Tiểu không tự chủ là triệu chứng rất thường gặp ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ sau khi sinh con. Sau quá trình gắng sức để vượt cạn, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo sản phụ trở nên yếu và khó kiểm soát việc tiểu tiện.
Trường hợp chọn phương pháp sinh gây tê ngoài màng cứng cũng dễ khiến chị em có cảm giác tê ở đáy chậu khiến việc đi tiểu không tự chủ được. Triệu chứng này có thể sẽ tự khỏi sau từ 3 - 6 tháng sau khi sinh em bé. Song tình trạng này cũng có thể kéo dài hơn, có người thậm chí đến hàng năm sau vẫn chưa kiểm soát được việc đi tiểu trở lại bình thường.
Theo bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung - Phòng khám Y khoa Thái Hà thì nhiều chị em cho rằng tiểu không tự chủ không nguy hiểm đến sức khỏe cũng như không để lại di chứng nên họ thường âm thầm chịu đựng hoặc chọn cách đối phó bằng việc sử dụng băng vệ sinh hằng ngày. Tuy nhiên, thực tế són tiểu gây trở ngại rất lớn trong sinh hoạt, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục do luôn ở trong tình trạng ẩm ướt.
Tiểu không tự chủ khi gắng sức khác với tiểu rắt. Tiểu không tự chủ là tiểu không thể kiểm soát nằm ngoài ý muốn của người bệnh, mỗi khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng như vận động mạnh, hắt hơi, ho... làm dòng nước tiểu tuột ra ngoài, thể hiện sự suy yếu chức năng nâng đỡ của bàng quang, niệu đạo... Tiểu rắt là tình trạng người bệnh đi tiểu nhiều lần với số lượng ít những vẫn kiểm soát được.
Ở một số bà mẹ, vài tuần sau sinh tình trạng tiểu không tự chủ sẽ tự hết, nhưng cũng có người bị kéo dài ở những mức độ khác nhau. Để hạn chế và sớm phục hồi tình trạng tiểu không tự chủ, người bệnh không nên để bàng quang đầy nước tiểu, khi cảm thấy buồn tiểu nên đi tiểu ngay. Người bị tiểu không tự chủ có thể luyện tập bằng cách: Khi hít vào thì co khít cơ âm đạo, từ từ thở ra đồng thời giãn cơ; Nếu vẫn bị tiểu không tự chủ tiểu kéo dài sau sinh, thì người bệnh nên đi khám.
Sau khi thực hiện luyện tập theo chỉ dẫn của bác sỹ mà bệnh vẫn không thuyên giảm, kéo dài bác sỹ chuyên khoa mới cho chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật đặt miếng nâng đỡ niệu đạo chỗ cơ thắt kiểm soát đi tiểu. Phẫu thuật này qua đường tự nhiên rất nhanh (xuất viện sau 24 giờ) và không đau. 90% phụ nữ khỏi bệnh hoàn toàn sau khi được phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh