Theo Viện sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, hơn một nửa số người mắc tiểu đường có chức năng bàng quang kém.
Những khó khăn trong việc tiểu tiện có thể xảy ra khi bạn lớn tuổi, nhưng khi bạn mắc tiểu đường, những vấn đề về bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bắt đầu sớm hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Đó là vì bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh kiểm soát hoạt động và chức năng của hệ tiết niệu.
Nhìn chung, phụ nữ thường có nhiều khả năng đi tiểu không tự chủ hoặc rò rỉ nước tiểu nhiều hơn nam giới do sự khác nhau trong cấu tạo giải phẫu và sự thay đổi của cơ thể do sự mang thai và sinh nở. Nam giới có thể thấy nước tiểu chảy nhỏ giọt, dòng chảy yếu, không liên tục và tắc niệu đạo.
Những vấn đề về bàng quang có thể gây ra bởi tổn thương thần kinh do tiểu đường, tổn thương thần kinh vì những nguyên nhân khác, như chấn thương, nhiễm trùng và những bệnh khác. Lượng đường trong máu tăng cao cũng có thể gây tiểu nhiều.
Nguy cơ bị bệnh tăng lên nếu sự kiểm soát bệnh tiểu đường không tốt, hàm lượng cholesterol cao, huyết áp cao, thừa cân, tuổi cao, hút thuốc và lối sống ít vận động. Sử dụng insulin làm tăng nguy cơ tiểu tiện không tự chủ.
Bàng quang tăng hoạt động: Những cơn co bàng quang gây nên tình trạng cần đi tiểu khẩn cấp hơn 8 lần trong một ngày hoặc nhiều hơn 2 lần vào ban đêm.
Sự rò rỉ nước tiểu hoặc tiểu tiện không tự chủ có thể là một vấn để. Lựa chọn điều trị đối với sự hoạt động quá mức của bàng quang bao gồm việc dùng thuốc, phương pháp rèn luyện bàng quang ví dụ như hẹn giờ, kích thích điện, bài tập Kegel và phẫu thuật.
Mất kiểm soát cơ thắt bàng quang: Kiểm soát kém cơ thắt bàng quang là do tổn thương thần kinh có thể dẫn đến rò rỉ nếu cơ kiểm soát dòng nước tiểu không thắt chặt được. Mặt khác, việc tiểu tiện cũng gặp khó khăn nếu cơ thắt co chặt. Điều trị tình trạng này có thể sẽ cần dùng thuốc. Tiêm Botox vào khu vực xung quanh cơ thắt bàng quang có thể giúp cơ dãn ra. Tuy nhiên, tổ chức FDA của Mỹ không cho phép sử dụng Botox trong điều trị kiểm soát cơ thắt niệu đạo.
Bí đái: là sự mất khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Bí đái có thể dẫn đến sự dò rỉ nước tiểu, tổn thương thận, viêm thận và nhiễm trùng bàng quang. Lựa chọn điều trị bao gồm dùng thuốc, phương pháp rèn luyện bàng quang ví dụ như hẹn giờ, sử dụng ống dẫn lưu, ống thông niệu đạo, nhận thức được khi bàng quang đầy và mát xa bụng dưới. Dùng thuốc, bài tập Kegel hoặc phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị hỗ trợ sự rò rỉ nước tiểu.
Tiểu nhiều do tăng đường huyết: Khi lượng glucose trong máu tăng, thận phải làm việc nhiều hơn để tăng đào thải glucose. Não bộ nhận tín hiệu cần nước để pha loãng máu. Nếu thận không thể lọc hết glucose thì lượng glucose dư thừa sẽ đào thải qua nước tiểu. Dịch được lấy từ mô cơ thể để hỗ trợ đào thải đường vào nước tiểu. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước và các cơn khát. Do việc uống nhiều nước làm dịu đi cơn khát dẫn đến việc người bệnh càng đi tiểu nhiều hơn. Uống nhiều nước là việc tốt và giúp hỗ trợ thận đào thải glucose. Sự kiểm soát tốt lượng đường huyết có thể ngăn chặn những điều này xảy ra.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Lượng đường trong máu cao có thể tạo nên môi trường giàu chất dinh dưỡng cho vi khuẩn sinh sản và dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Sự nhiễm trùng này có thể gây nên tiểu nhiều, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, và nước tiểu có màu đỏ hoặc sẫm màu. Phụ nữ có thể nhận thấy sự tăng áp lực lên xương chậu. Nam giới có thể cảm thấy đầy ở trực tràng. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở niệu đạo, bàng quang hoặc thận. Viêm thận có thể dẫn đến những triệu chứng kèm theo như buồn nôn, đau lưng hoặc hông, và sốt. Nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng kháng sinh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh