Khối u tinh hoàn từ đâu mà ra?

Phần lớn các khối u được tìm thấy trong tinh hoàn không phải do ung thư. Các khối u ở tinh hoàn thường xảy ra do tụ dịch, nhiễm trùng, sưng da hoặc tĩnh mạch. Tuy nhiên, không thể chẩn đoán nguyên nhân gây ra khối u mà không có sự thăm khám của bác sỹ. Mọi người nên đi khám nếu phát hiện ra các khối u bất thường trên cơ thể.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu các nguyên nhân có thể gây ra khối u ở tinh hoàn, cách tự kiểm tra và khi nào nên đến gặp bác sĩ.

Những nguyên nhân gây ra khối u ở tinh hoàn

Các khối u và sưng bên trong tinh hoàn hoặc trên da xung quanh tinh hoàn có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • U nang

U nang là một túi chứa đầy chất lỏng, có thể cảm thấy giống như một cục nhỏ và cứng khi chạm vào. U nang có thể phát triển ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể và thường vô hại.

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một vùng sần do các tĩnh mạch trong tinh hoàn bị sưng lên. Giãn tĩnh mạch thừng tinh hình thành tương tự như tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân của . Không rõ nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch thừng tinh.

  • Tràn dịch màng tinh hoàn

Việc tích tụ chất lỏng xung quanh tinh hoàn có thể gây ra chứng sưng phù được gọi là tràn dịch màng tinh hoàn. Điều này thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng hoặc bị thương ở khu vực này của cơ thể. Tràn dịch màng tinh hoàn thường không đau. Tình trạng sưng tấy có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tinh hoàn.

  • Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức. Điều này có thể xảy ra khi dây kết nối với tinh hoàn bị xoắn và cắt nguồn cung cấp máu tới tinh hoàn. Người bị xoắn tinh hoàn thường bị đau dữ dội, sau đó có thể bị nôn mửa và sưng tinh hoàn.

  • Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn là tình trạng có thể khiến cho mào tinh hoàn bị đau và sưng tấy. Mào tinh hoàn là một ống nằm phía sau mỗi tinh hoàn và mang tinh trùng. Chỗ sưng có thể cảm thấy giống như một cục u. Người bị viêm mào tinh hoàn cũng có thể cảm thấy đau, nhức và nóng ở vùng da xung quanh tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn có liên quan đến chlamydia, một bệnh lây truyền qua đường tình dục.

  • Ung thư tinh hoàn

Một khối u hoặc sưng tấy có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của ung thư tinh hoàn. Hầu hết các khối u không gây ra bất kỳ cơn đau nào. Khối u thường sẽ hình thành ở mặt trước hoặc mặt bên của tinh hoàn. Nó thường gây cảm giác cứng và toàn bộ tinh hoàn có thể cảm thấy săn chắc hơn bình thường. Một khối u có thể phát triển bên trong tinh hoàn hoặc ngay dưới da, khiến cho tinh hoàn lớn hơn hoặc sưng lên. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư tinh hoàn không phổ biến. Chỉ khoảng 1 trong số 263 nam giới mắc bệnh này

 

Cách tự kiểm tra các khối u tinh hoàn tại nhà

Hiểu cơ thể và nhận thức được bất kỳ thay đổi nào có thể là một phần thiết yếu của việc kiểm soát sức khỏe. Kiểm tra tinh hoàn xem có cục u hoặc sưng hay không và tìm kiếm tư vấn y tế nếu cần có thể đảm bảo mọi vấn đề được điều trị nhanh nhất có thể. Tốt nhất nên tự khám khi cơ thể ấm, người thoải mái. Điều này có thể khiến bạn dễ dàng cảm thấy bất cứ điều gì bất thường. Cách tự kiểm tra tinh hoàn tại nhà: 

  • đứng trước gương
  • nhìn vào tinh hoàn xem có bị sưng da không
  • đặt ngón trỏ và ngón cái ở trên và dưới tinh hoàn
  • nhẹ nhàng di chuyển từng tinh hoàn giữa các ngón tay để kiểm tra các cục u

Kiểm tra tinh hoàn hàng tháng từ tuổi dậy thì có thể giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề khác thường nào.

 

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bất cứ ai phát hiện thấy một khối u trong tinh hoàn nên đi khám càng sớm càng tốt. Rất khó để một người có thể phân biệt một khối u là ung thư hay vô hại nếu không được bác sĩ kiểm tra. 

 

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ cần phải kiểm tra tinh hoàn của người bệnh. Họ cũng có thể cần phải làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra khối u. Các xét nghiệm cận lâm sàng như chiếu sáng, siêu âm, chụp X-quang có thể được chỉ định để kiểm tra khối u.

 

Điều trị khối u ở tinh hoàn

Nếu không cảm thấy đau hoặc khó chịu, bạn có thể không cần điều trị. Bất cứ ai có khối u ở tinh hoàn nên thường xuyên kiểm tra tại nhà để đảm bảo rằng khối u không lớn hơn hoặc thay đổi hình dạng.

Các u nang thường sẽ tự biến mất. Nếu u nang bị đau, chườm ấm có thể giúp giảm sưng. Nếu u nang bị nhiễm trùng, bạn có thể cần thuốc để điều trị nhiễm trùng. Các bác sĩ có thể loại bỏ u nang nhờ gây tê cục bộ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không khuyến nghị điều này vì u nang không có khả năng gây ra các vấn đề về sức khỏe. U nang cũng có thể trở lại ở cùng một vị trí.

Những người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc tràn dịch màng tinh hoàn không gặp bất kỳ triệu chứng nào có thể không cần điều trị. Túi chất lỏng nơi bị tràn dịch màng tinh hoàn đã hình thành có thể được sửa chữa hoặc đôi khi bị loại bỏ.

Nếu một khối u trong tinh hoàn được phát hiện là ung thư, bạn sẽ cần điều trị. Điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư. Các bác sĩ sử dụng liệu pháp xạ trị và hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Bác sĩ có thể cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tinh hoàn để chẩn đoán ung thư và ngăn nó lây lan. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì vậy người bệnh sẽ được gợi ý lưu trữ tinh trùng trước khi phẫu thuật.

Tổng kết, có một số nguyên nhân có thể gây ra khối u trong tinh hoàn, hầu hết đều vô hại. Những người không cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu có thể không cần điều trị. Hiếm khi, khối u có thể là dấu hiệu của ung thư tinh hoàn. Các bác sĩ có thể điều trị ung thư tinh hoàn bằng sự kết hợp của xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Thường xuyên kiểm tra tinh hoàn để tìm các cục u có thể giúp phát hiện các dấu hiệu ban đầu của ung thư tinh hoàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top