêu thụ thức ăn và đồ uống có lợi cho bàng quang: như hạt bí ngô, nước ép nam việt quất, nước.

Bất cứ khi nào trẻ có những triệu chứng bất thường thì hãy đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top